Giảm tính phức tạp, người dân sẽ dễ tiếp cận hệ thống pháp luật

(PLO) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vừa qua, người đứng đầu ngành Tư pháp đã chia sẻ rất thật về tính phức tạp của hệ thống pháp luật nước ta hiện nay: “Hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay phức tạp nhất thế giới”. 
Giảm tính phức tạp, người dân sẽ dễ tiếp cận hệ thống pháp luật
Vì lẽ đó, Bộ Tư pháp – Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) – đang nỗ lực nghiên cứu để có thể tiếp tục thu gọn hệ thống VBQPPL, sao cho hệ thống này ngày càng đơn giản, dễ tiếp cận và chi phí tuân thủ thấp.
Chỉ còn 11 loại do 10 cơ quan ban hành
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của hệ thống VBQPPL ở nước ta là do có rất nhiều chủ thể được ban hành VBQPPL, thậm chí đến tận chủ tịch xã theo Luật Ban hành VBQPPL năm 2004, với rất nhiều loại văn bản (VB) do cùng một chủ thể ban hành. 
Năm 2008, Chính phủ đã mạnh dạn đề nghị Quốc hội cho đơn giản hóa, giảm hình thức VB và Quốc hội đã đồng tình giảm VB của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng. Tuy nhiên, các VB khác thì chưa giảm nên vẫn còn nhiều VBQPPL với các tên gọi khác nhau, rất nhiều chủ thể ban hành khác nhau khiến cho hệ thống pháp luật của chúng ta rất phức tạp, rất khó tuân thủ và chi phí tuân thủ rất lớn. 
Khắc phục tình trạng trên, Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL quy định mỗi cơ quan có thẩm quyền chỉ ban hành một hình thức VBQPPL. Theo đó, không quy định hình thức Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Lệnh của Chủ tịch nước, Nghị quyết liên tịch giữa UBTVQH hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị xã hội, Chỉ thị của UBND tỉnh. Ngoài ra, Dự thảo Luật không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước, HĐND và UBND cấp huyện, cấp xã.
Như vậy, theo Dự thảo Luật sẽ còn 11 loại VBQPPL do 10 cơ quan có thẩm quyền ban hành, bao gồm: Hiến pháp; Luật; Pháp lệnh; Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC với Viện trưởng VKSNDTC, giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; Quyết định của UBND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, việc “tinh giản” hệ thống VBQPPL trên còn có những quan điểm khác nhau. Đối với VBQPPL của Chủ tịch nước, một số ý kiến lý giải, với vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước có thẩm quyền trong việc ban hành VBQPPL. Việc giao Chủ tịch nước ban hành VBQPPL cũng không làm tăng sự cồng kềnh, phức tạp của hệ thống VBQPPL. 
Ngược lại, có quan điểm cho rằng, theo Hiến pháp, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước đã được quy định cụ thể và với những nhiệm vụ, quyền hạn như vậy, Chủ tịch nước không nhất thiết phải ban hành VBQPPL để thực hiện. Mặt khác, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy Chủ tịch nước rất ít ban hành VBQPPL. 
Tương tự, đối với VB của chính quyền địa phương, có ý kiến cho rằng cần phải quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND cấp huyện và cấp xã, vì theo Hiến pháp đây là “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương”, các cơ quan này được giao thẩm quyền quản lý thì phải có thẩm quyền ban hành VBQPPL để thực hiện thẩm quyền ấy. Cạnh đó, nhiều quan điểm đồng tình loại bớt thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND cấp huyện và cấp xã, bởi đây là những cấp thực thi VB.
Quản “chặt” VB cấp huyện, cấp xã
Báo cáo với Bộ trưởng Hà Hùng Cường tại buổi làm việc về Dự thảo Luật Ban hành VBQPPL diễn ra vào hôm qua – 18/6, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, Dự thảo Luật hiện không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND cấp huyện và cấp xã. 
Riêng đối với hình thức VB của Chủ tịch nước, ông Tuyến phản ánh thông tin tại phiên họp Ban soạn thảo lần thứ 7 tuần trước, đa số ý kiến cũng cho rằng cần bổ sung thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chủ tịch nước, vì Chủ tịch nước là chủ thể đặc biệt nên cũng có thẩm quyền riêng trong việc ban hành VBQPPL. Tiếp thu ý kiến góp ý, Vụ đã nghiên cứu để bổ sung quy định Chủ tịch nước ban hành VBQPPL dưới hình thức quyết định.
Nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên rất tán thành định hướng “phát quang” hệ thống VBQPPL nhưng theo ông, về nguyên tắc, đã giao quyền lực cho chủ thể nào thì cũng phải có phương tiện để chủ thể thực hiện quyền lực của mình. Hơn nữa, việc “phát quang” không thể đồng loạt được. Quốc hội là cơ quan lập pháp mà hạn chế chỉ có một hình thức sẽ là “cứng”, cấp thực thi thì có thể hạn chế tối đa. Ngoài ra, ông Liên nhất trí cao với dự kiến loại bỏ hai hình thức VB của Tổng Kiểm toán và Chánh án TANDTC.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lưu ý Tổ biên tập dường như “bỏ quên” đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt theo quy định của Hiến pháp năm 2013. “Nên chăng Dự thảo Luật quy định nguyên tắc rằng việc ban hành VB của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt sẽ theo luật quy định về đơn vị này” – Bộ trưởng gợi mở. Còn đối với VB của chính quyền địa phương, Bộ trưởng đưa ra phương án khác là VB của cấp huyện phải được cấp tỉnh phê duyệt, VB của cấp xã phải được cấp trên phê duyệt, theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành VBQPPL.

Đọc thêm