Huyện Sìn Hồ tại Lai Châu và huyện Kon Plông tại Kon Tum là nơi sinh sống của đa số đồng bào DTTS. Cuộc sống nơi đây còn rất nhiều thách thức. Một số điểm trường ở các bản làng xa xôi hẻo lánh không có hệ thống điện nước. Trẻ em gặp nhiều khó khăn bởi rào cản ngôn ngữ khi đến lớp.
Các em phải học tất cả các môn bằng tiếng Việt trong khi tiếng dân tộc mới là ngôn ngữ các em thường dùng ở nhà. Phần lớn giáo viên cũng là người DTTS nên họ thường xuyên gặp phải vấn đề khi dạy học sinh mà không hiểu rõ phương pháp dạy và học lấy trẻ em làm trung tâm.
Trước những vấn đề này, Dự án được xây dựng nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy và học, khuyến khích sự chuyển tiếp thuận lợi từ mầm non sang tiểu học, xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện với trẻ em.
Cụ thể, hơn 400 giáo viên mầm non và tiểu học được tham gia tập huấn và nâng cao năng lực; 5.500 học sinh mầm non và tiểu học có cơ hội tiếp cận tới nguồn sách, truyện của Dự án; 9 trường học đã được nâng cấp cơ sở hạ tầng, xây dựng lớp học với hệ thống vệ sinh nước sạch.
Là đại diện của một trong những cơ quan đối tác chính, ông Ngô Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu chia sẻ: “Điều tôi ấn tượng nhất với Dự án là mô hình sinh hoạt chuyên môn. Đó là nơi giáo viên có cơ hội tham dự một tiết học mở (tiết học minh họa) và sau đó chia sẻ lại những vấn đề gặp phải cũng như giải pháp. Cùng với phương pháp dạy và học chủ động, đây sẽ là 2 mô hình chúng tôi cam kết nhân rộng tới các huyện khác trong tỉnh”.
Ông Lò Văn Hòa, một trong những giáo viên nòng cốt của Trường Tiểu học Măng Bút 1 tự hào chia sẻ: “Giờ tôi đã biết cách dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai cho trẻ em nơi đây. Những em ngày trước từng xao nhãng trong lớp giờ đã tập trung, hứng thú và cảm thấy tự tin hơn nhiều”.
Sau 3 năm, Dự án đã giúp thay đổi cuộc sống của hơn 6.000 học sinh, giáo viên, cán bộ và phụ huynh của 2 huyện Sìn Hồ và Kon Plông. Dự án cũng giúp giáo viên và cán bộ tham gia trong ngành giáo dục thấy được rằng trẻ em DTTS có thể học tốt hơn nếu người lớn xung quanh không từ bỏ niềm tin vào khả năng của các em, đồng thời xây dựng môi trường học tập chất lượng tập trung vào chính các em.