Kết quả không như kỳ vọng
Theo số liệu cập nhật năm 2020 từ báo cáo “Những vấn đề cấp bách - Tình trạng toàn cầu về giảm thiểu tác hại thuốc lá” (The Global State of Tobacco Harm Reduction - GSTHR) công bố bởi tổ chức Tri thức Hành động Thay đổi (Knowledge Action Change - KAC), Việt Nam nằm ở top 10 trong danh sách 27 nước có tỷ lệ thương vong do hút thuốc lá, vượt trên cả Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất và có mức tiêu thụ thuốc lá cao trên toàn cầu.
Để giảm tiêu thụ thuốc lá, từ nay đến năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu là phải giảm trên ba phương diện, gồm giảm 37% tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành, 50% tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà và 35% tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc.
Nếu so chỉ tiêu đặt ra cho năm 2025 và số liệu có được từ năm 2010 đến 2015, việc kỳ vọng giảm từ 35% - 50% là đều khó khả thi khi lịch sử ghi nhận trong vòng 5 năm qua chỉ có thể giảm từ 2,1% cho đến 13,3%. Tỷ lệ hút thuốc lá điếu chung giảm từ 19,9% năm 2010 xuống 18,2% năm 2015 (tương ứng giảm trung bình mỗi năm 0,34%).
Dù vậy, so với quốc gia láng giềng là Thái Lan, Việt Nam đã đạt được các bước tiến nhất định. Thái Lan chỉ giảm được tỷ lệ hút thuốc lá điếu là 2,8% (từ năm 2006 đến 2017), tương ứng với trung bình mỗi năm đạt 0,25%, thấp hơn so với Việt Nam. \
Trong vòng 11 năm, Thái Lan đã áp dụng 15 biện pháp mạnh như 8 lần tăng thuế thuốc lá, đưa ra các lệnh cấm toàn diện đối với việc hút thuốc lá tại nơi công cộng, cấm quảng cáo và năm 2014 cấm hoàn toàn sử dụng thuốc lá điện tử...
Các nước có tỷ lệ thương vong cao do hút thuốc lá. |
Mặc dù vậy, kết quả chưa như kỳ vọng dẫn đến một làn sóng dư luận kêu gọi Chính phủ Thái nhìn nhận lại chính sách kiểm soát thuốc lá điếu đang thực thi. Ngược lại, cũng trong giai đoạn siết chặt này, tỷ lệ buôn lậu thuốc lá điếu tại Thái tăng mạnh, dù có tăng và giảm theo hàng năm nhưng tỷ lệ giảm chưa tới 2% trong khi tỷ lệ tăng có giai đoạn lên đến 3%.
Hướng đi mới của các nước tham gia FCTC
Các kết quả trên cho thấy, cả Việt Nam và Thái Lan - hai nước Đông Nam Á trong số các nước đang tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - đã thực hiện các biện pháp mạnh để giảm tiêu thụ thuốc lá nhưng chưa thực sự đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi đó, hiện đã có 64 nước trên toàn cầu chấp thuận thương mại hóa thuốc lá làm nóng, bao gồm có hơn 2/3 quốc gia nằm trong Công ước Khung FCTC.
Còn Nhật Bản đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng cách đây 8 năm và đã có hơn 17 triệu người trưởng thành ở nước này chuyển này sang sử dụng thuốc lá làm nóng vào cuối năm 2020. Hơn 70% trong số họ đã chuyển đổi hoàn toàn sang thuốc lá làm nóng và cai hẳn thuốc lá điếu đốt cháy.
Một trong những ví dụ điển hình là Anh quốc đã và đang theo đuổi mục tiêu tương lai không khói thuốc vào năm 2030 theo một hướng tiếp cận rất khác đối với công tác kiểm soát thuốc lá, đặc biệt trong các quy định đối với thuốc lá không khói, bao gồm thuốc lá làm nóng.
Kết quả là tỷ lệ những người hút thuốc lá điếu đốt cháy tại Anh đã giảm thêm đến 5%, giảm từ 20% vào năm 2011 xuống chỉ còn 15% vào năm 2018. Anh quốc được xem như là minh chứng thành công nhất trong nỗ lực giảm thiểu tỷ lệ hút thuốc lá điếu đốt cháy trong giới trẻ (độ tuổi 18-24) ở mức 9%.
Tương tự, đầu năm 2021, Uruguay đã thu hồi lệnh cấm đối với các sản phẩm thuốc lá làm nóng bởi Chính phủ nước này nhận thấy có trách nhiệm về sức khỏe cộng đồng và cần tìm kiếm các công cụ đưa ra giải pháp cho vấn nạn hút thuốc lá, bao gồm cả các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu đốt cháy do chính ngành công nghiệp thuốc lá nghiên cứu phát triển.
Thực tế 43/64 nước đang thương mại hóa thuốc lá làm nóng có tham gia Công ước khung FCTC cho thấy, Chính phủ các nước này đang đón nhận các sản phẩm không khói như là một giải pháp giảm thiểu tác hại thuốc lá điếu thay vì cấm đoán cực đoan.
Về mặt thị trường, việc cấm các sản phẩm thuốc lá không khói chỉ mang tính ngăn chặn những sản phẩm của các nhà sản xuất chính danh, được cơ quan y tế của nhiều quốc gia công nhận về khả năng giảm thiểu tác hại, trong khi các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng vẫn đang phát triển mạnh dưới hình thức buôn lậu, khó kiểm soát.
Về mặt pháp lý, với các sản phẩm không khói mà sự cấu thành sản phẩm đang phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá như thuốc lá làm nóng, thì việc đưa ra lệnh cấm cũng không khả thi.
Luật sư Phan Hoàng Lâm |
Luật sư Phan Hoàng Lâm, Công ty Luật TNHH DT LAW, cho biết: Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012 định nghĩa “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. Theo khoản 3 Điều 2 của Luật này thì “nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.
Trên cơ sở này, thuốc lá làm nóng được xem là “thuốc lá” vì có chứa thành phần lá thuốc lá, phù hợp với khái niệm “thuốc lá” theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Do vậy, loại thuốc này hoàn toàn cần được quản lý bởi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012.
Theo Luật sư Lâm, để quản lý các sản phẩm thuốc lá không khói một cách hiệu quả hơn, Việt Nam cần xem xét đến các căn cứ khoa học trên quốc tế để đánh giá, so sánh về mức độ gây hại sức khỏe của thuốc lá không khói so với thuốc lá điếu đốt cháy. Đồng thời, với chức năng quản lý nhà nước, để tạo sự tự do cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà sản xuất, các sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước cần ngay lập tức đề ra kế hoạch xây dựng hành lang pháp lý cho việc sản xuất, lưu hành và kiểm soát những sản phẩm này.