Thắp lên ngọn lửa yêu nước trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm qua, nhiều tác giả đã đem hình ảnh, vẻ đẹp của biển đảo đến với các em thiếu nhi thông qua những tác phẩm sách hay, chất lượng, cung cấp sự hiểu biết về những vùng đất “đặc biệt” của Tổ quốc.
Bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình” được các em thiếu nhi yêu thích.
Bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình” được các em thiếu nhi yêu thích.

Trải nghiệm nơi đầu sóng

Mới đây, các bạn đọc nhỏ tuổi tại TP HCM đã được đón nhận bộ sách tranh “Trường Sa! Biển ấy là của mình” do tác giả Bùi Tiểu Quyên chắp bút, nét vẽ của họa sĩ Thanh Phan và Lionbooks phát hành, với phiên bản song ngữ Việt - Anh. Bộ sách bao gồm hai tập: “Phong ba nơi đầu sóng” và “Biển ấy là của mình”.

Thông qua câu chuyện về chú cún nhỏ được đặt tên là Phong Ba - loài cây đặc trưng của Trường Sa, quyển sách tranh mô tả cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng đầy lạc quan tại huyện đảo Trường Sa, về thiên nhiên, con người đến lịch sử của cả quần đảo.

“Trường Sa! Biển ấy là của mình” là câu chuyện đầy kiêu hãnh và tự hào về vẻ đẹp biển đảo Việt Nam, về sức sống mãnh liệt của quân và dân nơi đầu sóng, mang đến những giá trị giáo dục đầy ý nghĩa: tôn vinh chủ quyền dân tộc, cùng các bạn nhỏ thêm yêu đất nước Việt Nam mình.

Bộ sách thu hút các bạn nhỏ qua những câu chuyện hấp dẫn, những hình vẽ đầy sinh động, miêu tả vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam.

Tác giả Bùi Tiểu Quyên là cây viết nhiều năm kinh nghiệm, có nhiều tác phẩm xuất sắc dành cho cả người lớn và thiếu nhi. Đến thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam vào tháng 4/2019 trong chuyến công tác cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM, trên con tàu KN290 của Cục Kiểm ngư Việt Nam, Tiểu Quyên đã ấp ủ mong muốn thực hiện những bộ sách hay về biển đảo, không chỉ cho người lớn mà cho các em nhỏ.

Tiểu Quyên chia sẻ: “Đến thời điểm này, có rất ít những bộ sách tranh về biển đảo dành cho các bé dưới 10 tuổi. Tôi mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Tôi nghĩ, những trải nghiệm ở nơi đầu sóng cũng như tình yêu dành cho biển đảo của Tổ quốc mình đã được gửi gắm qua các tác phẩm này. Mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ”.

Thú vị các loại sách về biển đảo

Năm 2021, Bùi Tiểu Quyên từng xuất bản tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa”, cũng là sách dành cho thiếu nhi, thiếu niên. Đây là quyển truyện chữ về hành trình của Cà Nóng - một chiếc máy ảnh được cùng cô chủ bắt đầu một hành trình dài ngày đến với quần đảo Trường Sa, với nhiều bạn bè đồng nghiệp, những bác Tê Lê, thằng So, cô Meica, thằng Ni...

Trong câu chuyện còn có đoạn cho Cà Nóng "xuyên không" trở về với hải đội Hoàng Sa, lọt vào tay những người binh phu thời nhà Nguyễn đang đi làm nhiệm vụ cắm cọc chủ quyền, thu nhặt sản vật ở Vạn Lý Trường Sa và vừa trải qua một cuộc giao đấu với “hải tặc”...

Thông qua từng tình tiết trong chuyến phiêu lưu ấy, tác giả đã khéo léo lồng ghép vào lịch sử giữ đảo, về tình yêu mến biển đảo và ý thức chủ quyền đối với Tổ quốc. “Cà Nóng chu du Trường Sa” đã được vinh danh ở Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 5 - năm 2022.

Từ nhiều năm nay, có không ít tác phẩm thiếu nhi về đề tải biển đảo đã trở thành “sách gối đầu giường” của các em nhỏ. Có thể kể đến sách “Cùng em tìm hiểu Hoàng Sa - Trường Sa” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2014, “Cẩm nang biển đảo dành cho thiếu nhi” do NXB Trẻ phát hành năm 2016, Bộ sách “Biển đảo quê hương em” gồm 3 tập do NXB Hội Nhà văn phát hành năm 2017, tác phẩm “Hòn đảo phía chân trời” của Trần Nhuận Minh xuất bản năm 2021... Còn có tác phẩm “Cá chuồn vượt biển” của nhà văn Lê Toán, kể về những nghĩa sĩ bị lưu đày trong phong trào Cần Vương tại một hòn đảo xa xôi ở châu Đại Dương, tìm cách gửi bức thư về cố hương và thông qua loài cá chuồn để thực hiện mong ước.

Thông qua các trang sách chuyển tải những câu chuyện hấp dẫn, những bức ảnh sinh động, những người làm sách đã kích hoạt thế giới tưởng tượng trong tâm hồn trẻ thơ, giúp các em tìm hiểu về lịch sử, địa lý, các loài sinh vật biển, cuộc sống ở biển đảo và công cuộc bảo vệ biển của quân và dân ta.

Các trang sách ấy đã thắp lên trong lòng các em nhỏ ngọn lửa ấm áp về tình yêu biển đảo, tình yêu quê hương, đất nước. Đây cũng là đề tài hay và ý nghĩa mà có lẽ những người cầm bút lẫn các nhà làm sách cần chú trọng phát triển trong thời gian tới.