Giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: rõ tiêu chí để hỗ trợ đúng đối tượng

(PLVN) -Áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 15%-17%; miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục... là những nội dung nhận được nhiều ý kiến tại cuộc họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN nhằm hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và siêu nhỏ diễn ra chiều 6/5 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.
Giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ: rõ tiêu chí để hỗ trợ đúng đối tượng

Áp dụng thuế TNDN 15%-17%

Theo thống kê, số DN siêu nhỏ, DN nhỏ chiếm hơn 93% tổng số DN tại Việt Nam và các DN càng có quy mô nhỏ thì càng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh khi hội nhập kinh tế quốc tế. 

Vì vậy, để khuyến khích phát triển và hỗ trợ DN, dự thảo Nghị quyết dự kiến áp dụng thuế suất 15% với trường hợp DN siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người. Áp dụng thuế suất 17% với DN nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.

Đồng thời, để tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên DN, dự thảo còn đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế.

Cơ bản nhất trí với mức thuế suất nêu trên nhưng đại diện Hội tư vấn thuế Việt Nam vẫn tỏ ra băn khoăn bởi nếu DN vừa đáp ứng tiêu chí để hưởng ưu đãi của dự thảo Nghị quyết vừa đáp ứng các điều kiện được hưởng mức thuế suất ưu đãi khác thì DN có được hưởng mức thuế suất thấp hơn không?

Ngoài ra, theo các luật liên quan thì DN nhỏ và vừa có thể được miễn giảm thuế TNDN 4 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế, còn theo dự thảo Nghị quyết là 2 năm. Vì vậy, dự thảo cũng cần nói rõ cách tính số năm mà DN được hưởng ưu đãi này.

Còn đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam cho rằng mức thuế suất theo dự thảo lả phù hợp với thực tế và nguồn ngân sách hiện nay của nước ta. Tuy nhiên, trường hợp DN chỉ đáp ứng một tiêu chí về doanh thu hoặc về lao động thì có được hưởng mức thuế suất này không thì dự thảo Nghị quyết cũng cần làm rõ.

Cần đánh giá tác động đến thu ngân sách nhà nước

Theo đánh giá sơ bộ, với việc miễn giảm thuế cho DN nhỏ, siêu nhỏ như dự thảo Nghị quyết, sẽ có khoảng 700 nghìn DN, chiếm khoảng 93% tổng số DN trong cả nước được hưởng lợi. Ước tính ngân sách nhà nước sẽ giảm thu mỗi năm khoảng 15,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng về lâu hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ mục tiêu của dự thảo Nghị quyết đồng thời cập nhật tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Về đối tượng áp dụng, còn có nhiều ý kiến khác nhau trong cách tiếp cận vấn đề nên cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến và tiếp tục làm rõ, đảm bảo đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là Luật Thuế TNDN, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Liên quan tới điều kiện để DN được miễn thuế 2 năm, Thứ trưởng lưu ý cần xác định tiêu chí để nhận diện DN mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh đồng thời cần có giải pháp để kiểm soát để tránh tình trạng hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN một cách tràn lan. Ngoài ra, Thứ trưởng yêu cầu rà soát, nghiên cứu thêm quy định về giảm thuế TNDN; đánh giá ảnh hưởng tác động của các ưu đãi đối với NSNN; nêu rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật để tránh chồng chéo với các Luật khác. 

Đọc thêm