Đó như một quy luật tất yếu khi máy móc đã thay cho thủ công, cung ứng sản phẩm tiêu dùng hàng loạt cho xã hội. Nhưng cũng có một số làng nghề thủ công truyền thống khi mất đi khiến ta buồn thực sự. Đó là những làng nghề làm ra sản phẩm văn hóa, mang hồn cốt dân tộc, truyền thống lâu đời và phong vị dân gian sâu đậm mà tranh Đông Hồ là một dẫn chứng.
Những phiên chợ quê ngày tết đã từ lâu lắm rồi không còn thấy những bức tranh Đông Hồ rộn rã sắc màu nữa. Người mang nặng tâm tư với văn hóa truyền thống buồn với nỗi buồn đầy tâm trạng đau đáu: “Mẹ con đàn lợn âm dương/Chia lìa trăm ngả/Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã/Bây giờ tan tác về đâu?” (Hoàng Cầm).
Không thể trách cứ người tiêu dùng ngoảnh mặt với tranh Đông Hồ khi thị hiếu đã thay đổi cùng thời cuộc, treo tranh và chơi tranh đắt tiền trong nhà mình, những bức tranh chỉ là bản sao chép các danh họa đã thay thế các bức tranh in ra từ bản khắc gỗ bị cho là lòe loẹt và quê mùa. Tranh Đông Hồ chịu chung số phận với tranh Bờ Hồ rất thịnh hành một thuở giờ biến mất như chẳng hề tồn tại.
Thế nhưng, nỗi đau thế thái không nằm ở sự thay đổi thị hiếu của người đời mà ở chỗ làng nghề 400 năm tuổi làm tranh này lại chuyển sang làm vàng mã, cung ứng cho một “thị hiếu” khác, đậm tính dị đoan và lãng phí.
Nếu như bức tranh “Đám cưới chuột” phản ảnh hiện thực mối quan hệ xã hội thời phong kiến thì việc chuyển từ tranh sang vàng mã thực là bức tranh phản ảnh hiện thực xã hội, người ta đã bỏ “hồn dân tộc” để chuyển sang một trạng thái hoàn toàn ngược lại là làm cái việc cung ứng cho các hồn ma.
Rất may, vẫn còn những con người tâm huyết với những bức tranh mang “hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Họ tìm đủ cách để khôi phục lại dù chỉ là một phần nhỏ của quá vãng vàng son. Những nghệ nhân còn sót lại thu thập các bản gỗ khắc tranh, cố gắng giữ lại một phần nghề cũ.
Các nhà văn hóa tìm cách lưu giữ và bảo tồn làng tranh Đông Hồ. Những nhà giáo yêu chuộng văn hóa truyền thống dùng tranh Đông Hồ làm “giáo cụ trực quan”, “đồ dùng dạy học” trên lớp hoặc dẫn các học sinh của mình tham quan nơi làm ra các bức tranh đó.
Một hội thảo quốc tế được mở ra vào thượng tuần tháng 11/2019 đã làm sâu sắc thêm giá trị văn hóa của tranh Đông Hồ và bàn thảo các biện pháp để tranh Đông Hồ “sống lại”. Đó là một tín hiệu vui và càng gần hiện thực hơn khi hồ sơ về bảo tồn làng tranh này đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đệ trình lên UNESCO để vinh danh và bảo vệ khẩn cấp.
Ở nước Hà Lan xa xôi còn giữ được một cái làng nghề đẽo guốc thủ công và đã trở thành một địa điểm thu hút du khách quốc tế cực kỳ hấp dẫn. Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những chiếc guốc xỏ vừa chân búp bê hoặc to như cái thuyền, những đôi guốc có tuổi vài trăm năm với các kiểu dáng khác nhau phục vụ mục đích khác nhau (làm vườn, đi dạo, dự tiệc hay đi trong nhà) mà còn được xem người thợ làm ra một chiếc guốc như thế nào.
Dù cho người Hà Lan chẳng còn đi guốc nữa thì những đôi guốc được sản xuất ra ngày hôm nay trở thành kỷ vật của du khách và có mặt trên khắp thế giới này do những người đi du lịch Hà Lan mang về như món quà kỷ niệm.
Hy vọng rằng làng tranh Đông Hồ của chúng ta cũng được bảo tồn theo cách đó. Một bảo tàng tranh, một xưởng in tranh tại chỗ với những nghệ nhân làng nghề tài hoa và tranh Đông Hồ sẽ theo chân du khách đi khắp thế giới, trong phòng khách của mỗi ngôi nhà.