Hai “bài toán khó” với du lịch làng nghề

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam hiện có gần 5 nghìn làng nghề, lưu giữ nhiều tinh hoa văn hóa truyền thống. Tuy nhiều tiềm năng về du lịch nhưng các làng nghề cũng đặt ra hai “bài toán khó” cần giải quyết để có thể phát triển bền vững.
Nhân lực yếu và ô nhiễm môi trường là hai “bài toán khó” để phát triển du lịch làng nghề. (Ảnh minh họa: PV)
Nhân lực yếu và ô nhiễm môi trường là hai “bài toán khó” để phát triển du lịch làng nghề. (Ảnh minh họa: PV)

Vì sao du lịch làng nghề khó “giữ chân” du khách?

Du lịch làng nghề hiện nay đang rất khó thu hút du khách quay trở lại bởi hai “bài toán khó” là nguồn nhân lực hạn chế và tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do khí thải, rác thải.

Cụ thể, các làng nghề trên cả nước thu hút khoảng 11 nghìn nhân lực. Đây là một con số không nhỏ, nguồn thu nhập của họ cũng cao hơn so với các lao động thuần nông khác khoảng hai đến ba lần. Thực tế, phần lớn họ là những lao động thời vụ, hết mùa gặt lúa thì đến các công xưởng nghề để làm, chủ xưởng trả công theo ngày. Công việc không cố định, nhân lực tại các làng nghề không ổn định.

Lấy ví dụ, làng nghề ở xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) với truyền thống làm tăm hương, mặc dù có gần 8 nghìn người trong tuổi lao động, với thu nhập trung bình khoảng 72 triệu đồng/năm, nhưng theo thống kê chỉ có 86 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Xuân Giang, Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa cho biết, phần lớn người trong tuổi lao động đều đến các khu công nghiệp ở gần đó làm công nhân. Hầu hết người ở lại là người già, thanh, thiếu niên, một số người lao động tự do thời vụ.

Để thúc đẩy du lịch các làng nghề đi lên, nguồn nhân lực bản địa là một yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững. Việc phần lớn người dân đi ra các xã, huyện khác để làm việc cho thấy rất nhiều vấn đề về người lao động còn tồn tại ở các làng nghề. Anh Vũ Đức Quân, chủ cơ sở sản xuất mỹ nghệ, đồ gỗ Hùng Hồng tại làng nghề khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cho biết, thời gian học việc dài, đồng lương cơ bản chưa cao, không đủ đóng BHXH tự nguyện bảo đảm cuộc sống sau khi về hưu, vì vậy, nhiều người trẻ không còn mặn mà gìn giữ nghề truyền thống.

Ngoài nguồn nhân lực, môi trường là yếu tố quan trọng kìm hãm việc phát triển du lịch tại các làng nghề. Kết quả rà soát mới nhất của Sở TN&MT Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 139 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng và gần 100 làng nghề khác cũng đang trong tình trạng ô nhiễm. Hiện nay, phần lớn các làng nghề đều bị ô nhiễm kênh rạch, tồn đọng chất thải rắn không được xử lý, nhiều nơi ô nhiễm không khí nặng nề do đốt than, phun sơn, đánh bóng các sản phẩm,... tạo ra nhiều bụi khí thải ảnh hưởng nặng nề đến môi trường.

Ô nhiễm môi trường nặng nề ảnh hưởng đến cảnh quan sinh thái, tạo ra mùi khó chịu, gây ấn tượng tiêu cực, vì thế khó “giữ chân” du khách quay trở lại nhiều lần. Đặc biệt, vấn đề môi trường còn đang ảnh hưởng đến người dân ở làng nghề và “tuổi thọ” nghề nghiệp của những thợ thủ công tại đây.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để phát triển du lịch bền vững tại các làng nghề, cần phải giải quyết đồng bộ hai vấn đề cấp thiết về nhân lực và môi trường. Đối với nhân lực, để thu hút người dân bản địa “sống còn” với nghề truyền thống, đào tạo thêm các thợ thủ công, nghệ nhân, đầu tiên cần phải bảo đảm vấn đề an sinh xã hội, nguồn thu nhập và tương lai cho họ.

Như PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, một trong những lý do quan trọng khiến người lao động ở các làng nghề khó tiếp cận BHXH tự nguyện vì công việc còn bấp bênh, thu nhập không ổn định. Cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội)... PGS.TS đưa ra gợi ý cần phải khảo sát, nghiên cứu kỹ người lao động trong các ngành nghề, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp cần sự hỗ trợ quyết liệt hơn của Nhà nước để “không bỏ lại ai ở phía sau”.

Về môi trường, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội chia sẻ, người dân có vai trò quan trọng trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Đầu tiên, cần tuyên truyền để người dân ở làng nghề hiểu được tầm quan trọng của môi trường. Thứ hai, cần xử lý ô nhiễm môi trường từ khâu quy hoạch, xác định nguồn ô nhiễm ở giai đoạn nào trong quy trình sản xuất để đưa ra những giải pháp giải quyết cụ thể. Cuối cùng, xử lý ô nhiễm môi trường cần có chiến lược dài hơi, sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo cú huých.

Bên cạnh việc giải quyết hai vấn đề “nóng”, để phát triển du lịch, các làng nghề còn phải tiếp tục phát triển, sáng tạo, đa dạng hóa đồ thủ công mỹ nghệ thu hút khách du lịch. Đặc biệt, làng nghề cần chú ý tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng để ghi dấu ấn trong lòng khách tham quan.