Gìn giữ làng nghề trăm năm bên Hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tây Hồ là một trong những trung tâm văn hóa của Hà Nội, mang đậm dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây lưu giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, các làng cổ, làng nghề truyền thống từ nhiều đời nay. Hiện Tây Hồ đang gìn giữ làng nghề niên đại hàng trăm năm để phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch.
Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đón nhận Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. (Ảnh: Vân Nhi)
Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ đón nhận Quyết định ghi danh Nghề xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. (Ảnh: Vân Nhi)

Về làng Yên Thái thưởng lãm nghề làm giấy cổ xưa

Làng nghề giấy dó Yên Thái, còn gọi là Kẻ Bưởi, ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội. Nghề làm giấy ở Việt Nam đã có từ xa xưa, có thể nói là ngay từ những năm đầu Công nguyên. Năm 284, các thương gia La Mã đã mua của ta 3 vạn tờ giấy Mật Hương để dâng lên vua Tấn Vũ Đế. Một học giả người Hoa là Kê Hàm cũng đã xác nhận giấy Mật Hương của Giao Chỉ làm bằng gỗ trầm thơm, màu trắng, có vân vảy cá, thả vào nước không nát...

Khi nhà nước Đại Việt ra đời và định đô ở Thăng Long, nghề này ở làng Yên Thái phát triển mạnh. Giấy dó Yên Thái đã từng là mặt hàng triều cống cho triều đình nhà Tống của đời vua Lý Cao Tông (1176-1210). Trong sách “Dư địa chí” (1435), Nguyễn Trãi cũng đã đề cập đến phường Yên Thái ở Thăng Long gồm các làng Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ, Yên Thái, Nghĩa Đô làm ra nhiều loại giấy: giấy sắc (để viết sắc của vua ban), giấy lệnh (để viết các lệnh chỉ của vua), giấy bản (phục vụ dân dụng), giấy quỳ ...

Thời xưa, có lẽ làng nghề này đã cung cấp phần lớn lượng giấy cho nhu cầu cả nước, nên tiếng chày giã dó một thời đã thành một trong những nét đặc trưng của kinh kỳ. Âm thanh tiếng chày khua trong đêm đã đi vào ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương/ Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ”. Trong bài “Phú thượng Tây Hồ” Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn cũng nói về nghề làm giấy rất thơ: “Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng/ Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co”.

Có thể nói, ở tất cả các công đoạn sản xuất từ bóc vỏ dó, ngâm và giặt dó, giã dó, nấu dó, lọc dó, seo giấy, đến đóng gói kiện giấy và vận chuyển đi bán đều hết sức vất vả và hầu như hoàn toàn bằng sức người với đôi tay trần của người thợ.

Trải qua nhiều công đoạn chế tác thủ công cầu kỳ, phức tạp, đôi tay tài hoa của người thợ Việt đã làm ra thành những tờ giấy nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ, nhưng bên trong dáng vẻ mảnh mai tinh tế đó lại chứa đựng sức bền tuyệt vời đối với thời gian dù trong điều kiện khắc nghiệt của khí hậu nhiệt đới gió mùa. Giấy dó Yên Thái có thể bảo quản được hàng trăm năm mà không bị mốc hay hư hại.

Giấy dó truyền thống ở vùng Bưởi được một người Pháp có tên Henri Oger mô tả trong cuốn “Kỹ thuật của người An Nam” là loại giấy xốp nhẹ mà bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt. Giấy dó cũng nổi tiếng với độ bền có thể lên tới hàng trăm năm do đặc tính của xơ sợi và quy trình làm hoàn toàn bằng thủ công, không có sự tác động của hóa chất. Chính vì điều này, người xưa đã dùng giấy dó để in kinh sách, viết chữ, in tranh dân gian và đặc biệt hơn cả khi các triều đại phong kiến Việt Nam dùng nó cho việc viết sắc phong. Đến nay, nhiều đình, chùa và làng xã vẫn còn lưu giữ được những sắc phong này.

Có một điều mà người dân làng Yên Thái luôn tự hào, đó là bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được in trên giấy dó vùng Bưởi, bìa được bóc kép 6 lần và những tờ giấy ruột bên trong cũng được bóc kép 3 lần. Làng cũng từng vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đầu tiên năm 1946.

Để triển khai có hiệu quả Chương trình số 02-CTr/QU ngày 19/10/2020 của Quận ủy Tây Hồ về tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế; Chú trọng phát triển ngành dịch vụ - du lịch gắn với di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các làng nghề truyền thống của Quận giai đoạn 2020 - 2025; UBND phường Bưởi được giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức vận hành, khai thác Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và phục dựng mô hình nghề sản xuất truyền thống làm giấy dó, phường Bưởi”.

Ngày 13/5/2024, “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa” tại địa chỉ số 189 phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động. Đây là không chỉ là một điểm dịch vụ, du lịch văn hóa, nơi tôn vinh lưu giữ, bảo tồn những giá trị của nghề làm giấy dó truyền thống mà còn là địa chỉ tin cậy, quen thuộc đối với người dân Thủ đô và các tỉnh thành trong cả nước, bạn bè quốc tế khi về tham quan, du lịch trên địa quận Tây Hồ.

