Giam nữ doanh nhân gần 2 năm, không buộc được tội

Quyết định miễn trách nhiệm hình sự của VKSND tỉnh Lai Châu bộc lộ toàn bộ sự phi lý trong những nội dung mà cơ quan này viện dẫn. Theo Luật sư, trong quyết định cũng đã thừa nhận, việc khởi tố, truy tố, bắt giam đối với chủ DNTN Hoàn Đức về việc “chiếm đoạt” 1,7 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Hương Liên là hoàn toàn vô căn cứ. Do đó, đây là một vụ án oan mà VKSND tỉnh Lai Châu phải xin lỗi và bồi thường...

"Bài" “miễn trách nhiệm hình sự” lại được VKSND tỉnh Lai Châu áp dụng để lẩn tránh trách nhiệm trong một vụ khởi tố, bắt giam oan sai đối với chủ một doanh nghiệp tư nhân.

Khởi tố trái thẩm quyền, truy tố không căn cứ

Năm 2011, CQĐT và VKSND tỉnh Lai Châu đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP. Lào Cai dẫn đến bi kịch kéo dài gần 2 năm đối với bà Tạ Thị Minh Nguyệt, chủ DNTN Hoàn Đức có trụ sở tại TX Lai Châu. Sau 2 năm điều tra, truy tố nhưng không buộc được tội, VKSND tỉnh Lai Châu đã làm theo “kinh nghiệm” của cấp trên là áp dụng Điều 25 Bộ Luật hình sự để tha (miễn trách nhiệm hình sự) cho bị can mà cơ quan này không thể buộc được tội.

Trở lại nội dung vụ án, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Lai Châu thì tháng 4/2011, bà Nguyệt có vay của bà Đặng Thị Phượng trú tại TP Lào Cai số tiền 2,146 tỷ đồng có thế chấp bằng tài sản là nhà đất và ô tô BKS 25K-5588. Đến hạn trả nợ nhưng bà Nguyệt đã không trả được tiền cho bà Phượng. Vì vậy bà Nguyệt đã nhờ bà Nguyễn Thị Hương Liên cùng gặp bà Phượng để thỏa thuận “đảo nợ”. Theo đó, bà Liên sẽ nhận trả nợ cho bà Phượng thay cho bà Nguyệt còn bà Nguyệt sẽ chịu trách nhiệm trả nợ bà Liên.

Để thực hiện thỏa thuận trên, bà Liên không xuất tiền mặt ra trả cho bà Phượng mà lại ký giấy vay 2 tỷ đồng của bà Phượng rồi chỉ nhận về 300 triệu đồng, số tiền 1,7 tỷ đồng còn lại bà Phượng giữ lại để trừ vào số nợ của bà Nguyệt đang nợ.

Tuy nhiên, một thời gian sau, bà Liên “bị mất” giấy tờ chứng minh giao dịch “đảo nợ” trên. Trong khi đó, bà Tạ Thị Minh Nguyệt thì không thừa nhận có quan hệ “đảo nợ” trên và không thừa nhận có nợ bà Liên 1,7 tỷ đồng.

Vì lý do bà Nguyệt phủ nhận không nợ 1,7 tỷ đồng đối với bà Liên nên bà Liên tố cáo đến CQĐT Công an tỉnh Lai Châu và ngay lập tức, bà Tạ Thị Minh Nguyệt bị khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bà Nguyễn Thị Hương Liên. Tháng 2/2012, VKSND tỉnh Lai Châu có cáo trạng truy tố bà Nguyệt với mức án cao nhất là tù chung thân.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Việt Hùng, việc khởi tố, bắt giam bà Nguyệt là không đúng thẩm quyền và có dấu hiệu buộc tội oan sai, không đủ bằng chứng. Luật sư Nguyễn Việt Hùng viện dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền giải quyết vụ án, theo đó thẩm quyền điều tra, truy tố đối với tội phạm (nếu có) thuộc về cơ quan điều tra và VKS nơi xảy ra việc thực hiện tội phạm là TP Lào Cai. Việc các cơ quan tố tụng tỉnh Lai Châu “vào cuộc” là “có vấn đề” về thẩm quyền.

