Sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn tiết kiệm năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ tháng 7, tình hình cung ứng điện đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, việc tiết kiệm điện sẽ phải tiếp tục được thực hiện. Xung quanh vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương).
Ông Trịnh Quốc Vũ trả lời phỏng vấn Báo PLVN. (Ảnh: NT)
Ông Trịnh Quốc Vũ trả lời phỏng vấn Báo PLVN. (Ảnh: NT)

Ý thức tiết kiệm điện đã thay đổi

Thưa ông, sau Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 5/2023, ý thức về vấn đề này đã chuyển biến ra sao?

- Chúng tôi đánh giá, sau khi có Hội nghị phát động tiết kiệm điện (TKĐ) toàn quốc thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có thay đổi nhận thức rất lớn về vai trò TKĐ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng. Chúng tôi đã thấy được sự đồng thuận và hưởng ứng rất mạnh mẽ của các địa phương, đặc biệt sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị 20/CT-Ttg năm 2023 về tăng cường TKĐ giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

Cụ thể là các địa phương đã ban hành ngay những chỉ thị, những công văn hướng dẫn thực hiện việc TKĐ, như cơ quan công sở, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, rồi các khối chiếu sáng đô thị, chiếu sáng giao thông, quảng cáo… rồi tiêu thụ gia đình cũng như chiếu sáng trong các khu dân cư.

Về mặt ý thức, các địa phương đã làm rất tốt. Hy vọng là trong tháng 7 hoặc tháng 8 thì tất cả 63 tỉnh, thành phố đều ban hành được kế hoạch thực hiện chỉ thị TKĐ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các tỉnh lập kế hoạch để thực hiện bằng những quy định cụ thể về khen thưởng, kỷ luật. Bởi trong chỉ thị của Thủ tướng cũng đã nêu rất rõ, đối với các cơ quan, công sở thì phải ban hành các quy chế, nội quy về TKĐ và có quy định trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân, các đơn vị. Ngoài ra còn đưa công tác khen thưởng, kỷ luật về TKĐ vào trong quy chế này.

Trước đây chúng ta đưa ra nhiều biện pháp nhưng chỉ mang tính khuyến khích, chế tài ít, các giải pháp bắt buộc cũng ít. Sắp tới theo xu hướng chung, chúng ta có thể đẩy mạnh tuân thủ một cách mạnh mẽ hơn quy định tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chúng ta phải làm theo hướng chế tài mạnh, nghiêm minh hơn.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, các đối tượng sử dụng điện như người dân, các cơ quan, công sở, DN cũng đã nâng cao ý thức TKĐ trong bối cảnh bị tiết giảm điện trong một số tuần trong giai đoạn tháng 5 - tháng 6. Hiện người dân và DN đã ý thức được rằng nếu cùng nhau sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả cũng sẽ giảm được nguy cơ bị mất điện. Đây là việc phải làm trong bối cảnh bất ổn và khó lường hiện nay của thị trường năng lượng thế giới.

Ông có thể dẫn chứng một vài điển hình về thực hiện TKĐ trong giai đoạn cung ứng điện khó khăn vừa qua?

- Một số điển hình tôi có thể nêu ra đây là các địa phương đều có chỉ đạo công ty chiếu sáng đô thị giảm công suất của hệ thống đèn giao thông, nhất là từ sau 22 giờ đêm mà vẫn bảo đảm an ninh cho các đô thị, đồng thời bảo đảm giảm công suất ít nhất 50%. Chúng tôi thấy rằng, rất nhiều thành phố hiện đã lắp các hệ thống đèn có điều khiển trung tâm, tức là cho phép điều chỉnh nhiều nấc và cho phép sử dụng điện một cách linh hoạt và thông minh. Giải pháp chiếu sáng này cần phải đẩy mạnh trong các giai đoạn tới khi chúng ta đặt mục tiêu xây dựng được các thành phố thông minh và hiệu quả năng lượng trong tương lai.

Nhiều DN sử dụng năng lượng trọng điểm đã áp dụng các giải pháp như điều chỉnh phụ tải, qua đó giúp tiết giảm được hàng nghìn MW điện vào giờ cao điểm. Ngoài ra, các DN này cũng chủ động thực hiện TKĐ với giải pháp cung ứng điện tại chỗ từ các nguồn năng lượng tái tạo, giúp giảm được sử dụng điện. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, chúng ta vẫn còn rất nhiều tiềm năng để áp dụng các giải pháp TKĐ, nhất là trong khu vực công nghiệp.

Đẩy mạnh lắp đặt các hệ thống thu hồi nhiệt thừa

Vậy theo ông cần thực hiện các giải pháp nào để hiện thực hóa tiềm năng TKĐ trong lĩnh vực công nghiệp?

