Giữ mãi nét thanh lịch của 'chốn Kinh sư muôn đời'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, Hà Nội trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế còn là một thành phố hào hoa, thanh lịch. Thời gian qua, Hà Nội đã và đang đẩy mạnh mục tiêu phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.
Nét đẹp Hà Nội xưa. (Ảnh Tư liệu)
Nét đẹp Hà Nội xưa. (Ảnh Tư liệu)

“Nhất thanh, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”

Hào hoa, thanh lịch đã trở thành đặc trưng, là văn hóa ứng xử ở trình độ cao và có tính chuẩn mực được biểu hiện qua nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội của người Hà Nội xưa và nay.

Thăng Long với 61 phường thời Lý - Trần, 36 phố phường thời Lê - Nguyễn và Hà Nội ngày nay là nơi hội tụ nhân tài, hội tụ nghề hay của người dân khắp nơi trong cả nước tìm đến sinh sống. Tới kinh đô, họ mang theo tinh hoa quê hương góp cho Hà Nội nhưng đồng thời mang theo tập quán kẻ quê. Cố GS Trần Quốc Vượng từng cho rằng: “Vẫn biết lịch sử là biến đổi không ngừng. Vẫn biết dân cư thành phố, Thủ đô là dân cư lưu/sinh động, thu hút khách thập phương, người tài tứ xứ... để người Hà Nội có nhiều quê, nhiều “cựu quán”... Nhưng sông - hồ thành phố rồng bay ở nơi lắng hồn núi sông ngàn năm để kết tinh thành tâm hồn Hà Nội và cái phong cách hay nếp sống hào hoa - thanh lịch”.

Người dân Thăng Long - Hà Nội luôn tự hào là đã có nhiều người đỗ đạt cao, là nơi quy tụ của nhiều nhân tài trong cả nước. Chính vì vậy, nơi đây đã để lại một kho tàng tri thức, văn hóa đồ sộ cho dân tộc; chẳng thế mà người ta gọi Thăng Long là mảnh đất ngàn năm văn hiến. Trí thức Hà Nội trong lịch sử từng mang tên gọi chung là “sĩ phu Thăng Long” hoặc “sĩ phu Bắc Hà”, đã làm nên cốt cách và tinh hoa của đất nước.

Bàn về nét thanh lịch của người Hà Nội, GS. TS Đặng Cảnh Khanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thanh niên cho rằng, lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, văn hóa ẩm thực…

“Chẳng thơm cùng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”; “Nhất cao là núi Ba Vì/Nhất thanh, nhất lịch kinh kỳ Thăng Long”; “Thân thương quá nụ cười người Hà Nội/Đã gặp rồi mà bồi hồi, nhớ mãi Hà Nội ơi…”. Đó là những câu thơ, lời hát ca ngợi cốt cách người Hà Nội.

Sự thanh lịch của người Hà Nội toát lên từ trang phục đến bước đi. (Ảnh Tư liệu).

Sự thanh lịch của người Hà Nội toát lên từ trang phục đến bước đi. (Ảnh Tư liệu).

Có thể nói, sống trên mảnh đất là nơi hội tụ, tích hợp các luồng văn hóa, người Hà Nội có điều kiện thẩm thấu, chắt lọc và tỏa sáng vẻ đẹp của văn hóa ứng xử. Cái thanh, cái đẹp của người Hà Nội xưa thể hiện ở giọng nói phát âm chuẩn mực, nhẹ nhàng; cách phục sức giản dị, nho nhã; lối giao tiếp khiêm nhường, mến khách; cách ăn uống thanh cảnh, điềm đạm “ngọn giá cắn đôi” tinh tế, luôn quan tâm, kính trên, nhường dưới. Người Hà Nội coi trọng, nâng niu giá trị văn hóa gia đình, gia phong bởi đó là một cái nôi tạo dựng các thế hệ tương lai cho đất nước. Cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo. Việc trong nhà to nhỏ đều sắp xếp êm đẹp. Các cụ già có thú chơi tao nhã như: uống trà, chơi cờ, nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng tính, nuôi lan tích đức, dựng hòn non bộ, trồng cây cảnh để cân bằng sinh thái, tạo môi trường “xanh nhà, gọn phố, đẹp Thủ đô”.

