Ông lão hoảng loạn với đứa cháu “trên trời rơi xuống”

Ông Trần Văn Hòa (SN 1955, ở số nhà 8, ngõ 94, ngách 33, phố Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) thời gian qua sống cảnh trong nơm nớp lo sợ, khi có một người đàn ông đột ngột xuất hiện, tự xưng là con cháu trong gia đình, mất tích hơn 30 năm nay mới về với cuội nguồn, đòi được chia "1 phòng để ở".

Ông Trần Văn Hòa (SN 1955, ở số nhà 8, ngõ 94, ngách 33, phố Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) thời gian qua sống cảnh trong nơm nớp lo sợ, khi có một người đàn ông đột ngột xuất hiện, tự xưng là con cháu trong gia đình, mất tích hơn 30 năm nay mới về với cuội nguồn, đòi được chia "1 phòng để ở".

Thái độ người cháu này hống hách, mỗi lần xuất hiện là “tự nhiên như người nhà” khiến gia đình ông mất ăn mất ngủ. Ông Hòa xác nhận, đúng là ông từng có một người cháu thất lạc hơn 30 năm trước, nhưng khẳng định người này là giả, không phải cháu mình, cho rằng có dấu hiệu lừa đảo nên gọi điện đến đường dây nóng của báo Xa lộ Pháp luật bày tỏ.

Vợ chồng ông Hòa đã ốm đau nay càng thêm mệt mỏi khi xuất hiện thêm một người “cháu”.
Vợ chồng ông Hòa đã ốm đau nay càng thêm mệt mỏi khi xuất hiện thêm một người “cháu”.

Người lạ tự nhiên như người nhà

Ông Hòa cho biết, trước đây ông có người anh trai tên Trần Văn Lề (SN 1940). Đến tuổi thanh niên người này tham gia công nhân đường sắt, sau đó tham gia quân ngũ. Trong quân đội, ông Lề được đơn vị tổ chức cưới hỏi, lấy một người phụ nữ ở huyện Chương Mỹ, Hà Tây (Hà Nội bây giờ). Khi đó, đơn vị ông đóng quân ở Chương Mỹ.

Trước khi chuyển vào chiến trường miền Nam chiến đấu năm 1972, ông Lề sinh được một người con trai kháu khỉnh. Sau đó ông hy sinh, bốn năm sau gia đình mới nhận được giấy báo tử. Ở lại, hai vợ con ông Lề tiếp tục sinh sống ở Chương Mỹ.  “Mấy năm sau, tôi nghe tin chị dâu đưa cháu đi đâu đó làm ăn, lập nghiệp. Từ đó chúng tôi không liên lạc được với cháu mình nữa”, ông Hòa cho biết.

Gần 30 năm sau ngày ấy, gia đình ông Hòa bỗng xuất hiện một người đàn ông tự xưng là cháu trong gia đình, nay muốn quay lại. Ông Hòa tâm sự: “Nếu đúng là cháu tôi thật thì còn gì mừng hơn thế nữa. Tôi chỉ có một người anh trai, vì đất nước này mà anh hy sinh rồi. Anh ấy chỉ có một người con trai là duy nhất. Nếu tìm được người cháu ấy thì còn gì hạnh phúc bằng”.

Thế nhưng ông Hòa tỏ ra phân vân, nghi ngờ đấy không phải là đứa cháu ruột thịt của mình. “Tôi vẫn còn nhớ, đứa cháu tôi tên là Trần Văn Thi, vì khi ấy hàng xóm ở đây có một cụ lớn tuổi cũng tên Thi nên chúng tôi thường gọi cháu là Vinh. Thế nhưng, người đến nhà tôi nhận là cháu thì lại mang tên Trần Đình Thi.

Khi đó cháu tôi được sinh ở Chương Mỹ, Hà Tây, nhưng người này lại quê ở Quảng Ngãi, nguyên quán cũng Quảng Ngãi”, ông Hòa cho biết.

Xin một phòng để ở

Trong khoảng hơn một nửa năm trở lại đây, gia đình ông Hòa liên tục bị một người tự xưng là cháu trong gia đình đến “làm phiền” bởi thái độ “tự nhiên như người nhà”.

