Giảm khiếu kiện và vi phạm pháp luật ở nông thôn, vùng núi

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch về việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (khu vực phía Bắc), tình trạng khiếu kiện và vi phạm pháp luật ở những địa bàn này có chiều hướng giảm.

Tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ủy ban Dân tộc và TƯ Hội Nông dân Việt Nam hôm qua tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch (NQLT) số 01/1999/NQLT-TP-VHTT-NNPTNT-DTMN-ND về việc phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số (khu vực phía Bắc).

Duy trì hàng trăm câu lạc bộ PBGDPL

Ngay sau khi NQLT được ban hành, các bên ký NQ đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc ngành mình ở địa phương triển khai thực hiện. Trong từng giai đoạn, các cơ quan ký NQLT đều có hướng dẫn những hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật và nội dung pháp luật cần tập trung phổ biến cho đối tượng cũng như định kỳ kiểm tra, nắm tình hình ở địa phương – nhất là ở cơ sở để phục vụ cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn.

Theo báo cáo của Vụ trưởng Vụ PBGDPL - Bộ Tư pháp Nguyễn Duy Lãm, suốt 10 năm qua, cứ 6 tháng một lần, Bộ Tư pháp lại hướng dẫn Danh mục sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn. Bộ cũng chỉ đạo điểm, hỗ trợ kinh phí xây dựng 120 Câu lạc bộ (CLB) “Nông dân với pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm”, phần lớn các CLB này ở nông thôn và miền núi. Các báo, tạp chí thuộc Bộ như Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật… có nhiều bài viết tuyên truyền pháp luật cho nông dân và đồng bào dân tộc, biểu dương các tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện NQLT ở địa phương.

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh, việc chỉ đạo thực hiện NQLT được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ quan tâm, đặc biệt đã ban hành và trình Thủ tướng ban hành rất nhiều văn bản về PBGDPL.

Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức hàng trăm, hàng nghìn hội nghị, buổi sinh hoạt, tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân với khoảng 93 nghìn lượt người tham dự. Phát huy kết quả đã đạt được, bà Kim Anh khẳng định “Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt các Đề án, Chương trình PBGDPL của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhằm đưa công tác PBGDPL cho người dân nông thôn lên tầm cao mới”.

Tích cực lồng ghép NQLT ở địa phương

Với cơ sở pháp lý quan trọng là NQLT số 01, các tỉnh thành đã thực sự chủ động sáng tạo trong tổ chức, chỉ đạo thực hiện NQ, lồng ghép NQ với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội khác tại địa phương. Nhiều địa phương đã mở rộng cơ quan tham gia ký liên tịch là Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh…

Có địa phương thì ban hành văn bản của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL cấp tỉnh chỉ đạo triển khai NQ này. Các ngành đã sử dụng tới 11 hình thức PBGDPL phù hợp cho từng đối tượng, kết hợp giữa PBGDPL với tuyên truyền và thực hiện các chủ trương, phong trào vận động quần chúng nên thu hút được đông đảo nông dân, đồng bào dân tộc tham gia.

Báo cáo tổng kết 10 năm đánh giá, ở những địa phương làm tốt công tác PBGDPL, tội phạm, vi phạm pháp luật và tình trạng khiếu kiện có chiều hướng giảm. Chẳng hạn, Thanh Hóa đã giảm được tình trạng khiếu kiện kéo dài, Bình Thuận giảm hơn 10% số vụ phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

Bà Âu Thị Mai (Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) thừa nhận, qua 10 năm thực hiện NQLT, người dân trên địa bàn huyện không những hiểu rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình để tự giác chấp hành pháp luật mà còn giảm bớt khiếu kiện không đúng hoặc không có cơ sở pháp lý, hạn chế khiếu kiện tràn lan hoặc vượt cấp.

Ông Nguyễn Văn Minh (Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh) phấn khởi, nhờ tác động của quá trình thực hiện NQLT, nông dân đã tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền, yên tâm sản xuất phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các chương trình phát triên kinh tế - xã hội ở địa phương. Phó ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Bùi Văn Huy nhận xét, thông qua công tác tuyên truyền PBGDPL, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển KT-XH vùng dân tộc miền núi và cả tỉnh.

Hoàng Thư

Đọc thêm