Cuốn sách “Hà Nội thanh lịch” của cố GS. Hoàng Đạo Thúy như lát cắt về văn hóa - lịch sử - địa lý, về nếp ăn nếp ở của người Hà Nội từ năm 1945 trở về trước. Tất cả câu chuyện về người Hà Nội, từ chuyện trong nhà, hàng phố, cách dạy con, tiếp khách, quan hệ trên dưới, cách ăn mặc… đều được nhìn qua con mắt một người uyên bác và chan chứa tình yêu Hà Nội. Người Hà Nội vốn xem trọng nét sinh hoạt như ăn, nói, đi, đứng. Dù là ở nhà hay ngoài phố, họ đều giữ được sự cẩn trọng, thanh lịch. Thế nên, ở Hà Nội, khách đến nhà không bao giờ “cởi trần” ra tiếp, cũng không được mời khách nước chè lượt thứ ba. Khi đi ra đường, họ không ăn mặc cẩu thả. Áo quần không cần quý giá nhưng phải chỉnh đốn. Mặc áo vá không sao, nhưng không mặc áo rách… Trong “Hà Nội thanh lịch”, người ta hình dung cốt cách của người Hà Nội đã từng được định danh qua “chuyện phố”. Phố Hàng Gai nổi tiếng thanh nhã vì đây là “phố văn học”, chuyên bán sách. “Trong phố, ít khi có tiếng xô xát. Có việc gì cũng chỉ cần “nói ý” là xong chuyện”. Còn phố Hàng Đào là “phố hào hoa nhất kinh kỳ”, các cửa hiệu tủ kính san sát, bóng bẩy các cô bán hàng lịch sự, khách đi qua nhẹ nhàng mời xem hàng.

Người Việt Nam, đặc biệt là người dân đồng bằng Bắc Bộ thường lấy Hà Nội làm quy chuẩn cho những thói quen ứng xử, những cách ăn mặc, ẩm thực, vui chơi… Có thể thấy, văn hóa Hà Nội, đặc biệt là văn hóa cộng đồng và văn hóa ứng xử luôn là những chuẩn tắc, để lại những hình ảnh, dấu ấn đẹp trong suy nghĩ của mọi người.

Cuộc sống hiện đại, người dân Hà thành dường như làm phai nhạt cốt cách thanh lịch của mình. Có một số người đi đường lạng lách, vi phạm giao thông. Khi bị nhắc nhở, sẵn sàng quát mắng người thi hành công vụ hoặc người đã góp ý mình. Ngoài đường phố, dù chỉ một va chạm nhỏ, người ta cũng dễ dàng nổi khùng chửi bới, thậm chí dùng mũ bảo hiểm làm vũ khí để quật nhau không thương tiếc. Rồi xuất hiện “bún chửi”, “cháo mắng”, “bánh mì đánh nhau” ở một vài quán ăn của chủ quán đối xử với thực khách. Có thực khách nhai thức ăn nhồm nhàm, bọt bia văng khắp miệng. Có bạn trẻ nói năng xô bồ, ồn ã, văng tục, chửi thề, nói trống không với người cao tuổi. Người dân vứt rác bừa bãi, ô nhiễm môi trường xung quanh. Lối sống gấp hưởng thụ theo bản năng đã làm sa đọa số ít thanh niên. Họ chỉ biết vì mình, coi tiền là tất cả. Họ lao vào những việc làm phi pháp để có nhiều tiền vui chơi, sa vào cờ bạc, nghiện hút, mất cả lương tri con người. Có người bỏ bê gia đình, đi ngoại tình trăng hoa, gia đình vì thế mà tan vỡ…

Tăng cường xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Chiến sĩ CSGT dẫn các cháu bé qua đường, một cử chỉ đẹp thể hiện văn hóa người Hà Nội. (Ảnh: LĐ)

Chiến sĩ CSGT dẫn các cháu bé qua đường, một cử chỉ đẹp thể hiện văn hóa người Hà Nội. (Ảnh: LĐ)

Ngày 19/2/2024, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo đó, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra yêu cầu thành phố cần phải xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc.

Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội toàn TP tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu. Đó là, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả đường lối, quan điểm trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021); Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, các quan hệ xã hội, trong gia đình và từng người dân. Thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là một nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; Tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân Thủ đô không ngừng nâng cao ý thức chấp hành, tôn trọng kỷ cương, pháp luật, xây dựng các quan hệ xã hội giàu tính nhân văn trên cơ sở phát huy những nét đẹp truyền thống; có nếp sống, hành vi ứng xử văn hóa mọi lúc, mọi nơi, trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa, cổ súy cho lối sống, văn hóa ngoại lai không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, truyền thống văn hiến của Thủ đô...

Thành ủy Hà Nội xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh…

…Tin rằng việc gìn giữ nét đẹp thanh lịch, văn minh và bổ sung thêm nhiều tiêu chí khác nữa của người Hà Nội sẽ góp phần xây dựng văn minh đô thị Hà Nội, gìn giữ sự lắng đọng của chiều sâu văn hóa ngàn năm văn hiến. Đây là nét đẹp mãi trường tồn của “chốn kinh sư muôn đời” như nhận định của Lý Thái Tổ trong chiếu dời đô cách đây hơn ngàn năm.