Vụ án đặc biệt “nóng” khi bị can khẳng định không có chuyện “đảo nợ” như lời khai của bà Liên. Bà Nguyệt khẳng định, bà chỉ vay của bà Phượng 600 triệu đồng. Việc buộc tội của VKSND lại lâm vào “đường cùng” khi Tòa án yêu cầu phải cung cấp các chứng cứ thuyết phục để chứng minh có quan hệ vay nợ, đảo nợ giữ những cá nhân có liên quan nhưng CQĐT lại không thu thập được bằng chứng gì.

Không buộc được tội, dùng lại "bài" “miễn tội”

Do không buộc được tội “Lừa đảo…” đối với bà Nguyệt, CQĐT và VKSND tỉnh Lai Châu quyết định đổi tội danh cho bà Nguyệt thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 18/9/2012, VKSND tỉnh Lai Châu đã truy tố bà Nguyệt về tội mới. Tuy nhiên, dù tội mới nhưng chứng cứ buộc tội vẫn “cũ” và điểm mấu chốt của vụ án là việc có hay không việc bà Nguyệt vay 2 tỷ đồng của bà Phượng và có sự tồn tại thật của thỏa thuận “đảo nợ” hay không thì CQĐT không thể chứng minh được nên việc buộc tội cũng không thành.

Buộc tội bất thành, VKSND tỉnh Lai Châu đứng trước nguy cơ phải bồi thường vì truy tố, bắt giam oan đối với bà Nguyệt. Bất ngờ, ngày 18/1/2013, đúng 5 tháng sau khi ra cáo trạng, VKSND tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định “miễn trách nhiệm hình sự” đối với bà Nguyệt. Điều đặc biệt là trong quyết định này, VKSND tỉnh Lai Châu lại kết luận “việc bà Nguyệt đem xe ô tô để thế chấp vay 446 triệu đồng của bà Phượng nhưng đến hạn không trả”… là tội phạm mà không hề đề cập đến việc “đảo nợ” và chiếm đoạt 1,7 tỷ đồng của bà Liên. Quyết định này cũng viện dẫn căn cứ miễn tội đối với bà Nguyệt là do bà Phượng không còn bức xúc như trước và đến nay hành vi của bà Nguyệt “không còn nguy hiểm cho xã hội” nên không truy tố nữa.

Quyết định miễn trách nhiệm hình sự của VKSND tỉnh Lai Châu bộc lộ toàn bộ sự phi lý trong những nội dung mà cơ quan này viện dẫn. Theo Luật sư Trần Việt Hùng, Trưởng VPLS Trí Việt, nếu hành vi của bà Nguyệt là tội phạm thì chỉ trong vòng 5 tháng, không có “tình hình” nào có chuyển biến để VKSND Lai Châu từ chỗ ra cáo trạng chuyển sang hủy truy tố. Trong quyết định cũng đã thừa nhận, việc khởi tố, truy tố, bắt giam đối với bà Nguyệt về việc “chiếm đoạt” 1,7 tỷ đồng của bà Nguyễn Thị Hương Liên là hoàn toàn vô căn cứ. Do đó, đây hoàn toàn là một vụ án oan mà VKSND tỉnh Lai Châu phải xin lỗi và bồi thường cho người bị oan.

Luật sư Trần Việt Hùng:

Điều 25 BLHS bị biến thành “bùa” bảo vệ sai phạm cho cơ quan truy tố sai

- Không chỉ vụ án này, không chỉ VKS tỉnh Lai Châu áp dụng sai điều 25 mà ngay cả VKSNDTC cũng áp dụng điều luật này để lẩn tránh trách nhiệm đối với các vụ án oan. Vụ án Nguyễn Văn Lượng ở Nam Định, Vũ Đắc Lý ở Hà Tây (nay là Hà Nội), vụ án Phùng Thị Thu ở Thái Bình và nhiều vụ án khác là những bằng chứng cho thấy việc áp dụng điều 25 tùy tiện, trái pháp luật nhằm lẩn tránh trách nhiệm của cơ quan gây ra oan sai. Nếu không xem xét lại việc làm tùy tiện nay, những người cố ý truy tố người không có tội sẽ không bao giờ bị xử lý, người dân không còn tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Bình Minh

Đọc thêm