Giao thông đô thị - tắc tị ý tưởng

(PLO) - Tuần qua, TP. Hồ Chí Minh đã làm một việc chưa từng có tiền lệ: Bổ nhiệm một người ngoài Đảng, không là công chức vào một cương vị quan trọng là Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Người đảm nhận cương vị tương đương như giám đốc sở này, tiến sỹ Lê Nguyễn Việt Quang nói một cách hình ảnh là ông không thể đứng dưới sân ga chê trách nữa mà lên tàu đồng hành giao thông đô thị tới tương lai.

Cũng trong tuần qua, tại Hà Nội, trong lĩnh vực giao thông đô thị, dư luận không khỏi bức xúc trước dự án xe buýt nhanh đầu tư hàng nghìn tỷ trước nguy cơ không đưa vào sử dụng được. Giám đốc của dự án này, nay đã chuyển sang cương vị Phó Tổng Giám đốc Công ty Một thành viên Đường sắt Hà Nội, nơi chuẩn bị tiếp quản toàn bộ đường sắt đô thị của thành phố được báo giới săn tìm để hỏi nguyên nhân một dự án lớn đến như `thế mà không hiệu quả hay sao? Ông này cáu, hết lời phỉ báng phóng viên “biết đ. gì”, “không phải chuyên môn của chúng mày”, “mày là cơ quan thẩm định à”,... thật là một sự ứng xử bộc lộ văn hóa “giao thông đô thị”, “đường sắt trên cao” của một kẻ lộng ngôn mắng báo chí “lộng ngôn”! 

Ông đồng chí này chắc chắn là Đảng viên, công chức nhà nước, “tinh hoa” trong giới quản lý giao thông đô thị của Thủ đô ngàn năm văn hiến, đem đặt cạnh với đồng nghiệp của ông, vị Tiến sỹ ngoài Đảng tại TP. Hồ Chí Minh để so sánh trong phép ứng xử thì hiển hiện một hình ảnh một người hăm hở bước lên tàu và một kẻ chỉ muốn đạp người ta rơi ra khỏi tàu. Minh bạch và khuất tất, ánh sáng và tăm tối, thông thoáng và ùn tắc đang gặp nhau tại giao lộ của giao thông đô thị và có thể hỗn loạn do chính những người quản lý lĩnh vực này gây ra.

Ở một diễn biến khác tại Thủ đô cũng được dư luận rất quan tâm là “lộ trình cấm xe máy” đã được đề xuất với quyết tâm rất cao. Cái sáng kiến này đã nhiều lần “dền dứ” nhưng chưa thực hiện được bởi vấp phải sự phản đối của dư luận xã hội. Giờ đây, nó lại tiếp tục với những luận cứ “khó cãi” khi chỉ đích danh thủ phạm gây ùn tắc là xe máy, thói quen lạm dụng xe máy như một nét văn hóa lạc hậu cần loại khỏi đời sống cộng đồng,... Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp bế tắc của bế tắc toàn cảnh bức tranh giao thông đô thị mà thôi, nó không phải ý tưởng dẫn đến sự thông thoáng mà nó phản ảnh một tư duy tắc tị, hệt như cảnh tượng thường xảy ra ở đường phố vào giờ cao điểm sau một trận mưa. 

Giải bài toán ách tắc giao thông phải là sự thông thoáng ở cái đầu của các nhà quản lý chứ không loay hoay xoay trở con tàu trên một đường ray chật hẹp và lạc hậu. Hết cách thì làm như một Tiến sỹ giao thông (ở nước ngoài hẳn hoi) từng mách nước: Đừng làm thêm, mở rộng đường làm gì, dân không đi được nữa thì tự họ sẽ từ bỏ các phương tiện giao thông cá nhân. Lúc ấy, đường sẽ vô cùng thông thoáng và trên đó thảnh thơi xe hơi của quan chức và nhà giàu đi lại!

Đọc thêm