Tỉnh Bến Tre được hình thành bởi các nhánh của sông Mê Kông như: Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai... tạo nên ba dãy cù lao: cù lao Bảo (gồm 2 huyện Giồng Trôm, Ba Tri); cù lao Minh (gồm 3 huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú); cù lao An Hóa (gồm 2 huyện Châu Thành và Bình Đại). Do vậy, Bến Tre có lợi thế về tiềm năng khai thác, đánh bắt thủy sản. Du lịch biển đã và đang cho những tín hiệu lạc quan, trong đó sự đóng góp công sức của lực lượng biên phòng ở các cửa biển là rất lớn.
Thượng tá Mai Văn Yên - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hàm Luông (huyện Ba Tri) cho biết: “Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với Phòng Tư pháp huyện thực hiện tốt các kế hoạch bảo vệ an ninh biên giới đúng theo hướng dẫn của cấp trên, được người dân đồng thuận cao, đặc biệt là Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016” ...”.
Chính từ thành công của đề án mà hơn 1.500 tàu, trong đó có hơn 1.200 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ của huyện nắm bắt được các vấn đề về tình hình Biển Đông, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển, Chỉ thị số 01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Nghị định số 71 của Chính phủ về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...
Ông Hà Văn Bạch - chủ tàu đánh bắt xã An Thủy, huyện Ba Tri cho biết: “Ở đây, mấy anh biên phòng và cán bộ tư pháp huyện thường xuyên tuyên truyền các vấn đề có liên quan đến biển, những diễn biến mới nhất để ngư dân biết, đặc biệt là vấn đề bảo vệ vùng biển của chúng ta, chúng tôi chấp hành rất nghiêm mọi qui định để không phạm luật nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống của mình...”.
Điều đáng ghi nhận là Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Hàm Luông còn phân công cán bộ, chiến sĩ bám sát địa bàn các xã biên giới biển với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và thực hiện khẩu hiệu “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng sinh hoạt với nhân dân” khu vực biên giới biển đã và mang lại kết quả cao.
Tại huyện Thạnh Phú, Đồn Biên phòng Cổ Chiên đã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Thạnh Phú và các cơ quan, ban, ngành có liên quan tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã Thạnh Hải và ngư dân đánh bắt tập trung các vấn đề như: Luật Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Hình sự, Nghị định số 157 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản…
Cạnh đó, Đồn Biên phòng Cổ Chiên còn phối hợp với xã Đoàn Thạnh Hải, Thạnh Phong tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển cho các hộ kinh doanh, buôn bán ở khu du lịch biển. Song song với đó, Công an các xã ven biển đã phối hợp với các lực lượng Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an huyện, các đội dân phòng và các tổ nhân dân tự quản thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm; đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn, xây dựng đời sống văn hóa, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự nông thôn, bảo vệ bờ biển xanh, sạch... nhất là tại các khu du lịch biển tại xã Thạnh Hải như: khu du lịch Hàng Dương, Tây Đô...
Ông Phạm Văn Thành, ngụ ấp 8, xã Thạnh Hải cho biết: “Chính quyền và biên phòng ở đây quản lý người ra vào hành nghề đóng đáy ở cửa biển rất chặt chẽ và luôn tạo điều kiện cho bà con ngư dân làm ăn thuận lợi, dễ dàng. Chúng tôi bảo nhau đánh bắt không vi phạm luật biển, ngăn chặn không cho tàu lạ vào đánh bắt hải sản của mình; không mua bán hàng lậu, hàng cấm...”.
Với những cách làm trên, an ninh trật tự xã hội trên những vùng biển Ba Tri và Thạnh Phú thời gian qua rất ổn định, người dân an tâm lao động chế biến, đánh bắt thủy sản, khai thác tốt tiềm năng du lịch vốn có để làm giàu cho gia đình, xây dựng miền quê biển ngày càng văn minh, văn hóa và an toàn.