Giới trẻ cảm thông với “người tài lạc vận”

 Sau khi được đăng tải, bài báo “Bài học cay đắng của cử nhân hai bằng đỏ đi... bán trà đá” ( Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 28/6) kể về câu chuyện một nữ cử nhân sở hữu hai tấm bằng đỏ (bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi) nhưng đành cay đắng “giấu kín” chúng trong tủ để đi bán trà đá mưu sinh đã trở thành chủ đề thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người.

Sau khi được đăng tải, bài báo “Bài học cay đắng của cử nhân hai bằng đỏ đi... bán trà đá” ( Báo Pháp luật Việt Nam số ra ngày 28/6) kể về câu chuyện một nữ cử nhân sở hữu hai tấm bằng đỏ (bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi) nhưng đành cay đắng “giấu kín” chúng trong tủ để đi bán trà đá mưu sinh đã trở thành chủ đề thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người.

Đằng sau chuyện buồn của Phương T là nỗi âu lo “vàng - thau lẫn lộn” trong những tấm bằng, chứng chỉ được cấp ra
Đằng sau chuyện buồn của Phương T là nỗi âu lo “vàng - thau lẫn lộn” trong những tấm bằng, chứng chỉ được cấp ra

Giấu “của quý” vào tủ để đi bán trà đá

Đó là Phương T (23 tuổi, quê ở một tỉnh phía Bắc), chủ nhân của hai tấm bằng đỏ chuyên ngành Kế toán và chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Cô từng hồ hởi đi kiếm việc với niềm tin hai “lá bùa hộ mệnh” này sẽ giúp mình mau chóng tìm được một công việc xứng đáng và phù hợp.

Thế nhưng, hết ngân hàng này đến cơ quan khác, hồ sơ xin việc của cô đều bị loại một cách khó hiểu. May mắn lắm, cô Phương T mới được một ngân hàng nhận vào, song cũng chẳng bao lâu thì cô phải ngậm ngùi rời bỏ cơ quan này vì công việc cô được phân công hoàn toàn không phù hợp với bản thân.

Những kiến thức học được trên giảng đường đại học hầu như không mấy khi cô được dịp đụng đến, thay vào đó là những nhiệm vụ hoàn toàn xa lạ với sở trường và khả năng của bản thân. Cô quyết định tạm thời “giấu” hai niềm tự hào của mình vào góc tủ và mở một quán trà đá để mưu sinh, có thời gian suy nghĩ về quãng thời gian đi tìm việc của mình và cay đắng nhận ra: Bằng cấp chưa phải là “tay vịn” vững chắc để có thể xin việc làm phù hợp mà tiền và mối quan hệ mới chính là chỗ dựa để có thể mở các cánh cửa và sở hữu những chiếc ghế êm ái. “Vũ khí” lợi hại nhất mà các tân cử nhân đi xin việc là các kỹ năng “mềm” như khả năng giao tiếp, trình bày trước đám đông... thì lại hoàn toàn không được trang bị trong thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường.

Cư dân mạng cảm thông

Câu chuyện của T đã nhận được ý kiến bình luận sôi nổi của độc giả, trong đó phần lớn là các bạn trẻ đã hoặc đang là sinh viên. Khen có, chê có, xót xa cho con đường lập nghiệp long đong của nữ cử nhân này cũng có. Song, tựu chung lại vẫn là sự thông cảm, sẻ chia với bi kịch của cô. Trên internet, hàng chục nghìn bạn trẻ đã đăng đàn để cùng nhau bàn luận, mổ xẻ về nguyên nhân thất bại của Phương T bằng thái độ nghiêm túc và sự cảm thông chân thành.

Trên diễn đàn vozforums..., một bạn trẻ có nick name “meo.babi” chia sẻ: “Ở Việt Nam thì làm ít có nghề nào giống lúc đi học hết, giống rất ít”. Một bạn trẻ khác lại gợi ý rằng, với hai tấm bằng đỏ trong tay, tại sao T không cố gắng xin được giữ làm giảng viên tại trường hoặc xin vào một viện nghiên cứu nào đó để làm vì chỉ có nơi đó, tấm bằng giỏi cùng những lí thuyết sách vở mà Phương T đã “nằm lòng” mới có điều kiện được sử dụng tới và sử dụng tối đa.

Thậm chí, một bạn trẻ có nick name “n00bk8b” còn dẫn chứng thêm một trường hợp nữa về một nữ cử nhân của một trường đại học tại Thái Nguyên sau khi tốt nghiệp cũng không xin được việc buộc phải mở quán bán trà đá tại quảng trường 20/8 Thái Nguyên... Trong những ý kiến phản hồi về trường hợp của T, không ít bạn trẻ không ngần ngại nói ra cái lí do cay nghiệt dẫn tới thất bại trên con đường xin việc không chỉ của T mà còn của rất nhiều tân cử nhân khác đó là vốn kiến thức mà sinh viên học được trên giảng đường đại học toàn là những lí thuyết sách vở, hoàn toàn không có “đất dụng võ” khi đi xin việc và làm việc.

Cần đổi mới mô hình đào tạo bậc đại học

Chúng tôi đem kể về trường hợp của T cùng những lời chia sẻ, bàn luận của các bạn trẻ trên diễn đàn điện tử với bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Bà An cho biết, vấn đề sinh viên ra trường thiếu kĩ năng “mềm” dẫn tới việc gặp khó khăn trong khi xin việc cũng là trăn trở lâu nay trong ngành giáo dục.

Theo bà An, việc hệ thống đào tạo đại học ở nước ta hiện nay quá nặng vấn đề lí thuyết mà thiếu trang bị cho sinh viên những kiến thức thực tế, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp, thực hành đã làm cản trở đi rất nhiều khả năng cạnh tranh cũng như thích ứng với môi trường làm việc ngoài nhà trường. Trên thực tế thì phần lớn sinh viên sau khi ra trường và bước vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp đều rất ít sử dụng đến những kiến thức được học.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc không ít sinh viên tốt nghiệp loại ưu nhưng vẫn khó xin được một việc làm tương xứng với tấm bằng của họ. “Vấn đề đổi mới mô hình đào tạo bậc đại học, nhất là thay đổi cách học máy móc, thiên về lí thuyết mà thay vào đó là những kiến thức thực tế, kĩ năng thực hành cho sinh viên là điều trăn trở lâu nay trong những người ngành giáo dục. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần một lộ trình dài chứ không thể thay đổi ngay trong một sớm một chiều được” - bà An chi sẻ.

Cũng liên quan đến câu chuyện, bà An còn đặt ra một khía cạnh khác cũng rất đáng được lưu tâm trong ngành giáo dục hiện nay là chất lượng của những tấm bằng được cấp ra có thật sự tương xứng với khả năng thực tế của chủ sở hữu nó hay không? Theo bà An, thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp người có bằng loại ưu (giỏi) nhưng kiến thức lại không hề đi đôi với giá trị của nó; rồi những trường hợp cán bộ mua bằng, “chạy” bằng, làm bằng giả bị phanh phui trong thời gian qua cũng đã gióng lên tiếng chuông báo động về chất lượng “vàng - thau lẫn lộn” trong những tấm bằng, chứng chỉ được cấp ra.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Trong cơ chế xã hội hóa giáo dục như hiện nay, việc cấp bằng ồ ạt, đại trà cũng cần hết sức lưu tâm đến quy trình cấp bằng và giá trị thực tế của những tấm bằng được cấp ra. Đó cũng là điều nhức nhối mà ngành giáo dục đang trăn trở, tìm phương pháp giải quyết trong thời gian này”.

Nhóm phóng viên

Đọc thêm