Giáp Tết, cảnh báo về tiền giả

(PLO) - Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng, nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển tiền giả đã sang Trung Quốc mua tiền giả mang về những vùng sâu, vùng xa tiêu thụ. Do có lợi nhuận cao, dễ thực hiện nên tội phạm tiền giả không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, gây không ít khó khăn cho công tác phòng, chống.
Hai đối tượng Lừ Văn Quang, Quàng Văn Ban và tang vật
Hai đối tượng Lừ Văn Quang, Quàng Văn Ban và tang vật

Thiếu tá Vũ Bá Thanh - Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ Đồn Biên phòng Tân Thanh, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lạng Sơn cho biết: “Thực hiện Tháng cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất   2018, dù thời tiết lạnh cắt da, cắt thịt với nhiệt độ ban đêm chỉ còn 2-3oC nhưng cán bộ, chiến sĩ của Đồn vẫn căng mình trên biên giới. Thời điểm này các năm, Đồn BP Tân Thanh đã bắt giữ nhiều đối tượng buôn bán, vận chuyển tiền giả qua biên giới”. 

Dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tại cửa khẩu Tân Thanh, BĐBP đã phát hiện  2 vụ buôn bán, vận chuyển tiền giả. Vào đêm 18/1/2017, đối tượng Long Văn Quốc (SN 1980, trú tại huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã bị bắt giữ khi đang lưu hành 80 triệu đồng tiền Việt Nam giả. Số tiền giả thu giữ được gồm 400 tờ loại mệnh giá 200.000 đồng. Quốc khai nhận đã mua 80 triệu đồng tiền giả này của một người tại tỉnh Cao Bằng với giá 20 triệu đồng tiền thật. Tuy nhiên, do không thể sử dụng tiền giả để mua hàng ở Đắk Lắk, Quốc đã mang số tiền này quay trở lại Lạng Sơn tiêu thụ. 

Trưa 25/1/2017, tại luồng nhập cảnh Cổng kiểm soát số 1, Trạm Kiểm soát BP Cốc Nam, Đồn BP Tân Thanh đã bắt giữ đối tượng Đào Văn Hùng (SN 1960, thường trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Tang vật thu giữ là 150 triệu đồng tiền giả.

Hùng khai nhận khi sang chợ Lũng Vài (Trung Quốc) làm thuê, có một người đàn ông lạ mặt khoảng 38 tuổi đã thuê Hùng vận chuyển 150 triệu tiền Việt Nam giả về TP Lạng Sơn với giá 5 triệu đồng. Để qua mặt cơ quan chức năng, số tiền giả trên được nhóm buôn lậu giấu kỹ, độn trong thùng hoa quả rồi sai khiến Hùng mang vác qua cửa khẩu Cốc Nam (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn). Mặc dù khách qua cửa khẩu dịp Tết rất đông, nhưng cán bộ, chiến sỹ BP cửa khẩu Cốc Nam (thuộc Đồn BP Tân Thanh) vẫn nêu cao tinh thần cảnh giác nên đã kịp thời kiểm tra, ngăn chặn số lượng lớn tiền giả do đối tượng Hùng vận chuyển. Số tiền giả có mệnh giá 500 ngàn đồng/tờ, có nhiều sê ri trùng nhau. 

Thiếu tá Vũ Bá Thanh cho biết thêm: “Qua bắt giữ các vụ án, đối tượng thường ở sâu trong nội địa như Sơn La, Thái Nguyên, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Vì hám lời, các đối tượng xuất cảnh hợp pháp sang Trung Quốc tìm đối tác bán tiền giả rồi mua tiền giả với giá từ 18-20 triệu đồng tiền thật tùy chất lượng tiền giả lấy 100 triệu đồng tiền giả rồi mang về nước tiêu thụ. Sau khi mua tiền giả chúng vượt biên trái phép mang về nước cất giấu trong bụi cây, hốc đá rồi quay ngược trở lại Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp. Một số đối tượng khác do hám lợi vận chuyển tiền giả thuê lấy công mà không biết tiền giả của ai. 

Tiền giả khi bị bắt giữ luôn có số lượng lớn từ trăm triệu đồng trở lên. Mệnh giá tiền giả chủ yếu là loại tiền 200 nghìn và 500 nghìn đồng như ngày 23/8/2017, Đồn đã bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 588 triệu đồng tiền Việt Nam giả mua tại chợ Lũng Vài (Trung Quốc) với giá 105 triệu đồng tiền Việt Nam, mục đích đem về Sơn La để bán kiếm lời. Tiền giả chỉ có một số mã nhất định nên có nhiều tờ tiền có cùng sê ri. Sau đó, chúng dùng số tiền giả này mang đến các vùng sâu, vùng xa để tiêu thụ”.

Hầu hết các đối tượng tàng trữ, lưu hành tiền giả đều khai nhận nguồn gốc tiền giả được đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới, nhất là cửa khẩu Lạng Sơn, tuy nhiên, phần lớn các vụ án chỉ làm rõ được mảng trong nước, còn mảng ở nước ngoài chưa tiến hành được. Đáng chú ý, để lưu hành tiền giả, các đối tượng thường lợi dụng lúc thiếu ánh sáng, đông người... để trà trộn tiền giả vào tiền thật nhằm “qua mắt” người dân. Một cách khác tương đối phổ biến là chúng sử dụng tiền giả có mệnh giá cao mua hàng hóa có giá trị thấp, với mục đích thu về tiền thật.

Có trường hợp đối tượng lưu hành tiền giả vào ban ngày nhưng chúng trao đổi, giao dịch một cách nhanh chóng, chớp nhoáng mua hàng mà không mặc cả rồi đi ngay nên khi người bán hàng phát hiện ra thì đối tượng đã “cao chạy xa bay”. Một số đối tượng khi mua hàng có giá trị lớn có thể kẹp lẫn giữa tiền thật với tiền giả để người bán không phát hiện được...

Về phương thức lưu hành tiền giả, các đối tượng thường chọn những nơi trình độ dân trí thấp, ít có khả năng phân biệt giữa tiền thật và tiền giả hoặc những nơi đông người, có khách vãng lai đến tham quan, du lịch. Hơn nữa, khi lưu hành tiền giả, đối tượng thường không mang theo nhiều để phòng trường hợp nếu bị phát hiện thì lấy lý do không biết là tiền giả hoặc do nhầm lẫn. Việc xé lẻ tiền giả để lưu hành nhằm tránh sự cảnh giác, phát hiện của người nhận tiền nên lượng tiền bị phát hiện, thu giữ rất ít, còn trên thực tế, đối tượng đã tiêu thụ nhiều lần ở nhiều nơi trong một thời gian dài.

Đọc thêm