“Gỡ” âu lo cho người dân trong tâm dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiểu được mối nguy về tổn thương tâm lý, gánh nặng sức khỏe tâm thần có thể đến trong và sau dịch, nhiều tổ chức nhà nước và tư nhân đã xung phong đi vào tâm dịch, chăm sóc tinh thần cho người dân.
Tiến sĩ Lê Minh Công - Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch đang tư vấn cho bệnh nhân qua mạng.
Tiến sĩ Lê Minh Công - Dự án Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch đang tư vấn cho bệnh nhân qua mạng.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch

Đó là tên một dự án vừa được các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần lập ra để khám và tư vấn miễn phí trong dịch COVID-19. Dự án do Tiến sĩ Lê Minh Công - chuyên ngành tâm lý học lâm sàng, Phó Trưởng khoa công tác xã hội Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP HCM) cùng với các bác sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần lập nên.

Thông qua dự án, các chuyên gia sẽ hỗ trợ khám và tư vấn miễn phí thông qua hình thức trực tuyến về các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần cho đối tượng là trẻ em, thanh, thiếu niên và người lớn. Những vấn đề như trẻ khó bảo, tự kỉ, rối loạn hành vi, thiếu niên căng thẳng, nghiện internet, người lớn trầm cảm, âu lo, nghiện ngập hoặc bất hòa gia đình, nỗi đau mất người thân... đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ các chuyên gia.

Một dự án khác mang tên PsyCare - chăm sóc tinh thần mùa COVID được Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP HCM triển khai thực hiện. Dự án có sự tham gia của hơn 40 chuyên gia tâm lý học, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lý lâm sàng, bác sĩ và các tình nguyện viên, điều phối viên ở Khoa Tâm lý học, các trung tâm tư vấn tâm lý, các bệnh viện ở TP HCM, Tiền Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Thái Nguyên...

Dự án hướng đến hỗ trợ tâm lý cho đối tượng cụ thể là người đang ở khu phong tỏa, giãn cách đặc biệt, khu cách ly hoặc bệnh viện dã chiến ở TP HCM. Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP HCM, nhà trường triển khai dự án như một nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng đầy tính nhân văn của Khoa Tâm lý học. Trường Đại học Sư phạm TP HCM đã và sẽ đầu tư nguồn lực, kinh phí, đồng thời giám sát, quản lý để các tác động đi đến đích nhằm đóng góp phần nào vào những nỗ lực chống dịch của cả nước.

Ngoài ra, hiện một số quận trên địa bàn TP HCM cũng bắt đầu triển khai tổ tư vấn tâm lý cho người dân. Một trong những quận sớm đi vào hoạt động tổ Tư vấn tâm lý chính là quận Gò Vấp, mà người phụ trách là TS Trần Vĩnh Hà. Trong tổ tư vấn còn có những bác sĩ, tiến sĩ, chuyên gia hàng đầu về tâm lý. Hằng ngày, sau khi bác sĩ thăm bệnh xong thì nhóm chuyên gia tâm lý mặc đồ bảo hộ sẽ đến từng phòng bệnh, giữ khoảng cách an toàn và giải đáp những thắc mắc, những nỗi lo âu, giải đáp tâm lý cho bệnh nhân. Trong đó có việc xoa dịu những lo âu, sợ hãi, xóa tan những nhận thức sai lầm về dịch bệnh.

Việc điều trị Covid-19 nếu kết hợp với tư vấn, hỗ trợ tâm lý sẽ đạt hiệu quả hồi phục cao hơn.

Việc điều trị Covid-19 nếu kết hợp với tư vấn, hỗ trợ tâm lý sẽ đạt hiệu quả hồi phục cao hơn.

Đây là một phương pháp điều trị kết hợp cả trị liệu bệnh lý thể chất lẫn tinh thần rất hợp lý. Đã có không ít người bệnh được giải tỏa tâm lý, tiếp thêm sức mạnh, phục hồi tốt từ những hoạt động tư vấn tâm lý này.

Vỗ về những trái tim tổn thương

“Chị ơi, ba em vừa được cho về rồi ạ, sức khỏe rất tốt. Em và cả gia đình cảm ơn chị và team rất nhiều. Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị mà trong những lúc tâm lý hoang mang cảm thấy vững tin hơn rất nhiều để vượt qua khó khăn...”. “Anh ơi, ba em rất tâm đắc với những gì anh đã khuyên và góp ý. Ba em hứa với mẹ em là sẽ tuân thủ tốt những gì anh đã khuyên. Em và gia đình cảm ơn anh nhiều lắm”... Đó là vài trong số rất nhiều tin nhắn được gửi cho nhóm Tạo dựng tinh thần yên ổn, một nhóm gồm hơn 30 chuyên gia, có tiến sĩ, thạc sĩ tâm lý, giảng viên, bác sĩ... được thành lập trong tháng 7/2021 nhằm hướng đến những người cần hỗ trợ sức khỏe tinh thần, tư vấn tâm lý trong giai đoạn dịch bệnh Covid.

