Theo công bố đề án giãn dân phố cổ của UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), giai đoạn 1 đến năm 2016 sẽ di dời hơn 1.500 hộ dân đang sinh sống ở đây tới khu đô thị mới Việt Hưng. Không bàn về chủ trương triển khai đề án, loạt bài này chỉ ghi lại tâm trạng của chính những “di dân”, nỗi lo cơm áo, gạo tiền, lo mất nguồn mưu sinh và lo mất “hồn” phố cổ.
Chuyển dân phố cổ lên cao ốc
Khu phố cổ Hà Nội thuộc quận Hoàn Kiếm, tổng diện tích hơn 80ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ.
Giãn dân phố cổ là một chủ trương lớn của TP.Hà Nội nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha là mật độ khống chế theo qui hoạch đến năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân.
Ngày 1/8/2013, UBND TP.Hà Nội đã có Quyết định số 4569/QĐ-UBND cho phép UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên. Đề án giãn dân phố cổ thực hiện theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2013-2016), được thực hiện trên khu đất có diện tích 11,12ha tại khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên để bố trí cho khoảng 1.530 hộ dân di dời. Giai đoạn 2 (2014-2020) đang đề nghị thành phố bố trí quỹ đất.
Những tác giả của đề án khá lạc quan về mục tiêu giảm tỉ lệ dân cư trong khu phố cổ và bảo vệ được các di tích lịch sử trong khu vực này. Tuy nhiên, về phía những người dân thuộc diện phải di dời thì những giải pháp của dự án vẫn chưa giải quyết được hết mọi vấn đề ưu tư.
Nhà mặt phố sinh lợi từng ngày
Đặc thù khu phố cổ ở vị trí trung tâm Hà Nội với những nét văn hóa lịch sử đặc sắc đã thu hút đông đảo khách du lịch, và cũng là nơi mua bán sầm uất của người Kẻ Chợ ở 36 phố phường. Chỉ cần chỗ ngồi vừa một chiếc ghế con ở vỉa hè đã có thể kiếm tiền “ăn đứt” nơi khác. Có vài mét vuông nhà mặt phố đã có thể kinh doanh lớn hoặc cho thuê, dễ dàng có một cuộc sống sung túc.
Phố cổ không chỉ là nơi sinh sống mà còn là nơi kiếm tiền của người Kẻ Chợ. |
Mưu sinh là lý do chính khiến nhiều người không muốn rời khỏi phố cổ Hà Nội cho dù điều kiện sống chật chội. Gia đình chị Lan Hương có mặt bằng vỏn vẹn hơn 4m2 tại Cầu Gỗ, cho thuê làm nơi bán hàng quần áo và khăn, tiền thuê 12 triệu đồng/tháng là thu nhập chính của gia đình. Bản thân chị vẫn bày một tủ thuốc lá đẩy bán cho khách du lịch kiếm thêm tiền. Chị cho rằng: “Người dân phố cổ ai cũng muốn có nhà ở tốt hơn, nhưng ở phố cổ kiếm sống dễ dàng, sang nơi mới chưa biết lấy gì sinh sống nên nhiều người còn băn khoăn”.
Theo chủ trương của dự án, những nhà nào diện tích bình quân không đủ 5m2/người đều nằm trong diện di dời. Anh Quân (ở phố Hàng Chiếu), gia đình 3 đời nay kinh doanh bán buôn các mặt hàng tạp hóa cho biết: có lẽ phần lớn các nhà dân khu phố cổ không đạt tiêu chuẩn trên. Đang kinh doanh buôn bán dưới mặt đất, nếu phải chuyển lên ở nhà cao tầng, mất địa điểm kinh doanh cũng như mất khách hàng, đồng nghĩa với việc mất nguồn mưu sinh.
Bước chân ra ngõ là kiếm được tiền
Người nào không có nhà mặt tiền cũng có thể kiếm sống bằng quán nước chè, tủ bán bánh, khay đồ lưu niệm, gánh hàng ăn, chỉ cần bước chân ra đường là có thể làm đủ tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày. Ngoài buôn bán, phố cổ Hà Nội có cả hệ thống dịch vụ đa dạng phục vụ du khách và người dân.
Anh Hùng (ở số 10 phố Hàng Chĩnh) đã cắt tóc ở đây được chục năm, cửa hàng chỉ khoảng 6m2 nhưng đủ nuôi cả gia đình. Anh cho biết nhiều gia đình cũng muốn chuyển sang khu Việt Hưng nhưng còn băn khoăn vì chưa biết kiếm sống ra sao, điều kiện hạ tầng thế nào. Bản thân anh không muốn chuyển sang nơi ở mới, dù thuận lợi cho sinh hoạt gia đình nhưng sẽ bế tắc về phương kế làm ăn.
Anh Cao Đức Nghĩa (ở số 38 phố Hàng Vải) chuyên bán đồ tre nứa mỹ nghệ cùng chung tâm sự: “Những người dân hiện đang sinh sống ở đây đều bức xúc, không biết khi di dời thì lấy tiền đâu ra mà sinh sống”? Gia đình anh ba thế hệ, hơn hai chục người hiện giờ trông chờ vào cửa hàng bán đồ tre nứa, nếu phải chuyển đi cũng chưa biết phải làm nghề gì. Cửa hàng kinh doanh từ thời các cụ để lại, theo anh công việc buôn bán ở đây giống như đi câu, ngày được, ngày không, nhưng với lượng khách quen cũng đủ sống.
Bên cạnh đó còn rất nhiều gia đình sống trong những ngõ hẻm ngày ngày phải lăn lộn đủ nghề như bán thuốc lá, bán nước chè,… để sinh sống. Bà bán nước chè kiêm bán bún ốc rong tại một ngõ nhỏ trên phố hàng Buồm kể: “Nhà ở trong ngõ, tầm 5h tôi ra bán bún ốc đậu, gánh bún rong này nuôi cả gia đình. Nếu phải chuyển đi, cả nhà cũng chẳng biết làm gì ra tiền.
Các gia đình sống ở mặt phố thì kinh doanh ngay tại nhà, hoặc tận dụng vỉa hè để buôn bán kiếm lời, các gia đình trong ngõ đều tìm kế sinh nhai từ nhiều nghề khác nhau. Phố cổ không chỉ là nơi sinh sống mà còn là địa bàn sinh lợi, là công ăn việc làm của người dân nơi đây.
Vì vậy, dù khổ cực, dù luôn phải nơm nớp lo cảnh mưa gió ngập lụt, sợ tường sập, xà gãy, nước dột khắp nơi nhưng họ vẫn muốn bám trụ phố cổ bởi lượng khách du lịch nhiều, nhu cầu mua bán trao đổi lớn đã mang lại cho họ lợi nhuận để sinh sống và nuôi gia đình. Rời phố cổ lên ở cao ốc thì tiện nghi hơn, nhưng biết làm gì mưu sinh?
(Còn tiếp)