Gỡ bỏ khuôn mẫu kìm hãm nữ giới

(PLVN) -Xưa đến nay, không riêng gì các nước châu Á mà trên toàn thế giới, nhân loại luôn xem vẻ đẹp của người phụ nữ là một đề tài hấp dẫn và không ngừng tư duy để có được định nghĩa về một vẻ đẹp phụ nữ chuẩn mực nhất. Nhưng, mọi người quên mất rằng, một người phụ nữ đep là khi chính bản thân người đó có được sự tự tin và tự tôn chính mình, thay vì chạy đuổi theo một quy chuẩn nào đó.
Tại Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua Xây dựng người phụ nữ thời đại mới. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Đây cũng là đề tài hấp dẫn mà đã khiến cuộc toạ đàm “Vẻ đẹp đa dạng và tích cực” diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD), Unilever Việt Nam phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và UN Women tổ chức, trở nên sôi nổi.

55% phụ nữ Việt Nam không tự tin về ngoại hình của mình

Thông tin từ buổi tọa đàm cho thấy, cũng trong tháng 3/2023, MSD đã thực hiện khảo sát nhanh “Mirror Mirror – Phản chiếu vẻ đẹp của bạn” với gần 2000 phụ nữ từ 16-40 tuổi. Và kết quả cho thấy, gần 55% phụ nữ Việt Nam 16- 40 tuổi không tự tin về ngoại hình của mình, trong đó phụ nữ lo lắng nhất là khuôn mặt mình không xinh đẹp hoặc hình thể quá béo hoặc quá gầy.

Cứ 10 phụ nữ thì 6 phụ nữ không tự tin họ có địa vị và tầm ảnh hưởng tới mọi người xung quanh. Chỉ 1/4 phụ nữ tham gia khảo sát cho rằng mình không lo lắng về việc người khác sẽ nghĩ về mình như thế nào. Trong khi đó, 79% phụ nữ tin rằng cảm nhận của chính bản thân quyết định sự tự tin của chính họ, trong đó, 3 yếu tố quan trọng nhất đối với vẻ đẹp của phụ nữ là có ảnh hưởng tốt, tích cực với mọi người xung quanh, có khuôn mặt dáng vẻ ưa nhìn và có thể làm nhiều việc có ích cho cộng đồng…

Kết quả khảo sát này phản ánh phần nào mức độ tự tin của phụ nữ trong bối cảnh tuy có nhiều tiến bộ về bình đẳng giới, phụ nữ vẫn còn bị giới hạn và đóng khung phụ nữ trong các khuôn mẫu và chuẩn mực về cái đẹp và vai trò, vị thế của phụ nữ. Điều này khiến họ khó có thể tự tin và lựa chọn, thể hiện vẻ đẹp riêng có, tích cực và đa dạng của chính mình.

Đặt niềm tin vào bản thân mình là cốt lõi để phụ nữ đẹp

Khi chia sẻ kết quả khảo sát trên, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD nhấn mạnh: “Làm khảo sát này, chúng tôi hướng đến việc khuyến khích phụ nữ nhìn nhận những giá trị, những điểm tích cực riêng có của bản thân để phát triển toàn diện. Vẻ đẹp và giá trị của phụ nữ đến từ trong chính bản thân phụ nữ, chứ không phải bị quy định, khuôn mẫu, áp đặt từ người khác hay các yếu tố bên ngoài. Mỗi khi nhìn vào trong gương, phụ nữ hãy nhìn thấy các điểm tốt của bản thân và yêu thương, tự hào về giá trị của bản thân, nỗ lực hơn nữa để là phiên bản tốt nhất của chính mình”.