Thưởng thức món xôi “tiến Vua” nức tiếng Kinh kỳ

Đãi, lọc bột dó. (Thùy Dương chụp lại ảnh tư liệu)

Đãi, lọc bột dó. (Thùy Dương chụp lại ảnh tư liệu)

Làng xôi Phú Thượng thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đây là một ngôi làng cổ ngàn năm lâu đời có nhiều nét văn hoá độc đáo. Xôi Phú Gia nổi tiếng kinh thành Thăng Long xưa và là món ngon “tiến Vua” mỗi dịp lễ, Tết. Theo các cụ cao niên trong làng, lợi thế của làng xôi Phú Thượng là nằm ven sông Hồng, đất đai phì nhiêu, màu mỡ đã tạo nên giống nếp cái hoa vàng và nếp dâu đặc biệt cho Phú Thượng mà khó nơi nào sánh được. Cùng với đó là sự khéo léo của người phụ nữ Phú Thượng trong cách chọn, ngâm gạo, đãi đỗ, đồ xôi... Cứ vào lúc chiều muộn hay sáng sớm, chỉ đến đầu làng Gạ (Kẻ Gạ, tức làng Phú Gia nằm bên bờ Nam sông Hồng, nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), đã thấy hương xôi nếp lan tỏa khắp làng trên xóm dưới.

Phường Phú Thượng có 3 làng cổ: Làng Thượng Thụy (còn gọi là làng Bạt); làng Phú Gia (làng Gạ), làng Phú Xá (làng Xù). Trong đó, nghề nấu xôi tập trung chủ yếu ở làng Phú Gia. “Làng Gạ có gốc cây đề/ Có sông tắm mát, có nghề thổi xôi”.

Trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, đến nay người Phú Thượng đã tiếp tục giữ gìn và phát triển nghề. Xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu nghề, các nghệ nhân rất công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến để tạo ra thành phẩm xôi Phú Thượng bóng, no tròn, dẻo ngon. Nghề làm xôi truyền thống với rất nhiều loại xôi mang thương hiệu Xôi Phú Thượng như: Xôi gấc, xôi đậu đen, xôi đậu xanh, xôi dừa, xôi lá cẩm, xôi lá nếp, xôi chè, xôi xéo, xôi ngũ sắc... trở thành đặc sản ẩm thực thu hút nhiều thực khách trong nước và quốc tế.

Hiện tại Phú Thượng có khoảng 600 hộ nấu xôi. Có những gia đình 3 - 4 thế hệ nối tiếp nhau giữ nghề. Người dân trong làng tạo dựng thương hiệu và đưa xôi đến bán tại nhiều chợ truyền thống, các cửa hàng ở Hà Nội cũng như phục vụ cho các lễ, tiệc trên khắp các tỉnh thành. Hàng năm, các thành viên trong Hội Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng còn có cơ hội tham dự các lớp tập huấn do chính quyền địa phương và các ngành tổ chức về vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 8 tháng 1 Âm lịch, phường Phú Thượng lại tổ chức lễ hội xôi. (Ảnh: Thùy Dương)

Hàng năm, cứ vào ngày mùng 8 tháng 1 Âm lịch, phường Phú Thượng lại tổ chức lễ hội xôi. (Ảnh: Thùy Dương)

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho hay, trong những năm qua, với mong muốn gìn giữ nghề truyền thống địa phương và nâng cao đời sống người dân, quận Tây Hồ đã luôn quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ làng nghề phát triển. Nhờ đó, ngày 30/12/2016, Phú Thượng được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng”. Năm 2018, xôi Phú Thượng là 1 trong 12 món ẩm thực truyền thống của Hà Nội phục vụ tại Trung tâm Báo chí Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Năm 2019, làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Xôi Phú Thượng. Ngoài ra, xôi Phú Thượng đã có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP của TP Hà Nội. Ngày 17/2/2024, UBND quận Tây Hồ long trọng tổ chức “Lễ hội truyền thống xôi Phú Thượng” lần thứ VII; Lễ công bố Quyết định ghi danh nghề xôi Phú Thượng vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.

Nói đến các làng nghề truyền thống bên hồ Tây, không thể không kể đến nghề đúc đồng Ngũ Xã (bên bờ hồ Trúc Bạch ngày nay). Trên những vùng đất bên hồ Tây còn có một nghề vốn đã có từ lâu đời và trở thành một nghề truyền thống ở Hà Nội đó là nghề trồng hoa, cây cảnh với những làng hoa nổi tiếng như: Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân... đã đi vào ca dao, tục ngữ. Nghi Tàm có nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa là gấm, tiêu biểu là mặt hàng lĩnh, gọi chung là “lĩnh Bưởi”. Làng Thụy Chương (sau đổi thành phường Thụy Khuê) với nghề dệt vải và lụa. Xuân Đỉnh có làng nghề trồng hồng xiêm nức tiếng.