Với phương châm “hướng về cơ sở, bám sát địa bàn và khu vực nhiều người nghèo", công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), trợ giúp pháp lý (TGPL) là một trong những chính sách “giảm nghèo về pháp luật”, góp phần tăng chất lượng sống và phát triển kinh tế xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Trong thời gian qua, công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS được thực hiện thường xuyên |
Không để "tuyên truyền cho xong, trợ giúp cho có"
Xác định "pháp luật đi trước", trong thời gian qua, công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp tâm sinh lý và tập quán, điều kiện sinh hoạt của đồng bào DTTS, thu hút được đông đảo đồng bào dân tộc tham gia và tiếp nhận một cách tự nhiên những thông tin pháp lý liên quan để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Những mô hình PBGDPL cho đồng bào DTTS có hiệu quả, độc đáo đã xuất hiện ở một số địa phương như Hà Giang, TP.Hải Phòng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, An Giang, Lâm Đồng...
Không để "tuyên truyền cho xong, trợ giúp cho có", hoạt động PBGDPL, TGPL lưu động thực sự là một trong những phương thức “giảm nghèo pháp luật” phù hợp nhất với đồng bào DTTS. Đồng thời là “công cụ góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển ở những vùng miền núi khó khăn nhưng lại có vai trò quan trọng về quốc phòng an ninh” như nhận xét của ông Uông Ngọc Thuẩn (Vụ PBGDPL – Bộ Tư pháp).
Không chỉ vậy, PBGDPL cũng giúp cán bộ tư pháp cũng kịp thời nắm bắt những khó khăn vướng mắc, tình hình nhận thức pháp luật, chấp hành pháp luật, nhu cầu trợ giúp pháp lý ở địa phương để kịp thời phản ánh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền có kế hoạch và biện pháp khắc phục, giải quyết.
Những kết quả này là “xuất phát điểm” vững chắc cho việc triển khai Luật PBGDPL (có hiệu lực từ 1/1/2013), đặc biệt là những qui định về PBGDPL cho những đối tượng đặc thù, trong đó có người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới… - địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS. Theo ông Danh Út (ĐBQH tỉnh Kiên Giang), “người dân ở vùng DTTS rất cần được ưu tiên PBGDPL vì họ là đối tượng chịu thiệt thòi”.
Cần thu hút người DTTS làm PBGDPL
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác PBGDPL và TGPL, không chỉ đối với đồng bào DTTS mà với người dân nói chung, Vụ PBGDPL kiến nghị bổ sung quyền được PBGDPL và TGPL của công dân vào Chương quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp (đang được sửa đổi, bổ sung). Khi đó, quyền được PBGDPL và TGPL là quyền Hiến định và mỗi công dân đều được thụ hưởng quyền này. Riêng đối với người DTTS, được PBGDPL và TGPL là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng sống của bà con DTTS và giữ ổn định tình hình những địa bàn "phên giậu" của nước nhà
Nhìn từ thực tiễn PBGDPL và TGPL thời gian qua, hoạt động PBGDPL và TGPL cho người dân tộc, đặc biệt ở những địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông không thuận lợi, còn gặp không ít khó khăn. Trong đó phải kể đến hạn chế của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác này ở địa phương cũng như việc thực hiện PBGDPL và TGPL ở một số địa phương chưa đồng đều, chưa kết hợp được với các chủ trương, lớn của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương nên hiệu quả chưa cao.
Vì vậy, khắc phục những hạn chế về nhân lực cho công tác PBGDPL là một trong những giải pháp được Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) cho rằng hữu hiệu để nâng cao hiệu quả PBGDPL cho đồng bào DTTS.
Thực vậy, phát triển nguồn nhân lực "tại chỗ" với những hiểu biết sâu sắc về văn hóa, phong tục của người bản địa, cùng với đó là có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật tại các vùng có nhiều đồng bào DTTS am hiểu tiếng dân tộc thiểu số và các phong tục, tập quán của các địa phương nơi làm việc… mới giúp cho công tác PBGDPL và TGPL cho đồng bào DTTS phát triển bền vững và đưa Luật PBGDPL, cụ thể là những qui định về PBGDPL cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo thực sự phát huy được hiệu quả trong cuộc sống, cùng bà con DTTS "làm giàu" cuộc sống với nhận thức pháp luật ngày càng được nâng cao.
Đến nay cả nước đã thành lập được 1.632 câu lạc bộ TGPL và hàng nghìn câu lạc bộ pháp luật tại các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Các câu lạc bộ đã tổ chức được trên 35.000 buổi sinh hoạt (01 buổi/tháng) với sự tham gia của hàng trăm nghìn người nghèo, đồng bào DTTS và người thuộc diện được trợ TGPL. Trong hoạt động của các câu lạc bộ TGPL, hoạt động PBGDPL cũng được triển khai một cách tích cực và hiệu quả. (Nguồn: Bộ Tư pháp) |
Huy Anh