Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc ít người

Tại Hà Nội, Tổ chức Aide et Action Việt Nam (AEA) và Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc phối hợp với Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) mới tổ chức tọa đàm với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp gắn với việc làm và hướng nghiệp cho thanh niên dân tộc ít người".
Toàn cảnh tọa đàm.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng tiếp cận các cơ hội sinh kế cho thanh niên dân tộc ít người thông qua thúc đẩy sáng kiến phát triển nghề nghiệp và khởi nghiệp” do Liên minh châu Âu tài trợ.


Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trao đổi tại Tọa đàm.

Tham dự buổi tọa đàm có sự tham gia của ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; các đại diện đến từ Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp, các sở ban ngành liên quan cùng một số đại diện thanh niên khởi nghiệp từ hai tỉnh Lào Cai và Hòa Bình.

Buổi tọa đàm mang đến cái nhìn tổng quan về các chính sách về giáo dục hướng nghiệp, đào tạo nghề, khởi nghiệp và các thành tựu cũng như hạn chế trong quá trình triển khai những chính sách này.

Đại diện AEA Việt Nam và đối tác triển khai Dự án - Trung tâm Hợp tác Phát triển Tây Bắc - cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm và mô hình từ Dự án, dưới góc độ đóng góp của các mô hình này vào việc giải quyết vấn đề về khoảng trống chính sách và đề xuất cho việc duy trì, nhân rộng các mô hình, thực tiễn tốt mà Dự án đã thực hiện.

Theo các ý kiến, đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc ít người cần được phát triển theo hai hướng nâng cao chất lượng (kỹ năng nghề thành thạo) và mở rộng quy mô (từng bước phổ cập nghề). Quá trình đào tạo nghề chỉ đạt hiệu quả khi thực hiện theo hành trình bao gồm các giai đoạn trước đào tạo nghề (tư vấn, hướng nghiệp, tiếp cận với kỹ năng mềm cốt lõi), trong quá trình đào tạo (đầu vào dạy và học kết hợp chú trọng đầu ra thực hành và kỹ năng), và sau đào tạo nghề (tư vấn, tạo cơ hội việc làm, hỗ trợ khởi nghiệp, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng).

Bà Nguyễn Thị Tú – Trưởng Đại diện AEA Việt Nam cho biết, cùng với đối tác tại địa phương, AEA mong muốn sẽ tiếp tục hỗ trợ các bạn thanh niên dân tộc ít người nâng cao kỹ năng, tiếp cận được các nguồn lực đầu tư cũng như mở rộng các cơ hội phát triển nghề nghiệp, kết nối và khởi nghiệp. Buổi tọa đàm ngày hôm nay là cơ hội để Dự án cũng như các đối tác cùng tổng hợp lại, đánh giá các nguồn lực hỗ trợ đa dạng từ chính sách cho thanh niên dân tộc ít người, từ đó đưa ra các khuyến nghị để thanh niên dân tộc ít người có thể phát huy tối đa tiềm năng của mình, góp phần phát triển nền kinh tế địa phương.

Đọc thêm