Tạo dựng tinh thần yên ổn, Chăm sóc sức khỏe tinh thần trong đại dịch, PsyCare - chăm sóc tinh thần mùa Covid... và còn hàng chục nhóm hỗ trợ tâm lý, tinh thần người dân đang hoạt động trong thời điểm dịch hoành hành này. Có nhóm hướng đến đại chúng, cũng có dự án hướng đến sức khỏe tinh thần của những đối tượng cụ thể, như sinh viên, người lao động nghèo, người đang mắc COVID-19 điều trị tại nhà hay trong bệnh viện... Là những nhóm thành lập “cấp tốc” trong dịch, nhưng đều có cách vận hành, hoạt động hết sức bài bản. Mỗi ngày, có hàng ngàn người dân đã được tiếp cận các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần để được trình bày, tâm sự, giải tỏa và nhận lại những lời khuyên hữu ích.

Chị Phan Quyên Th., nhân viên kinh doanh ngành may mặc, sinh sống tại phường Linh Đông, quận Thủ Đức chia sẻ, chị đã mất việc ba tháng nay do công ty cắt giảm nhân sự. Chồng chị cũng chỉ nhận được nửa số lương. Hiện tại, hai vợ chồng có thể cầm cự sinh tồn. Nhưng nỗi lo của chị là qua mùa dịch họ sẽ chẳng còn gì để sống. Chưa nói đến gánh nặng nợ ngân hàng để mua căn chung cư đang ở, có khả năng sẽ mất nhà, rồi tiền học hành của con cái, rồi chị sẽ xin việc ra sao... Không những thế, mỗi ngày “đếm ca” COVID-19, đọc đủ thứ thông tin khiến chị càng hoang mang. Suốt nửa tháng chị Th. bị stress nặng, ăn không thấy ngon, mất ngủ triền miên, bị rụng tóc, suy nhược...

Được bạn gửi cho số điện thoại của nhóm chuyên gia tư vấn tâm lý, chị Th. như nhận được phao cứu sinh, vội vàng gọi điện, bày tỏ những nỗi lo của mình, trong đó có cả những nỗi niềm mà mình không dám chia sẻ với người nhà. Nhiều ngày liền, chuyên gia tâm lý đã tiếp nhận những cuộc gọi, kiên nhẫn lắng nghe để rồi xử lý thông tin, đưa cho chị những lời khuyên nhằm tháo gỡ vướng mắc trong tâm trí. Chị Th. bắt đầu học cách thở, cách thư giãn, cách loại bỏ những điều tiêu cực, bớt sử dụng mạng xã hội. Chị bắt đầu tìm lại được niềm vui trong nhiều việc nhỏ hàng ngày, cũng như thẳng thắn bàn bạc với chồng kế hoạch ứng phó khó khăn và “phục hồi kinh tế gia đình” sau dịch. Chị lạc quan trở lại và bày tỏ lòng biết ơn đến người đã lắng nghe chị trong suốt một tuần trời.

Hy sinh thời gian riêng tư để “trực chiến”

Theo chia sẻ của một chuyên gia giấu tên thuộc một nhóm tư vấn tâm lý đang hoạt động hiệu quả, người tham gia tư vấn không chỉ có kĩ năng về lắng nghe, chia sẻ, có kiến thức về tâm lý học mà còn phải trang bị kiến thức trong lĩnh vực y tế và cập nhật đầy đủ thông tin, kiến thức liên quan đến Covid-19. Chuyên gia tâm lý này cho biết, một khi đã nhận “nhiệm vụ”, nghĩa là phải xác định mình không có thời gian riêng tư cho bản thân, phải “trực chiến” điện thoại 24/7, sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận bất cứ thông tin gì từ người gọi. Từ những bất an về dịch bệnh, nỗi lo về cơm áo cho đến mâu thuẫn gia đình, rồi mối sợ hãi, hoang mang của những người đang là F0 hay có người thân là F0...

“Những câu hỏi như “anh ơi ba em hay gặp ác mộng, phải làm sao”, hoặc “con ơi bác lo quá huyết áp lên hoài” là rất thường gặp. Có những bác lớn tuổi, từ khi kết nối được với mình là kết nối thường xuyên luôn, gọi suốt cả tuần trời vì bất cứ vấn đề gì hàng ngày. Nhưng đã tham gia tư vấn, chuyên gia phải xác định mình không để những cảm xúc tiêu cực lấn át, trang bị cho mình một tinh thần thật vững, thật lạc quan để lan tỏa cho người cần tư vấn. Cứ như vậy, chúng tôi đồng hành với người dân và may mắn rằng, gần như 100% người nhận tư vấn đều có phản hồi tốt, tháo gỡ được phần nào khúc mắc của mình”, chuyên gia tâm lý nói trên chia sẻ.

Thể chất và tinh thần là hai yếu tố không thể tách rời trong việc chăm sóc sức khỏe. Những hoạt động của các nhóm tư vấn tâm lý trong tâm dịch mang ý nghĩa lớn lao, đáng để trân trọng. Nó giúp người dân được kết nối, được quan tâm khi cần. Nó xoa dịu, giúp chữa lành những tổn thương trong hiện tại và xa hơn, giúp nhiều người có sức mạnh để chống đỡ được những sang chấn tâm lý về sau, khi đại dịch đã đi qua.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm