Giáp tết, pháo lậu “nóng” lên từng ngày

(PLO) - Giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tình hình buôn bán, vận chuyển pháo nổ lậu qua biên giới “nóng” lên từng ngày, với số lượng lớn. Lý do vì ngoài nhu cầu sử dụng của người dân thì quan trọng hơn, khu vực nội địa vẫn chưa quyết liệt trong công tác vận động, tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các hành vi đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán. 
Một vụ buôn lậu pháo nổ bị BĐBP và công an phối hợp bắt giữ

Pháo lậu càng bắt càng “nóng”

Theo Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh trọng điểm về buôn lậu trên tuyến biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, năm nay, hoạt động buôn bán, vận chuyển pháo nổ tại các địa phương diễn ra sớm hơn dịp giáp Tết Nguyên đán năm ngoái và theo thời gian, hoạt động này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Bên cạnh đó, khối lượng pháo lậu trong mỗi vụ do đối tượng buôn lậu tổ chức “đánh hàng” từ bên kia biên giới tuồn vào Việt Nam ngày càng lớn, bất chấp các quy định của pháp luật. 

Đối tượng vận chuyển pháo lậu qua biên giới chủ yếu là cửu vạn. Họ cõng, vác pháo qua đường mòn, lối mở biên giới, các điểm nóng hai bên cánh gà cửa khẩu. Tại các cửa khẩu trong toàn quốc, do lưu lượng hàng hóa khổng lồ cả chiều nhập lẫn xuất, các đối tượng buôn lậu pháo nổ đã lợi dụng, trà trộn pháo lậu vào hàng hóa, hành lý nhằm qua mặt lực lượng chức năng để đem về Việt Nam tiêu thụ.

Từ cuối tháng 8/2016 đến nay, riêng lực lượng Hải quan Lạng Sơn đã phát hiện, xử lý 25 vụ nghiêm trọng liên quan đến pháo nổ với lượng tang vật lên đến gần 5 tạ pháo nổ các loại có xuất xứ từ Trung Quốc. Khi Tết càng cận kề, pháo lậu càng ngày càng “nóng” lên.

Chỉ vài ngày giáp tết Dương lịch 2017, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) các địa phương đã phối hợp, bắt giữ nhiều vụ buôn bán, vận chuyển pháo lậu. 17h30 ngày 24/12/2016, tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Cha Lo, lực lượng Phòng chống ma túy và tội phạm, BĐBP Quảng Bình và Đồn BP CKQT Cha Lo chủ trì phối hợp với Hải quan CKQT Cha Lo và lực lượng chống buôn lậu Bộ Công an đã bắt giữ 2 xe ô tô mang BKS Lào - 5300 và 1728 do Phạm Ngọc Nguyên (SN 1984) và Lê Văn Phú (SN 1987) cùng quê ở Nghệ An điều khiển.

Trên 2 xe chở thêm 3 đối tượng cùng quê là Hồ Hải Hà (SN 1975), Hồ Hải Hưng (SN 1984) và Hồ Quốc Trọng (SN 1996). Cả hai xe và các đối tượng trên đang trên đường nhập cảnh từ Savannakhet (Lào) về Việt Nam qua CKQT Cha Lo. Tiến hành kiểm tra hai xe ô tô trên, lực lượng chức năng đã phát hiện 221kg pháo tương đương với gần 12 nghìn quả có xuất xứ từ Trung Quốc được cất giấu tinh vi trong các ngăn cửa và phía dưới thùng, đầu máy xe ô tô.

Các đối tượng khai nhận: Số pháo trên là do hai anh em ruột Hồ Hải Hà và Hồ Hải Hưng mua với số tiền 10 triệu kíp Lào với mục đích đưa từ Lào về Việt Nam để bán kiếm lời, khi về đến CKQT Cha Lo thì bị BĐBP phát hiện và bắt giữ. 

8h ngày 27/12/12, qua kiểm tra, kiểm soát tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Trị đã bắt quả tang đối tượng Ngô Văn Bảy (25 tuổi, trú ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vận chuyển 5 hộp pháo ống, tổng cộng 180 viên, có trọng lượng gần 8kg. Nửa tiếng đồng hồ sau, lực lượng chức năng tiếp tục bắt giữ đối tượng Trần Đức Hiền (40 tuổi, trú ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cùng tang vật là 12 ống pháo, trọng lượng 1,5kg được cất giấu trong lốp xe kéo.

Các đối tượng khai nhận đã mua số pháo này tại chợ Viêng Chăn, Lào, sau đó bắt xe khách tuyến Viêng Chăn - Huế đưa về Việt Nam tiêu thụ. Khi đến gần khu vực cửa khẩu, một đối tượng cất giấu pháo tinh vi trong lốp xe kéo, một thuê đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương vận chuyển bằng đường tiểu ngạch qua biên giới, sau đó đưa về quê bán kiếm lời.

1 giờ sáng ngày 1/1/2017, tại khu vực mốc 492, thuộc địa bàn thôn Ngải Trồ, xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP đã phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm và Đồn BP Săm Pun, BĐBP Hà Giang phá Chuyên án 059A, bắt quả tang đối tượng Ma Văn Hồng, tức Ma Hùng (SN 1994, trú tại thôn Lũng Làn, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) đang vận chuyển 58 thùng pháo có trọng lượng 1.200kg qua biên giới thuộc địa bàn Đồn BP Săm Pun quản lý.

Vì sao pháo lậu ngày càng gia tăng?

Năm nay là năm thứ 23 nước ta thực hiện các qui định của Chính phủ về việc cấm đốt pháo. Tuy nhiên, những năm qua, Tết đến, một số địa phương vẫn râm ran tiếng pháo. Một số tỉnh đã bị Thủ tướng Chính phủ phê bình vì không kiểm soát được nạn đốt pháo. 

Hành vi mua bán và kinh doanh các loại pháo nổ không chỉ vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản. Nếu mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Nếu thực hiện việc mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009). 3 ngày Tết Bính Thân 2016, cả nước có 98 trường hợp nhập viện do pháo nổ. Nhưng vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều người đã bất chấp tất cả. 

Theo các cơ quan chức năng, việc giải quyết tận gốc hoạt động buôn lậu pháo vẫn là một bài toán nan giải do lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu pháo  nhiều. Các loại pháo lậu đều được sản xuất tại Trung Quốc mua với giá rẻ nhưng khi về Việt Nam, xé lẻ ra bán thì lợi nhuận cao hơn nhiều lần. Ngoài nhu cầu sử dụng của người dân thì quan trọng hơn, khu vực nội địa vẫn chưa quyết liệt trong công tác vận động, tuyên truyền cũng như xử lý nghiêm các hành vi đốt pháo trong dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, công tác phòng chống pháo lậu ở khu vực biên giới gặp nhiều khó khăn. Và càng gần Tết thì tình hình vận chuyển, buôn bán pháo lậu càng diễn ra mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp. 

Đọc thêm