Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam nhận định, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt lại nở rộ như vậy, tuy nhiên số doanh nghiệp bị phá sản cũng rất nhiều. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự thiếu kiến thức kinh doanh, đặc biệt là luật pháp của các chủ doanh nghiệp.
|
Ông Vũ Hoàng Diệp, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm |
Đa số doanh nghiệp phá sản do… “mù” luật
Theo ông Vũ Hoàng Diệp, một hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có biết bao quy định, điều luật điều chỉnh, ngoài ra chủ doanh nghiệp cũng cần có kinh nghiệm quản lý, đồng thời xây dựng các mối quan hệ để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp thất bại, phá sản vì thiếu hiểu biết về kinh doanh, đặc biệt là kiến thức về mặt pháp luật.
Chính vì vậy, Báo Pháp luật Việt Nam đã phát động cuộc thi viết Doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật phát triển bền vững”. Qua 04 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài dự thi, là những tấm gương doanh nghiệp, doanh nhân thành công, cống hiến nhiệt tình cho sự phát triển kinh tế đất nước. Trong tháng 7, Báo đã tổ chức được một chương trình tọa đàm, với nhiều ý kiến, quan điểm của các chuyên gia kinh tế, luật sư (LS), doanh nghiệp đóng góp xây dựng chương trình.
Buổi tọa đàm thứ hai được Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức với mong muốn bằng những kinh nghiệm, sự trải nghiệm của mình, các khách mời sẽ chia sẻ, giải đáp nhiều vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trẻ, để giữ mãi tinh thần khởi nghiệp, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh…
|
LS. Nguyễn Mạnh Thuật chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, LS. Nguyễn Mạnh Thuật - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á cho hay, một doanh nghiệp thành lập chỉ mất vài ba triệu đồng, nhưng nếu bị giải thể tốn kém từ 30 - 50 triệu đồng. Nhưng thực tế có không ít bạn trẻ do không hiểu biết nên thành lập doanh nghiệp thiếu tính toán, rồi sau đó phá sản.
LS. Nguyễn Thu Hoài - Giám đốc Công ty Luật HanoiLAW cũng cho hay, qua công tác tư vấn thuế chị được biết, có rất nhiều bạn trẻ là sinh viên xuất sắc ở các trường Đại học, sau khi ra trường họ thành lập doanh nghiệp, nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn họ đến “cầu cứu” luật sư trợ giúp. Nguyên nhân chính là do họ chưa có kiến thức pháp lý cần thiết để hoạt động, nhất là sai sót về quản trị nội bộ, báo cáo thuế,…
|
LS. Nguyễn Thu Hoài |
Thượng tôn pháp luật… phát triển bền vững
Giải đáp băn khoăn của các chủ doanh nghiệp trẻ: “Doanh nghiệp có tinh thần khởi nghiệp thật sự phải đáp ứng những tiêu chí nào?”, ông Lê Anh Minh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư, tư vấn và huấn luyện ANEWEDU cho rằng: Điều đầu tiên, gốc rễ vẫn là tư tưởng, nhân cách. Bởi kinh doanh chỉ để kiếm tiền sẽ rất dễ dẫn đến phá sản.
Theo ông Minh, người kinh doanh phải có đạo đức để mang lại những giá trị thật sự cho khách hàng, với một sứ mệnh cao cả là giữ mãi tinh thần khởi nghiệp. Nếu chúng ta không tạo được giá trị, doanh nghiệp đi xuống, đồng nghĩa với việc khách hàng sẽ không ủng hộ. Cái đích cần tạo ra là một doanh nghiệp bền vững, phải tạo một dòng lợi nhuận xứng đáng. Muốn vậy, phải có một lộ trình rõ ràng, tìm được những người có chung ý tưởng, tuân thủ cuộc chơi pháp luật. Bên cạnh đó phải xác định được sứ mệnh, thiết lập chiến lược phát triển, phù hợp hiện trạng và năng lực của doanh nghiệp.
|
Ông Lê Anh Minh giải đáp thắc mắc tại buổi tọa đàm |
Tham dự buổi tọa đàm, ông Nguyễn Chí Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình đưa ra quan điểm: Người khởi nghiệp phải biết mục đích của mình hướng tới là gì, có được xã hội chấp nhận không? Và họ phải thận trọng để có những bước đi chắc chắn nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thiết lập được những mối quan hệ cần thiết để hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp. Đặc biệt, phải tuân thủ pháp luật để phát triển bền vững, và hướng đến môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh...
Theo LS. Nguyễn Mạnh Thuật, tư cách pháp nhân là rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp (nhất là những công ty mới bắt đầu đi vào hoạt động kinh doanh). Trước hết, doanh nghiệp sau khi thành lập phải đảm bảo sự tin cậy và xây dựng cho mình một chiến lược hoàn chỉnh để bảo đảm hoạt động. Ngoài ra, doanh nghiệp phải phân biệt rõ loại hình doanh nghiệp của mình. Hiện nay, các đối thủ cạnh tranh rất gay gắt, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan làm nhiều doanh nghiệp bị mất đi hình ảnh của mình. Vì thế doanh nghiệp cần phải quan tâm đến những vấn đề này để bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải am hiểu các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Lao động, Luật Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội… để tự bảo vệ mình khi có tranh chấp xảy ra.
Bí quyết giữ lửa kinh doanh?
Khởi nghiệp thành công đã khó, giữ lửa kinh doanh còn khó hơn. Chia sẻ về vấn đề này, Doanh nhân Hồ Thị Hoài Nhung – Giám đốc Công ty Bảo vệ Thiên Bình cho rằng, chỉ cần làm tốt công việc mà mình thích sẽ giữ được lửa lâu dài hơn. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp cũng phải biết truyền lửa cho nhân viên của mình.
Còn theo ông Lê Anh Minh, yếu tố hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh một phần là do nền giáo dục của chúng ta. Theo ông Minh: “Phải thất bại thì mới có sự đam mê. Thất bại là bài học, thành công là trải nghiệm, đặc biệt phải có “đội nhóm” để thổi bùng lên ngọn lửa đam mê kinh doanh. Hãy dám nghĩ, đừng tự giới hạn mình và nên đặt ra mục tiêu cho mình và hãy tuyên bố nó, từ đó đề ra giải pháp thực hiện!”.
Tán thành quan điểm này, LS. Nguyễn Mạnh Thuật khẳng định: “Muốn giữ được bầu nhiệt huyết kinh doanh phải xử lý được thất bại. Cái dễ dập tắt “lửa kinh doanh” đó chính là thất bại, vì có những thất bại lớn quá khiến doanh nghiệp không thể vựng dậy được!”.
|
Tại buổi Tọa đàm, ông Thanh có những lời khuyên, chia sẻ hữu ích cho các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp |
Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thanh đưa ra lời khuyên đối với các doanh nghiệp trẻ: “Khi thất bại hãy biết đứng dậy. Người đứng đầu doanh nghiệp càng phải vững vàng để vượt qua. Muốn vậy phải luôn trau dồi kiến thức, nhất là kiến thức pháp luật, có đam mê, trách nhiệm, không nên vội hài lòng với những gì đang có…!”.