Ông Hòa nhớ lại, vào một ngày đầu tháng 3/2013, một ông hàng xóm dẫn theo ba người, trong đó có một nam thanh niên tự nhận mình là con trai ông Lề. “Tôi bất ngờ lắm, họ xộc vào nhà mấy người liền, tự giới thiệu là con cháu trong gia đình, muốn được thắp hương cho anh trai tôi. Ban đầu tôi thấy vui vì tưởng thật là cháu mình, sau đó tôi sinh nghi vì thái độ sỗ sàng của họ”, ông Hòa nói.

Ông Hòa kể tiếp, chưa kịp hỏi han xong câu chuyện thì chừng 5 phút sau nhóm người này đã sang nhà ông hàng xóm ngồi chơi xơi nước, đứa “cháu” cũng mặc ông “chú” hụt hẫng ở lại.

Ngày hôm sau, người “cháu” này dẫn thêm ba người nữa, giới thiệu là người nhà bên ngoại. Một người phụ nữ trong đó tỏ ra vui vẻ, phấn khởi thay cho đứa cháu vì nay đã tìm lại được cội nguồn. Cách khoảng ba ngày sau, đứa cháu này lại tìm đến nhà ông Hòa nhận làm con cháu.

“Mấy lần như vậy tôi bất ngờ quá. Hỏi cháu tên bố mẹ là gì, còn sống không; thời gian cháu thất lạc thế nào; sao lại tìm được đến đây... thì nó đều trả lời ấp úng, không rõ ràng. Người đó lại nói giọng miền Nam xa xôi. Đặc biệt, mỗi lần vào đây nó đều chớp nhoáng chưa đầy 10 phút rồi lại đi ra.

Lần nào vào người này cũng tỏ ra tự nhiên như người nhà, tự rửa chén, quét dọn rất tự nhiên. Thấy vậy tôi mới bảo là cứ để chú tự làm thì nó bảo “người nhà cả” và hì hục làm một mình. Khi thấy nhà cửa chúng tôi lộn xộn, nó còn tỏ ra chê trách.

Bỗng dưng xuất hiện một người cháu như vậy khiến tôi lo lắng. Thực ra tôi cũng muốn tìm được cháu, nhưng người này tôi thấy không phải”, ông Hòa nói.

Không đủ bằng chứng để chứng minh người thanh niên này là cháu ruột của mình, gia đình ông Hòa không dám nhận cháu. “Nhiều lần ông hàng xóm dẫn thanh niên này đến nhận họ hàng, tôi không đồng ý, thế là ông hàng xóm còn lớn tiếng với tôi. Thái độ “đứa cháu” cũng hách dịch, không tôn trọng gì tôi cả”, ông Hòa nói.

Không muốn cứ bị làm phiền vì đứa “cháu” cứ tự nhận đến làm người nhà, ông Hòa làm đơn lên UBND phường Giảng Võ yêu cầu can thiệp. Được chính quyền và công an phường can thiệp, người cháu này không đến làm phiền nữa.

Bẵng đi một thời gian, vào ngày18/6 vừa qua, người này lại xuất hiện cùng với một người phụ nữ. Lần này họ đưa ra yêu cầu gia đình ông Hòa nhường cho họ một phòng để ở. “Chúng tôi không thể đồng ý được, vì quả thực họ là những người xa lạ, không biết xấu tốt thế nào. Tôi bảo họ phải có giấy tờ, chứng minh được đúng là con cháu trong nhà thì mới nói chuyện”, ông Hòa mệt mỏi nói.

Vợ chồng ông Hòa cho biết, tất cả mọi lần người “cháu” này đến đây đều có sự trợ giúp của một ông hàng xóm. Theo ông Hòa suy đoán, có thể do trước đây ông có một người cháu mất tích nên lợi dụng việc này một số người đến đây tự nhận là cháu ông để nhằm một mục đích lừa đảo nào đó.

Hiện nay, vợ chồng ông Hòa ngày đêm lo lắng khi đứa “cháu” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào để làm phiền. Ông có nguyện vọng mong công an, chính quyền địa phương làm rõ lai lịch của người thanh niên tự nhận mình là con cháu trong nhà. “Nếu đúng là con cháu trong nhà thì tốt quá, còn nếu không phải thì tôi mong các cơ quan ban ngành có hướng xử lí để gia đình tôi không bị quấy rầy”, ông Hòa nói.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm