Thay vì về nhà, taxi nên đưa người say đến trụ sở công an?

(PLO) - Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Cty TNHH Uber Việt Nam phối hợp triển khai thí điểm ở TP.Hà Nội và TP.HCM dịch vụ “đưa người say về nhà bằng taxi”...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia cho rằng như vậy là khuyến khích "dân nhậu" "nhậu tới bến” dẫn tới nhiều hành vi khó kiểm soát, nhưng cũng có ý kiến đồng tình vì đảm bảo an toàn cho người say và những người tham gia giao thông khác.
Hạn chế người say lái xe
Theo thông tin từ Chiến dịch “Đã uống rượu bia – không lái xe”, mỗi nhà hàng “tham gia chiến dịch” sẽ được cấp 2 – 3 tài khoản với tổng hạn mức 5 triệu đồng/tháng để đưa khách say về nhà miễn phí; đồng thời khách hàng cũng được miễn phí chuyến đi đầu tiên trị giá 200.000 đồng tại các quán tham gia chương trình.
Để thực hiện Chiến dịch, tại Hà Nội và TP.HCM sẽ lắp đặt thiết bị cho phép đo nồng độ cồn trong máu (UberSafe) tại các điểm đông dân cư qua lại, các “trung tâm” tiêu thụ rượu bia nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng đồ uống có cồn. Nếu nồng độ cồn của người kiểm tra vượt quá mức quy định, thiết bị sẽ tự động yêu cầu một xe miễn phí đến đưa về nhà an toàn.
Đồng tình với Chiến dịch, nhiều ý kiến đánh giá việc tổ chức mô hình kinh doanh bia rượu kết hợp dịch vụ “đưa người say về nhà bằng taxi” là  nhân văn nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của khách hàng, bảo đảm an toàn giao thông cho cộng đồng và không khuyến khích người say tham gia giao thông. 
Hay khuyến khích nhậu “say tới bến”?
Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại sự “nhân văn” này vô tình thành khuyến khích dân nhậu “không say không về” vì đã có người đưa về nhà như quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên. 
“Nếu nhìn ở góc độ gốc rễ vấn đề thì không nên có động thái “bảo vệ” người say xỉn, đặc biệt động thái “bảo vệ” ấy lại dễ khiến người ta có tâm lý “thả phanh” vì sẽ có người đưa về tận nhà an toàn. Dịch vụ “đưa người say về nhà” dường như là sự “đồng cảm” với chủ các quán ăn, nhà hàng kinh doanh hơn là vì mục đích hạn chế bia rượu, ngăn ngừa những tác hại do bia rượu đối với an toàn giao thông” - ông Liên bày tỏ.  
Quyết liệt hơn, ông Liên nêu quan điểm, căn cứ quy định của pháp luật và có chế tài xử lý các vi phạm một cách triệt để cũng sẽ hạn chế được tác hại của rượu bia đối với an toàn giao thông. 
“Còn nếu vẫn cứ muốn duy trì thực hiện Chiến dịch thì thay vì đưa họ về nhà, nên “điều chỉnh nội dung” đưa thẳng ra trụ sở công an gần nhất để họ có thời gian “hồi tỉnh” nhằm tránh việc trong cơn say họ có những hành động quậy phá, gây rối trật tự công cộng hoặc về nhà đánh đập vợ con. Như thế, vừa có ý nghĩa giáo dục hơn và cũng phát huy hiệu quả của Chiến dịch hơn” – ông Liên nêu ý kiến.
Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%; làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ước tính sai về khoảng cách dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. Mỗi năm có trung bình 16 – 20% nguyên nhân số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra.

Đọc thêm