Thanh Hóa: Tín dụng chính sách tăng vị thế đồng bào dân tộc thiểu số

(PLVN) - Hoạt động tín dụng chính sách đã giúp đồng bào chuyển biến về nhận thức, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự tin, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng dần vị thế trong xã hội.
Gia đình ông Lò Văn Cầm (dân tộc Thái ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) vay vốn chính sách để nuôi dê và trồng keo, cuộc sống gia đình nay đã khá hẳn lên
Gia đình ông Lò Văn Cầm (dân tộc Thái ở xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) vay vốn chính sách để nuôi dê và trồng keo, cuộc sống gia đình nay đã khá hẳn lên

Tất cả các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu đều được vay vốn

Chừng chục năm về trước, gia đình ông Thào A Thái (dân tộc Mông, ở bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) thuộc diện hộ nghèo của xã với 11 nhân khẩu. Các con còn nhỏ và đều tuổi ăn học nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhà ông lại nằm cách biệt với các bản khác, cách trung tâm xã 47km đường núi nên không có điều kiện giao lưu, tiếp cận với bên ngoài.

Đang lúc loay hoay, ông Thái được Hội Nông dân xã Trung Lý tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ được thực hiện qua Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Sau khi bàn bạc với gia đình, ông đã mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo về để nuôi bò sinh sản. Được Hội Nông dân quan tâm hướng dẫn, cùng với nhu cầu tìm hiểu tài liệu hướng dẫn để chăm lo cho “cơ nghiệp”, 3 năm sau, gia đình ông đã nhìn thấy hiệu quả khi bò mẹ đẻ bò con, lần đầu thấy nhà mình có tài sản, lần đầu biết đến việc tích lũy để dành.

Để tìm cách thoát khỏi tình trạng manh mún, thiếu ổn định, năm 2011, gia đình ông Thái vay thêm 30 triệu, cũng từ chương trình cho vay hộ nghèo, để mở rộng đàn bò sinh sản, kết hợp với trồng rừng. Hiện tại, nhà ông đang có 1ha rừng xoan, 5 con trâu, 4 con bò và dê, lợn, gà theo vụ, mỗi tháng trừ chi phí cũng thu được 15 – 20 triệu đồng. Bình quân đầu người thu nhập 30 – 35 triệu đồng mỗi năm, đã thoát hẳn đói nghèo.

Có vốn ưu đãi của chính phủ, có sự giao lưu, có điều kiện phát triển kinh tế, có cơ hội học hỏi kiến thức mới để vươn lên vững chắc, cải thiện kinh tế và tự tin hơn trong cuộc sống… là câu chuyện không chỉ của gia đình ông Thào An Thái, mà còn của hàng chục ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Thanh Hóa.

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa đã và đang thực hiện 17 chương trính tín dụng chính sách trên địa bàn vùng DTTS và miền núi. Tổng dư nợ tín dụng chính sách tại Thanh Hóa đến 31/8/2019 là 9.159 tỉ đồng với gần 259,5 nghìn hộ vay vốn, nợ quá hạn là 13,5 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0.15% tổng dư nợ. Trong đó, hộ đồng bào DTTS dư nợ đạt 2.629 tỉ đồng với 70.321 hộ đang vay vốn, nợ quá hạn là 2,6 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 0,1% dư nợ đồng bào DTTS. 100% hộ thuộc đối tượng thụ hưởng, có nhu cầu vay vốn đều được vay vốn từ NHCSXH.

Với những ưu đãi đặc biệt về chính sách lãi suất tiền vay và thời hạn vay, các hộ vay vốn có thể yên tâm phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vượt qua đói nghèo. Hoạt động tín dụng chính sách còn giúp đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. 

Lồng ghép các chương trình để tăng hiệu quả vốn chính sách

“Tín dụng chính sách xã hội cũng giúp cho đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn để sản xuất kinh doanh, tính toán cách làm ăn, tiếp cận dần với cơ chế thị trường, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn. Đồng thời giúp đồng bào chuyển biến về nhận thức, chống tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự tin, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, tăng dần vị thế trong xã hội. Mặt khác, tín dụng chính sách xã hội phát triển rộng khắp đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi” – ông Tạ Hồng Hải, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa chia sẻ trong Hội thảo khoa học “Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” diễn ra mới đây.

Để đồng vốn chính sách có thể phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Thanh Hóa sẽ gắn kết việc đầu tư chương trình tín dụng chính sách vào mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án khác để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện tốt chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kĩ thuật, trợ giúp hộ nông dân để họ yên tâm sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh đó, các ban, ngành, chính quyền, NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. 

Đọc thêm