Mở lớp hướng dẫn nông dân trồng cà phê
Ngày 7/7/2017,Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa (Vinacafé BH), thành viên Tập đoàn Masan và Công ty CP Phân bón Bình Điền đã cùng Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đắk Lắk tổ chức lớp tập huấn với nội dung “Thực hiện mô hình sản xuất cà phê và thực hiện tái canh cây cà phê bền vững”.
Chương trình tập huấn và trao giống là một phần trong những hoạt động đã cam kết của chương trình “Hỗ trợ Phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột” đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược tại Lễ Hội Cà Phê Buôn Ma Thuột vào tháng 3/2017 vừa qua.
Sự hợp tác toàn diện của 2 công ty hàng đầu Việt Nam về các sản phẩm liên quan đến ngành cà phê Việt Nam, cùng với Sở NN&PTNT thông qua Trung tâm Khuyến nông Tỉnh Đắk Lắk và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thể hiện sự chung tay của “4 nhà”: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp; qua đó cùng nhau thiết lập một nền tảng chung cho mục tiêu nâng tầm cà phê Buôn Ma Thuột.
Chương trình sẽ đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc xây dựng thí điểm các mô hình sản xuất cà phê chất lượng tại các hộ đang canh tác nhỏ lẻ, có thể trở thành một vùng canh tác tập trung, để nâng cao năng suất cho các hộ tại xã Êa Tu, Buôn Ma Thuột.
Theo đại diện Vinacafé BH, chương trình tập huấn này nhằm giúp bà con nông dân trồng cà phê nhận thức và biết phương pháp tái canh vườn cà phê già cỗi, cải tạo vườn cà phê cho năng suất thấp. Bà con nông dân tham dự lớp tập huấn được trang bị kiến thức về quy trình tái canh cây cà phê như: chuẩn bị đất trồng, cách chọn đất trồng, phân tích tình trạng đất, cách đào hố, bón lót, kỹ thuật trồng, cách bón phân, trồng cây che bóng...
Ông Phạm Quang Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinacafé BH cho biết: “Lớp tập huấn và buổi lễ trao tặng giống cà phê chất lượng cao là một phần của cam kết của chúng tôi đối với người trồng cà phê trong hành trình hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị hạt cà phê Buôn Ma Thuột, vốn được ví như “hạt ngọc Ban Mê”, đồng thời cũng là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng một chương trình hợp tác chiến lược toàn diện đồng bộ và dài hạn nhằm phát triển cà phê Việt Nam trong tương lai không xa”.
Những năm gần đây năng suất và chất lượng hạt cà phê đều suy giảm dẫn đến giá trị hạt cà phê không tương xứng với công sức mà người nông dân bỏ ra. Đây là hệ quả của 3 vấn đề lớn: thực hiện tái canh, đất trồng và kỹ thuật thu hoạch chế biến cà phê.
Qua thời gian sinh trưởng, cây cà phê ở Đắk Lắk ngày càng già cỗi. Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Đắk Lắk, thì cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23,5% diện tích, từ 15 đến 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích. Chiếm 92,79% chủ yếu vẫn là các giống thực sinh cũ, chất lượng kém, không thể thích ứng với những diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu và dịch bệnh.
Vì sao cà phê giảm chất lượng?
Chính những lý do này đã ảnh hưởng trầm trọng đến năng suất thu hoạch của người trồng cà phê. Việc thực hiện tái canh cũng gặp nhiều trở ngại, chủ yếu do người nông dân thiếu vốn, thiếu kiến thức về kỹ thuật tái canh lẫn khả năng tiếp cận nguồn vốn, chần chừ trong việc tái canh vì phải mất đến 2-3 năm không có thu hoạch từ cây cà phê.
Biến đổi khí hậu, thâm canh, chạy theo lợi nhuận, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý đã khiến đất trồng cà phê tại Đắk Lắk ngày càng xuống cấp, thoái hóa trầm trọng. Trong khi đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật của người nông dân về việc như việc sử dụng phân bón, kỹ thuật bón phân cho loại đất trong từng thời kỳ sinh trưởng phát triển của cây không đúng quy trình, khuyến cáo của các nhà sản xuất đã ảnh hưởng nhiều đến độ phì nhiêu của đất.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của việc cà phê Việt Nam mất sản lượng và giảm chất lượng sau thu hoạch là thói quen thu hoạch hạt cà phê xanh và chín lẫn lộn. Cũng theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Đắk Lắk, tỷ lệ quả chín của sản phẩm thu hoạch đạt yêu cầu kỹ thuật (đạt 90%) chỉ chiếm có 2%, còn lại phần lớn có tỷ lệ quả chín từ 70% – 90%, chiếm 58%, đây là yếu tố chính làm giảm chất lượng sản phẩm cà phê tỉnh Đắk Lắk trong những năm qua. Ngoài ra, kỹ thuật sơ chế, phơi sấy, bảo quản hạt cà phê thu hoạch của người trồng cà phê còn non kém cũng dẫn đến chất lượng hạt nát vụn, ẩm mốc.
Chương trình Hỗ trợ Phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột nhằm đến việc khắc phục những khó khăn mà người nông dân trồng cà phê đang phải đối mặt như thiếu vốn, thiếu hiểu biết về quy trình kỹ thuật canh tác, sự thoái hóa đất đai cũng như sự lão hóa của cây cà phê...
Chương trình này được xây dựng với sự chung sức, đồng lòng của “4 nhà” với chiến lược xuyên suốt là đặt yếu tố con người làm trọng tâm, hướng đến lợi ích lâu dài của người nông dân trồng cà phê, từ đó tạo đà phát triển bền vững, cải thiện đời sống người nông dân trên chính mảnh đất được thiên nhiên ban tặng và góp phần nâng cao vị thế cà phê Việt trên bản đồ cà phê thế giới.