Giở trò thất bại, “yêu râu xanh” mượn giấy tâm thần hòng thoát tội

(PLO) -  Đó là bị cáo Nguyễn Gần (SN 1993, trú thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang, TX Ninh Hòa, Khánh Hòa), sau khi đưa một bé gái đi nhậu cùng đám bạn, đến khi tiệc tàn hắn tìm cách rủ rê rồi định chở về nhà để “giở trò”. Tuy nhiên, đi nửa đường thì bé gái phát hiện gã có ý đồ không tốt nên không đồng ý đi tiếp và bảo gã dừng lại. Gã không chịu dừng, cô bé lắc mạnh xe làm cả hai ngã xuống đường rồi bỏ chạy. Cay cú vì xổng “con mồi”, gã liền túm nạn nhân lại tát tai, ném đá vào đầu gây thương tích. Sau khi bị cấp sơ thẩm tuyên phạt 6 tháng tù, “yêu râu xanh” liền kháng cáo, xin hưởng án treo vì hắn bị... tâm thần.
Bị cáo Nguyễn Gần trước vành móng ngựa.

Có dấu hiệu của bệnh tâm thần?

Theo hồ sơ, khoảng 15 giờ 30 phút ngày 3/6/2015, Nguyễn Gần rủ rồi chở em Lê Hồng L. (12 tuổi, trú tổ dân phố 1, phường Ninh Hiệp, TX Ninh Hòa) đến quán Mộc tại tổ dân phố 5, phường Ninh Hiệp, TX Ninh Hòa nhậu cùng bạn bè. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, Gần lấy xe máy chở em L. về nhà của Gần ở thôn Thạch Thành, xã Ninh Quang. Khi đến đoạn cầu Bầu thuộc thôn Thạch Thành, em L. không chịu đi tiếp nên lắc xe làm xe máy đổ xuống đường, L. bỏ chạy thì Gần đuổi theo bảo lên xe để chở về nhà nhưng L. không chịu. Thấy thế, Gần dùng tay đánh 2 cái vào mặt. Khi đó, một số thanh niên nhìn thấy vội đến can ngăn nhưng Gần không ngừng hành động này mà tiếp tục nhặt đá ném trúng vào phần trán bên trái em L. gây thương tích 2%. L phải vào viện điều trị. Cùng ngày, bà Phan Thị Thanh Ngân là mẹ của em L. có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự.

 Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 15/12/2015, Gần khai nhận và trả lời rành mạch từng câu hỏi của tòa về hành vi của mình và không có dấu hiệu gì của bệnh tâm thần nên HĐXX nhận thấy lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, kết quả giám định; kết luận của kiểm sát viên và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, hành vi của bị cáo Gần đã thực hiện đầy đủ các yếu tố cấu thành tội “Cố ý gây thương tích”, tội phạm và hình phạt được quy định tại các điểm a, d, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự là đúng người đúng tội, đúng pháp luật.

Bị cáo không có mâu thuẫn gì đối với người bị hại, chỉ vì nguyên nhân hết sức nhỏ nhặt là cháu Lê Hồng L không đồng ý cho bị cáo chở về nên bị cáo đã hành hung cháu L. Xét thấy hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm thân thể cháu L trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tâm sinh lý của trẻ em trong giai đoạn được gia đình và xã hội bảo vệ; hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích đó của bị cáo thể hiện tính chất côn đồ, coi thường pháp luật, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, quyền bất khả xâm phạm về thân thể của người khác, gây mất an toàn trật tự tại địa phương nên Hội đồng xét thấy cần có một mức án nghiêm khắc đối với bị cáo, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục và răn đe phòng ngừa tội phạm.

 Tuy nhiên, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, sau khi xảy ra vụ án bị cáo đã tự nguyện bồi thường một phần cho bị hại, tại phiên tòa đại diện hợp pháp của người bị hại không yêu cầu bồi thường thêm, bản thân bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên sau khi nghị án Tòa đã tuyên phạt Nguyễn Gần 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án. Án tuyên xong, Gần về nhà làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo và trình cho cấp phúc thẩm một giấy chứng nhận... tâm thần.

Những tình tiết kỳ lạ

Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa phúc thẩm đưa bị cáo ra xét xử lại (lần này gia đình bị cáo có thuê luật sư cho bị cáo). Tại phiên tòa lần này bị cáo tỏ ra ngu ngơ bảo không nhớ gì, cả tên mình cũng không nhớ được, khi nghe người mẹ “nhắc đòn” tên Gần bị cáo mới nói tên Gần. Vị chủ tọa hỏi “Bị cáo sinh năm nào, tuổi con gì, học lớp mấy...”, bị cáo lắc đầu nguầy nguậy không biết. Bà Lê Thị Mạnh (SN 1951, mẹ bị cáo) tiếp tục nhắc con là sinh năm 1993, học lớp 1. 

