Giảng đường giữa biển khơi

(PLO) - Những ngày tháng 5, tàu buồm 286 Lê Qúy Đôn lần đầu tiên lên đường thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển đường dài kết hợp đối ngoại quân sự. Căng buồm theo gió, rẽ sóng ra khơi, tàu buồm 286 đã trở thành giảng đường giữa biển khơi, nơi muôn trùng sóng gió và thử thách, đòi hỏi các học viên phải vượt qua.
Các học viên huấn luyện trên tàu.

Vượt sóng, hăng say học tập, rèn luyện

Thẳng hướng về phía mặt trời mọc, con tàu từ từ rời cảng sau ba hồi còi rền vang. Những cánh tay vẫy chào trên quân cảng Nha Trang nhỏ dần, nhỏ dần cũng là lúc những con sóng bạc đầu bắt đầu chồm lên mạn tàu, kéo tàu chồi lên, hụp xuống theo từng đợt rung, lắc. Bài học đầu tiên của chuyến đi là bài học chịu đựng sóng gió.

Thượng tá Hồ Thanh Hoà - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Hải quân cho biết: “Trong quá trình đào tạo Học viện luôn chú trọng huấn luyện thể lực, rèn luyện thể chất cho học viên như: Võ, bơi 3.000 mét, cầu sóng, đu quay… nhưng say sóng cũng là chuyện bình thường. Những chuyến đi biển đường dài giúp học viên rèn luyện, tăng cường khả năng chịu đựng sóng gió và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện thời tiết phức tạp”.

Đổi mới phương pháp đào tạo theo chuẩn đầu ra là mô hình rất hiệu quả và đang được áp dụng rộng rãi tại Học viện Hải quân. Huấn luyện thực tế trên biển, huấn luyện trong điều kiện phức tạp, khó khăn sẽ giúp học viên nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Thuỷ thủ đoàn cùng các học viên năm cuối khóa 57 đào tạo sĩ quan Hải quân Học viện Hải quân đã thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển kết hợp thăm, giao lưu với Hải quân 2 nước Philippines và Brunei.

Tham gia thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển và đối ngoại quân sự lần này, các khoa chuyên ngành đã lựa chọn các học viên có học lực khá trở lên, rèn luyện nghiêm và đặc biệt có trình độ ngoại ngữ tốt. Bên cạnh các nội dung huấn luyện ban ngày thì nội dung huấn luyện đêm cũng được các thầy và trò Học viện Hải quân chú trọng để huấn luyện cho học viên thực hiện các bài toán thiên văn như: Nhận dạng bầu trời sao, đo độ cao thiên thể, xác định vị trí tàu bằng 2, 3 sao… Cùng với các giảng viên, thuỷ thủ tàu, cán bộ chức năng thuộc Quân chủng Hải quân như: Phòng Bảo đảm Hàng hải, Phòng Thông tin, Phòng Nhà trường… cũng trực tiếp tham gia huấn luyện cho học viên.

Ngoài các nội dung xác định vị trí tàu bằng mặt trời di tuyến; các bước thực hiện cứu người rơi xuống nước; trách nhiệm, chức năng của người trưởng ngành khi đi ca trong thời tiết xấu, sương mù, đi trong bờ hay đi trong luồng thuỷ hẹp… các học viên được tìm hiểu về tính năng kỹ chiến thuật, cách bố trí trang bị, máy móc hàng hải trên tàu. 

Tàu buồm 286 Lê Quý Đôn được trang bị rất nhiều máy móc hiện đại. Thượng sĩ Phạm Hoàng Hải - Lớp Kh 31C, Tiểu đoàn 1, Học viện Hải quân cho biết: “Trên tàu có một số trang thiết bị mới, học viên chưa được tiếp cận nên trước khi lên tàu, chúng tôi đã tích cực chủ động học tập, nghiên cứu, nắm bắt tính năng kỹ chiến thuật, cách khai thác sử dụng vũ khí trang bị, chuẩn bị tốt cho thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển”.

Thượng sĩ Ngô Sĩ Mạnh Linh - học viên Khoa Hàng hải, Tiểu đoàn 1 chia sẻ: “Để thực hiện được các bài toán vận động chiến thuật chúng tôi phải vận dụng nhiều kỹ năng của bản thân, nhiều kiến thức căn bản: toán, vật lý đến những kiến thức chuyên ngành như: hàng hải địa văn, hàng hải bảo đảm chiến đấu… Ngoài ra người chỉ huy phải có kinh nghiệm, phải có khả năng tổng hợp, phán đoán và xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra. Chúng tôi cần phải học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa nhất là rèn luyện thực tế trong những cuộc hành trình như thế này”.

Vượt qua say sóng, các học viên chuyên ngành Hàng hải nhanh chóng được chia thành các tổ, trực tiếp đi ca, thực hiện các nội dung lái tàu, quan sát, tác nghiệp xác định vị trí tàu, ghi nhật ký hàng hải. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của giảng viên và các thuỷ thủ trên tàu, các học viên nhanh chóng nắm bắt được tính năng kỹ, chiến thuật, cách khai thác sử dụng các trang thiết bị máy móc hàng hải trên tàu. Trên tuyến hành quân từ Nha Trang đi Manila của Philippines, hệ thống máy lọc nước ngọt trên tàu buồm 286 bị trục trặc. Qua nghiên cứu, cán bộ, nhân viên tàu và các học viên chuyên ngành Cơ điện đã nhanh chóng khắc phục sự cố bảo đảm nước ngọt sinh hoạt cho toàn đoàn công tác. 

Trong những ngày thuận gió, những cánh buồm được kéo căng đẩy tàu lướt êm trên mặt sóng. Thu, thả buồm là công việc khá nặng nhọc đòi hỏi sức mạnh của tập thể trong từng thao tác kéo buồm. Vất vả, mệt nhọc nhưng thu thả buồm trên tàu cũng là một trải nghiệm giúp cho học viên rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đại uý Phan Thành Huy - ngành trưởng ngành Cơ điện tàu buồm 286 cho biết: “Trên tàu có trang bị nhiều máy móc hiện đại. Việc huấn luyện khai thác sử dụng cho học viên trực tiếp trong các ca làm việc hoặc cho học viên cùng khắc phục các sự cố của trang bị kỹ thuật là rất cần thiết. Cho học viên thực hành không những  giúp cho các đồng chí hiểu sâu các ban bệnh mà còn củng cố được kiến thức lý thuyết đã được học”.

Hành trình vì hoà bình, hợp tác và phát triển

Trong chuyến công tác lần này, Đại tá Phan Văn Vân - Phó Giám đốc Học viện Hải quân cùng đoàn công tác đã đến chào xã giao Tư lệnh Hải quân hai nước Philippines và Brunei. Vui mừng chào đón tàu buồm 286 Lê Quý Đôn, Phó Đô đốc Ronald Joseph S.Mercado - Tư lệnh Hải quân Philippines khẳng định, chuyến thăm này đã thêm một chỉ dấu nữa cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Hải quân Việt Nam và Philippines, giúp các học viên sĩ quan trẻ của hai nước giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

Vượt hơn 2000 hải lý, tàu buồm 286 - Lê Quý Đôn và đoàn công tác đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đối ngoại quân sự. Các học viên nói riêng, đoàn công tác nói chung đã tích cực giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cùng Hải quân hai nước Philippines và Brunei, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa lực lượng Hải quân cũng như quân đội các nước trong khu vực. Những trải nghiệm trên tàu buồm 286 hôm nay sẽ là những bài học bài học cho mỗi cán bộ, sĩ quan trong tương lai, giúp họ vững vàng trước công việc, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hành trình chuyến công tác đã khép lại, những tình cảm tốt đẹp hôm nay đang mở ra và sẽ mãi là kỷ niệm đẹp theo họ trong suốt quá trình công tác. Ngày mai đây các học viên sẽ trưởng thành, phát triển thành sĩ quan, đảm nhiệm những nhiệm vụ tại các đơn vị. Chính những tình cảm tốt đẹp đó sẽ giúp họ trở thành các hạt nhân tích cực, góp phần tăng cường tình cảm chân thành, củng cố tình hữu nghị giữa lực lượng Hải quân cũng như quân đội các nước trong khu vực vì hoà bình, hợp tác và phát triển.

Đọc thêm