Giãn dân phố cổ Hà Nội là chủ trương lớn của Thành ủy và UBND TP nhằm thực hiện mục tiêu làm giảm độ dân cư khu vực phố cổ từ mật độ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha tính đến năm 2020.
Dự án sẽ góp phần cải thiện môi trường đô thị cũng như đời sống nhân dân trong khu phố cổ, thuận lợi trong thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo các di tích và các công trình kiến trúc cổ có giá trị trong khu phố cổ.
Đề án thực hiện thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ di dời khoảng 1.530 hộ dân sang khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2, đề nghị TP bố trí khoảng 30ha đất cho việc di dời 5.020 hộ dân. Khu giãn dân phố cổ trong khu đô thị Việt Hưng, Long Biên gồm 16 tòa nhà ở cao 9 tầng, 1 tòa nhà hỗn hợp cao 15 tầng, các công trình phúc lợi như nhà trẻ-mẫu giáo, trạm y tế, không gian sinh hoạt cộng đồng...
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết: “Đề án giãn dân phố cổ đã tính đến quyền lợi của người dân khi sang nơi ở mới, toàn bộ không gian tầng 1 được bố trí bán hàng, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân. Trên cơ sở quy định của Nhà nước và Hà Nội, sẽ có thêm các giải pháp bổ sung để bảo đảm quyền lợi của người dân”.
Trước những thắc mắc của các hộ dân sống lâu đời, gắn bó với phố cổ về cuộc sống sau “giãn dân”, ông Lâm Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm cho hay: “Nếu hộ gia đình được bố trí căn hộ tái định cư, nhưng nếu không muốn nhận nhà, gia đình sẽ nhận được khoản tiền hỗ trợ theo quy định hiện hành.
Về sơ bộ, giá trị được nhận tương đương khoảng trên dưới 200 triệu đồng, có công thức tính cụ thể. Các hộ dân có nhu cầu kinh doanh sẽ được xem xét và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên”. Và “với các đối tượng thuộc diện phải giải phóng mặt bằng bắt buộc, nếu không tự nguyện di chuyển, quận buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính, cưỡng bức” – ông Hùng cho biết thêm.
Ông Phạm Tuấn Long – Phó ban Thường trực Ban Quản lý phố cổ cho biết, việc di dời chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân di dời, nhất là với người già, trẻ em. Vì vậy, khi nghiên cứu lập thiết kế của khu nhà giãn dân, quận đã tính toán đến cơ sở hạ tầng xã hội hiện trạng cũng như hiện trạng tổng thể của cả khu đô thị Việt Hưng.
Hiện tại, các điều kiện về trường học các cấp ở toàn bộ khu đô thị Việt Hưng đều được thiết kế đầy đủ, đồng thời trong khu nhà giãn dân cũng có khu vực trường mẫu giáo, trạm y tế… Ngoài ra, các hộ dân khi sang đây được bố trí diện tích tầng 1 để kinh doanh và việc kinh doanh của các hộ cũng sẽ thu hút các nhân khẩu khác trong gia đình cùng tham gia cung cấp dịch vụ. Như vậy sẽ góp phần tạo ra việc làm ngay chính tại khu giãn dân mới.
Phố cổ Hà Nội |
Đây là điểm khác biệt của dự án này so với các dự án khác đã triển khai. Đặc biệt, một thói quen của người dân phố cổ là sinh hoạt cộng đồng diễn ra trên không gian công cộng. Để duy trì nếp sống này, trong mỗi khối nhà tại khu giãn dân đều được bố trí sân trong, tạo không gian xanh, không gian sinh hoạt văn hóa…
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về dự án này nhưng “việc triển khai thực hiện giãn dân phố cổ là việc lớn và khó, mang ý nghĩa chính trị, xã hội cao. Vì vậy, thời gian qua, bên cạnh việc triển khai lập dự án xây dựng khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, quận Hoàn Kiếm cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội cung cấp thông tin, qua đó định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn quận trong việc triển khai thực hiện Đề án giãn dân phố cổ” – ông Tuấn nhấn mạnh./.