Theo lời khai của bà Mạnh thì Gần ở nhà ai kêu gì làm nấy, lúc trèo hái dừa thuê, lúc đi phụ hồ. Khi sự việc xảy ra bà có nói cho Công an biết Gần bị tâm thần nhưng Công an không chịu, khi xét xử sơ thẩm Gần cũng có nói cho tòa biết mình có chứng bệnh tâm thần nhưng tòa cũng không công nhận. Tòa hỏi bị cáo có đi chữa bệnh không, có uống thuốc không thì Gần trả lời rằng: “Có, do ông cậu đưa đi, không nằm điều trị nhưng bệnh viện có phát thuốc để về uống”. 

Tòa tiếp, trước đó sao không trình giấy chứng nhận bị tâm thần mà sau khi tòa tuyên án bị cáo mới nộp giấy chứng nhận bị tâm thần thì Gần nói trước đó không biết sau khi án tuyên ông cậu mới hướng dẫn. Vị chủ tọa hỏi “L có phải là bạn gái của bị cáo không, có ở gần nhà bị cáo không?” thì Gần trả lời “Không phải, ở xa lắm...”. Tòa truy. Ở xa sao quen mà chở L đi nhậu?. Lúc này, Gần lắc đầu một hồi nói không nhớ quen như thế nào, chỉ biết quen L trước đó khoảng 3, 4 ngày. “Hôm đó nhậu xong bị cáo chở L về nhà, L không chịu. Bị cáo quay xe để chở về nhà L nhưng L cũng không chịu cứ đòi đi chơi tiếp. Bị có nói L đi về, L không chịu về nên bị cáo có lấy đá ném chứ không tát L” - Gần khai.

Lúc này một vị thẩm phán lên tiếng: “Lấy đá ném người ta vì không chịu đi chơi, chậm phát triển, tâm thần mức độ nhẹ cái gì, bị cáo trả lời tại phiên tòa phúc thẩm rành rọt từng câu hỏi của tòa. Đây này, hàng chục câu hỏi của bị cáo trả lời rất rõ ràng, rành mạch tại biên bản phiên tòa, bị cáo khai hay tòa tự ghi, tự hỏi. Người tâm thần phải có người giám hộ. Bị cáo xin hưởng án treo hay xác định bị cáo tâm thần?”. Vị thẩm phán chưa dứt lời thì Gần vội nói xin được hưởng án treo. Vị này tiếp: “Án treo là gì bị cáo biết không, nặng hơn nhiều sao xin hưởng nặng là sao? Việc làm của bị cáo quá sai bị cáo biết không, bị cáo còn may đó, nếu đưa Lan đi về nhà còn làm bậy bị cáo còn phạm tội hiếp dâm nữa hiểu không?”. Nghe vậy, Gần không biết nói gì chỉ gục đầu im lặng. 

Theo lời mẹ của bị cáo Gần thì gia đình bà có 7 người con, trong nhà không có ai bị bệnh tâm thần, chỉ có Gần mắc chứng bệnh này lúc 9, 10 tuổi nhưng rất hiền, ai đánh khóc chạy về nhà chứ không đánh ai. “Tôi ra nói Công an nó có bệnh tâm thần, Công an hỏi bệnh tâm thần không có giấy tờ gì sao, tôi nói mối ăn hư hết rồi, tòa cũng vậy họ không tin nó có bị bệnh tâm thần nên sau khi xét xử mới đi xin giấy xác nhận tâm thần” - bà Mạnh bày tỏ. 

Vị chủ tọa nhắc nhở: “Sau này về cố quản lý cháu đừng để cháu tiếp tục gây chuyện, đốt nhà, giết người...”.

Cuối cùng, theo nhận định của đại diện Viện kiểm sát, tại Hồ sơ có giấy chứng nhận số 358/CN-BVTT ngày 21/12/2015 của Bệnh viện chuyên khoa tâm thần thuộc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa xác nhận bệnh nhân Nguyễn Gần đã được khám tại Bệnh viện chuyên khoa tâm thần tỉnh Khánh Hòa, chẩn đoán: Chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ. Đây là giấy chứng nhận được bị cáo và gia đình bị cáo cung cấp sau khi xét xử sơ thẩm nên chưa được điều tra, giám định làm rõ. Vì vậy, để xác định bị cáo có bị tâm thần hay không cần phải bắt buộc trưng cầu giám định tâm thần theo điểm c, khoản 3, Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Do đó, sau khi nghị án TAND tỉnh Khánh Hòa đã hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND TX Ninh Hòa phạt bị cáo Nguyễn Gần 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, để xác định làm rõ bị cáo có bị tâm thần hay không.

Tuy nhiên, nếu xác định trong thời gian trước, trong và sau khi gây án bị cáo vẫn nhận thức được hành vi thì bị cáo này vẫn bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Nếu gia đình bị cáo Gần thương lượng được với gia đình bị hại và xin họ rút đơn thì vụ án sẽ được đình chỉ mà không cần phải giám định bị cáo có tâm thần hay không để nhằm thoát tội.

Đọc thêm