Áo dài liên tục bị “ăn cắp”
Việc áo dài bị coi là “sáng tạo”, “cách tân” của một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Trung Quốc không phải là lần đầu tiên trang phục truyền thống mang đậm nét văn hoá Việt Nam bị “ăn cắp”. Nhà thiết kế (NTK) Sĩ Hoàng từng kể lại, cách đây chục năm, trong một chuyến tham quan cuộc triển lãm “Lịch sử 5000 trang phục Trung Quốc” tại Bảo tàng Kimono (Tokyo, Nhật Bản), ông đã “sửng sốt” khi thấy bộ áo dài lụa Việt Nam cùng nón lá và đôi guốc gỗ được trưng bày với tên gọi “Trang phục hiện đại Trung Quốc”.
Thậm chí, trường hợp tương tự cũng xuất hiện ngay tại Bảo tàng Quốc gia Singapore. Từ đó, ông Sỹ Hoàng mới nung nấu ý tưởng, và bắt tay xây dựng Bảo tàng Áo dài tại quận 9, TP Hồ Chí Minh để bảo vệ một nét văn hoá cổ truyền của Việt Nam.
Áo dài Việt Nam bị báo China Daily cho là 'phong cách Trung Quốc' |
Nhiều năm qua, các NTK thời trang, như Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Đỗ Trịnh Hoài Nam, Võ Việt Chung, Công Trí, Việt Hùng, Thuận Việt… đã nỗ lực khôi phục và quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam trong cộng đồng người Việt và trên thế giới. Đáng nói nhất có thể kể tới NTK Minh Hạnh với rất nhiều cuộc triển lãm, trình diễn áo dài Việt Nam ở Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý, Nga….
Còn gần đây nhất là 2 bộ sưu tập mang tên “12 mùa hoa” và “Tranh Đông Hồ” của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam tại trụ sở chính của UNESCO hồi đầu năm 2020; ngay sau buổi trình diễn áo dài trong khuôn khổ Tuần lễ thời trang ASEAN 2019 tại Hàn Quốc vào cuối năm 2019.
Dù rằng áo dài đã được nhiều đất nước biết tới là trang phục truyền thống của người Việt Nam, nhưng hiện tượng “ăn cắp văn hoá” vẫn xảy ra. NTK Minh Hạnh cho rằng: “Việt Nam không thể đem áo dài lên Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đi đăng ký sở hữu trí tuệ, bởi việc đăng ký sở hữu trí tuệ thuộc về một cá nhân cụ thể. Vì vậy, để giải quyết vấn đề, phía Việt Nam phải công bố áo dài là quốc phục”. Ý tưởng này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều NTK, nhà văn hoá, giới văn nghệ sĩ trong nước.
Các “danh hiệu” có thực sự bảo vệ được áo dài?
Trong khi dư luận bức xúc áo dài vẫn chưa được văn bản pháp lý nào công nhận là quốc phục, nhiều nhà nghiên cứu tỏ ra không đồng tình, cho rằng việc công bố này sẽ hạn chế đa dạng văn hoá trên mảnh đất hình chữ S. Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó nhiều dân tộc thiểu số đông dân như Dao, Thái, Tày, Nùng, H’Mông, Mường, Chăm, Lự … đều có trang phục truyền thống của họ.
“Nếu chọn áo dài là quốc phục, trong những dịp lễ tết đặc biệt hoặc sự kiện quốc gia, nó phải được tất cả các dân tộc thiểu số mặc. Điều đó khiến cho việc mặc áo dài trở thành áp đặt với phụ nữ các dân tộc thiểu số. Như thế cũng không phải tôn trọng đa dạng văn hóa” – Nhà nghiên cứu dân tộc học TS. Mai Thanh Sơn – Viện Hàn lâm khoa học xã hội nêu quan điểm với báo chí.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam nên đề nghị UNESCO công nhận Áo dài Việt là quốc phục. Trong ảnh là trang phục cưới của người Tlemcen (Algeria) đã được UNESCO công nhận |
Quả thực áo dài là một trang phục có tầm ảnh hưởng, nhưng áo dài có thực sự đại diện cho trang phục của toàn thể 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam hay không?
Mặt khác, với các ý kiến cho rằng cần phải làm hồ sơ đề áo dài được UNESCO công nhận, quả thực, việc công nhận trang phục truyền thống đã có tiền lệ. Năm 2012, UNESCO đã công nhận các nghi thức và nghề thủ công liên quan đến truyền thống trang phục cướiTlemcen (Chedda of Tlemcen) của Algeria là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Toàn bộ trang phục bao gồm chiếc váy lụa màu vàng được đan thủ công, một chiếc khăn nhung, một chiếc mũ hình nón, áo caftan, đồ nữ trang và các chuỗi hạt ngọc trai hình thù lạ mắt tượng trưng cho thiên chức của người vợ.
Lại có ý kiến cho rằng nếu công bố áo dài là quốc phục có thể áp đặt lên sự trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số |
Trong tiệc cưới, sẽ có các nghi lễ bảo vệ thân thể nhằm mang đến điều tốt lành cho cô dâu chú rể, biểu tượng về kết nối giữa các gia đình, thế hệ. Đáng nói, các cô gái ở Tlemcen đều sẽ tham gia truyền thống liên quan tới trang phục cưới này từ rất trẻ, nghệ thuật chế tác được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhằm duy trì dấu ấn của cộng đồng dân cư ở Tlemcen.
Cũng có ý kiến cho rằng, người Việt Nam cần bảo vệ tà áo dài Việt như người Nhật với Kimono. Song, thực tế, một khảo sát cho thấy không phải cô gái Việt Nam nào cũng luôn có áo dài trong tủ đồ của mình, thậm chí có những người không bao giờ mặc áo dài vì cảm thấy không tự tin với hình thể của họ. Được biết, người Nhật mặc kimono tối thiểu 4 lần trong đời đó là: ngày lễ 753, lễ trưởng thành, kết hôn và lễ tang.
Áo dài là một dạng văn hoá mặc, mà muốn phát huy văn hoá mặc, trước khi có được danh hiệu nào đó, áo dài cần phải được bảo tồn, phát huy giá trị trong chính đời sống hàng ngày của người dân. Thiết nghĩ, đó mới là câu hỏi nan giải nhất.