Quan điểm này của bà Linh đã nhận được nhiều sự tán đồng. Bàn về cách nhìn nhận các khía cạnh vẻ đẹp khác nhau của phụ nữ, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH, đồng thời cũng là thành viên Ban điều hành Mạng lưới nam giới vì bình đẳng giới VNMENNET chia sẻ: “Ở mỗi lứa tuổi khác nhau, phụ nữ đều gặp những nỗi bất an, khiến bản thân họ cảm thấy không tự tin. Ở lứa tuổi thanh niên, khi đứng trước những người giàu kinh nghiệm hơn làm phụ nữ thấy tự ti, còn ở lứa tuổi trung niên phụ nữ lại không tự tin về nhan sắc khi đứng trước các bạn trẻ tuổi hơn. Cá nhân tôi quan sát ở các hoạt động xã hội, những cuộc thi dành cho trẻ em đều bắt gặp hình ảnh của các trẻ em gái nhiều hơn. Thế nhưng giới chính khách phụ nữ lại ít hơn nam giới rất nhiều. Đây là điều tôi luôn băn khoăn rằng chính môi trường, khuôn mẫu đã kìm hãm sự phát triển, tự tin của phụ nữ”.

Bản thân là một người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) đã chia sẻ các khó khăn và rào cản của phụ nữ khuyết tật và nỗ lực vượt lên các rào cản. “Bản thân trước đây luôn mặc cảm vì sự khác biệt của bản thân, đặc biệt ở thời điểm được giao những trọng trách quan trọng thì sự tự ti lại càng đeo bám tôi. Nhưng từ việc thay đổi cách nhìn, cách tư duy về vấn đề đấy giúp bản thân tôi tự tin hơn, không những không còn che giấu những khiếm khuyết ngoại hình, tôi còn thay đổi rất nhiều trong những khía cạnh khác trong cuộc sống”, bà Lan Anh cho biết.

Đại diện thanh niên – lứa tuổi vốn được coi là chịu nhiều áp lực nhất về tiêu chuẩn cái đẹp, cô gái Nguyễn Hà Ngọc Minh chia sẻ: “Đối với em, sự tự tin được cấu thành từ 4 yếu tố - đạo đức, kiến thức, sức khoẻ và nhan sắc. Giới trẻ hiện nay đang chịu khá nhiều áp lực từ mạng xã hội về những quy chuẩn của cái đẹp và vô hình dung việc đấy khiến bản thân em luôn áp lực và đôi lúc không tự tin vào bản thân mình. Em may mắn được nuôi dưỡng trong một gia đình luôn sẵn sàng hỗ trợ và thúc đẩy em xây dựng sự tự tin, được sống là chính mình. Em chỉ muốn gửi đến mọi người một thông điệp rằng, trong xã hội hiện nay không có những chuẩn đúng, mà chỉ có những chuẩn sai. Vậy nên hãy sống, học tập và làm việc một cách tích cực, tử tế và nhân văn đã chính là vẻ đẹp tích cực rồi”.

Có thể nói, dường như mọi ngôn từ ước lệ và đẹp đẽ nhất trên đời này đều được thiên vị để miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ và ở thời đại nào phụ nữ cũng khao khát làm đẹp hơn bao giờ hết. Hầu hết phụ nữ trong sự giằng xé mâu thuẫn của việc trở nên xinh đẹp mà vẫn có được nét khác biệt đã quên mất rằng chỉ khi bản thân được là chính mình, thì mới là đang ở trong trạng thái xinh đẹp nhất.

Hay như nhà văn, nhà báo Hoàng Anh Tú, người vừa hoàn thành cuốn sách “Sống một cuộc đời rực rỡ” để khuyến khích phụ nữ phát triển, tin tưởng vào tiềm năng bản thân đã chia sẻ trong buổi toạ đàm: “Bất kể ở độ tuổi nào, đặt niềm tin vào bản thân mình mới là điều quan trọng nhất - đó mới chính là cốt lõi giúp bạn trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết. Và theo tôi, tiêu chuẩn cái đẹp của xã hội là không có giới hạn, do vậy bạn đẹp là phải do chính bạn định nghĩa và quyết định sức ảnh hưởng của nó đối với bạn”.

Các diễn giả, khách mời tham gia tọa đàm. Nguồn ảnh MSD

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, năm 2022, tại Đại hội phụ nữ toàn quốc XIII, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ thời đại mới. Người phụ nữ thời đại mới là nhân tố bình đẳng trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, công bằng xã hội”. Với các nội hàm của người phụ nữ Việt Nam thời đại mới là “có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”, quá trình xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng thời đại mới gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại.