Từ chia con…
Trên tầng 2 TAND tỉnh Thừa Thiên - Huế, người phụ nữ SN 1971 đứng trầm ngâm nơi hành lang, gương mặt tĩnh lặng không thấy rõ cảm xúc. Cuộc hôn nhân kéo dài gần 20 năm của bà đã kết thúc bằng một phiên tòa ly hôn cuối năm ngoái.
Cứ tưởng vậy là xong, đôi bên ai đi đường nấy, nào ngờ lại dùng dằng kéo tới tận bây giờ, vì chồng bà không đồng ý chia tài sản 5-5 theo quyết định của tòa. Vậy là sáng ấy, bà phải vượt hơn 100 cây số đường đèo, từ vùng cao A Lưới về Huế để tham dự phiên tòa.
Đứng phía bên kia hành lang, người đàn ông SN 1970 cũng lặng lẽ không kém. Dáng người ông rắn rỏi, nước da bóng màu đồng của người chuyên dầm mưa dãi nắng. Đôi vai vững chãi, hai bàn tay thô ráp chai sần của người luôn làm việc nặng nhọc.
Sống với nhau ngần ấy năm, giờ ra tòa, chỉ đứng cách nhau một khoảng, nhưng chẳng ai nhìn ai.
Năm 25 tuổi, bà kết hôn cùng người chồng hơn mình 4 tuổi. Vợ chồng nhanh chóng ra riêng, bảo ban nhau làm ăn, gầy dựng cuộc sống mới. Chỉ sau hai năm chung sống, đôi bên đã liên tục xảy ra mâu thuẫn. Những mâu thuẫn ấy ngày qua ngày càng trầm trọng, khiến tổ ấm chẳng còn là nơi hạnh phúc. Theo lời bà, ông là người thiếu trách nhiệm với gia đình, không biết tôn trọng, yêu thương vợ con.
Tổ ấm từ lâu đã biến thành “tổ lạnh”, nhưng vẫn được ông bà kéo dài cho đến năm 2013 thì xảy ra biến cố, khiến hai người phải rơi vào cảnh “nhà ai nấy ở”. Năm đó, ông vét hết tiền của trong nhà, đến cả xe máy, ô tô ông cũng “ẵm” hết, rồi “cuốn gói” đi làm ăn xa mà không một lời bàn bạc với vợ. Một năm sau ông quay về, bắt bà phải trở về nhà mẹ đẻ. Bà dắt con ra ngoài thuê trọ, từ đó vợ chồng sống ly thân. Thấy vợ chồng đã hết tình cảm, không còn quan tâm nhau, nên giữa năm 2016, bà gửi đơn yêu cầu được ly hôn.
Ông thì một mực bảo, vợ chồng chẳng có mâu thuẫn gì lớn lao. Chén úp trên chạn còn xô, huống chi vợ chồng sống với nhau từ năm nay qua năm khác. Năm đó, ông quyết định sang Lào làm ăn. Ông có bàn bạc với vợ hẳn hoi. Bà không đồng ý để ông đi xa, nhưng ông vẫn giữ nguyên ý kiến. Không ngờ lần ra đi đó, lại là mấu chốt dẫn đến gia đình tan đàn xẻ nghé.
Trong quá trình xử lý vụ án, cả ông và bà đều muốn được nuôi dưỡng hai con chung. Bà muốn nuôi cả hai đứa, yêu cầu ông phải trợ cấp hàng tháng cho đến lúc hai con tròn 18 tuổi. Ông cũng muốn giành quyền nuôi hai đứa con, nhưng không yêu cầu bà phải trợ cấp phí nuôi dưỡng. Cuộc chiến giành quyền nuôi con diễn ra quyết liệt, nhiều phiên hòa giải kéo dài, cuối cùng mới đạt được thỏa thuận, cả hai đứa con đều giao cho bà nuôi dưỡng. Mỗi tháng ông có trách nhiệm trợ cấp mỗi cháu 2 triệu đồng.
Bà vui mừng vì cuối cùng cả hai đứa con đều không rời khỏi vòng tay bà. Nhưng nụ cười nhanh chóng tắt, bởi trong phiên tòa sơ thẩm, đứa con trai chẳng hiểu sao lại đứng dậy bảo, muốn ở với bố. Tại tòa, đứa con trai 16 tuổi của bà trình bày, dù bố mẹ đã thỏa thuận giao cháu cho mẹ nuôi dưỡng, nhưng cháu không đồng ý. Cháu muốn được ở cùng bố. Bà nghe từng lời con nói, rồi ngước mắt nhìn con mà điếng cả lòng.
Tòa sơ thẩm quyết định cho phép ông bà được ly hôn. Hai đứa con chung, mỗi người nuôi dưỡng một đứa. Hai bên được quyền qua lại thăm con, không ai được ngăn cản. Về khối tài sản chung 2,8 tỷ (bao gồm nhiều hecta đất rừng, cây keo tràm và cây trầm gió), ông là người trực tiếp lao động sản xuất nông lâm nghiệp; bà là giáo viên, có thu nhập thường xuyên, ổn định nên xét công sức đóng góp là ngang nhau vào việc duy trì tạo lập và phát triển khối tài sản chung. Tòa thống nhất với yều cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng ý chia đôi tài sản, mỗi người giữ phần tài sản có giá trị tương đương 1,4 tỷ đồng.
… đến chia tiền
Ông phản bác, bảo tòa không công bằng. Khối tài sản đó, phần lớn là do một tay ông gầy dựng nên. Vợ chồng có cả thảy 5 mảnh đất trồng rừng, thêm một thửa đất làm nhà ở. Theo ông, trong 5 thửa đất đang canh tác, thì có đến 2 thửa ông khai hoang từ năm 1998, mái một năm sau ông bà mới kết hôn. Do đó, hai thửa đất rừng này là tài sản của riêng ông. Ngôi nhà và đất có diện tích 3.000 m2 đang ở, cũng là do ông tạo lập trước khi kết hôn, nên ông không đồng ý đưa vào tài sản chung để chia.
Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy, năm 1999, bà đứng ra viết đơn xin đất làm nhà, ông ký tên rồi gửi chính quyền địa phương. Theo xác nhận của xã, năm đó vợ chồng ông viết đơn xin đất làm nhà, cả hai đã kết hôn, tại thời điểm đó, trên đất chưa có nhà ở như lời ông khẳng định. Vì vậy, tòa sơ thẩm bác bỏ yêu cầu của ông tách nhà đất này ra khỏi tài sản chung.
Hai mảnh đất rừng có diện tích hàng chục hecta, đều do hai ông bà cùng đứng tên. Ông cho rằng đó là tài sản của mình, nhưng “cho bà đứng tên cùng”. Tòa phân định, theo luật, đó là tài sản chung.
Sau phiên sơ thẩm, ông kháng cáo về phần tài sản, yêu cầu tòa xem xét công sức đóng góp của ông trong quá trình tạo lập tài sản. Tại tòa phúc thẩm, ông yêu cầu tòa chia cho mình 80% giá trị tài sản, vợ ông chỉ được hưởng 20%. Người vợ giãy nảy, bảo nhất định phải chia đôi.
Bị đơn lập luận: “Bà ấy là giáo viên. Cả ngày chỉ biết đến trường dạy học, rồi trở về loanh quanh trong nhà. Việc trồng cây, trồng rừng rất nặng nhọc, chỉ có tôi đủ sức làm. Tôi mở đường, băng rừng, lội suối, phát cây, phát rừng thuê người cùng làm, gian khổ biết bao nhiêu mới tạo dựng được cơ ngơi đó”.
Bà phản bác, bảo mình đi dạy, dù không kiếm được nhiều tiền nhưng lo lắng trong nhà, chăm sóc con cái để chồng đi làm rừng, làm rẫy. Bà còn thế chấp sổ lương, vay tiền về để vợ chồng có vốn làm ăn. Khi trồng rừng, bà là người bỏ tiền ra, ông là người bỏ công sức, thuê người trồng rừng. Do đó, xét về công sức đóng góp phải ngang nhau. Cuộc tranh chấp tài sản của đôi vợ chồng cứ thế giằng co.
Tòa phúc thẩm nhận định, nhà đất và hai thửa đất rừng là do ông tạo lập trước hôn nhân. Bà cũng xác nhận được tạo lập trước hôn nhân, và được ông đồng ý nhập vào tài sản chung. Tòa sơ thẩm chia đôi tài sản khi chưa xét công sức đóng góp của đôi bên là chưa thỏa đáng.
Xét công sức đóng góp, tòa phúc thẩm quyết định sửa cho ông được hưởng 70% giá trị tài sản, bà được hưởng 30 % tài sản. Tổng tài sản ông nhận được hơn 1,8 tỷ, bà nhận được khoảng 1 tỷ. Bà thở dài: “Có lý gì vợ chồng cùng nhau vun vén cho gia đình, ra tòa lại xét công sức để chia tài sản. Làm vợ thiệt thòi quá”.