- Một trong những giải pháp mà chúng tôi thấy cần phải đẩy mạnh trong giai đoạn sắp tới là thực hiện lắp đặt các hệ thống thu hồi nhiệt thừa tại các nhà máy công nghiệp, nhà máy thép, nhà máy xi măng. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng để TKĐ, tiết kiệm năng lượng (TKNL) thông qua việc sử dụng lại nguồn nhiệt thừa. Đáng nhẽ nguồn này sẽ phải thải ra môi trường nhưng chúng ta có thể tái sử dụng các nguồn nhiệt này để phát điện hoặc để sử dụng phụ tải điện tại chỗ.

Trong các năm tới, trong các hoạt động của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chúng tôi sẽ hỗ trợ cho các địa phương, DN trong việc giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến, nhất là những công nghệ mới như thu hồi nhiệt thừa để tăng cường sử dụng điện năng tại chỗ. Từ đó giúp chia sẻ được gánh nặng cung ứng điện với hệ thống điện quốc gia, bảo đảm được an ninh năng lượng và cấp điện trong các năm sắp tới.

Thưa ông, để đầu tư công nghệ thu hồi nhiệt thừa thì nguồn kinh phí ra sao và có gây khó khăn cho DN không?

- Đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt thừa là đầu tư tương đối lớn, do đó các DN cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu xếp vốn đầu tư, đặc biệt là nhiều DN còn chưa tự tin vào công nghệ thu hồi nhiệt thừa hoặc là do dự trong việc áp dụng các công nghệ này. Tuy nhiên, Văn phòng TKNL có thể thông qua kinh nghiệm của mình cũng như nguồn lực từ ngân sách nhà nước hoặc các dự án hỗ trợ kỹ thuật có thể cung cấp và hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế để tư vấn cho các DN mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong việc áp dụng công nghệ mới này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang có những dự án hỗ trợ kỹ thuật như dự án thúc đẩy TKNL trong ngành công nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện. Dự án này thiết lập một quỹ chia sẻ rủi ro với quy mô 75 triệu USD, có thể hỗ trợ bảo lãnh vốn vay cho các DN, mức bảo lãnh có thể lên đến 50%.

Các nhà máy xi măng cần sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt thải để TKNL. (Nguồn: Internet)
Các nhà máy xi măng cần sử dụng công nghệ thu hồi nhiệt thải để TKNL. (Nguồn: Internet)

Ví dụ như DN đầu tư 10 triệu USD để xây dựng hệ thống thu hồi nhiệt thừa cho phát điện tại nhà máy xi măng thì DN có thể được quỹ bảo lãnh đến 5 triệu USD cho khoản vay ngân hàng. Thông qua quỹ này chúng tôi hy vọng sẽ giúp cho DN giảm được khó khăn về việc tìm kiếm các nguồn vốn vay cũng như giảm áp lực về bảo lãnh cho khoản vay và ngân hàng cũng thấy sẽ giảm được rủi ro khi cho các DN vay đầu tư vào TKNL.

Chúng tôi cũng hy vọng là dự án này sẽ giúp cho chúng ta có thể đẩy mạnh, mở rộng phạm vi đầu tư vào các giải pháp TKNL cho DN công nghiệp. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật cho DN xây dựng báo cáo đầu tư như đánh giá về tiềm năng TKNL và kiểm toán năng lượng.

Chúng tôi rất kỳ vọng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cùng các dự án ODA do Văn phòng TKNL Việt Nam thực hiện sẽ giúp được cho chúng ta đẩy mạnh được giải pháp TKĐ, TKNL.

Theo phản ánh của DN, họ gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư TKNL. Vậy theo ông, có cách nào để nhu cầu của DN và sự sẵn sàng trong việc hỗ trợ DN thực hiện TKNL của Bộ Công Thương có thể gặp được nhau, để DN có thể có động lực hơn trong việc đầu tư TKNL?

- Nhu cầu của DN thì rất lớn và DN mong ước cũng rất nhiều nhưng nguồn lực từ ngân sách nhà nước rõ ràng còn hạn chế. Khi xây dựng cơ chế để hỗ trợ cho DN, chúng tôi rất cẩn trọng, rất phân vân trong việc lựa chọn hình thức hỗ trợ để tìm kiếm giải pháp TKNL đủ khả thi cho DN triển khai và cũng không quá sức với ngân sách nhà nước.

Trước mắt chúng tôi sẽ phân loại các giải pháp TKNL từ mức đầu tư lớn, đầu tư trung bình và đầu tư nhỏ cũng như nhu cầu của các DN theo quy mô DN vừa và nhỏ, DN quy mô trung bình và quy mô lớn. Từ đó thiết kế được chương trình, dự án, mức hỗ trợ khác nhau.

Nhu cầu của DN thì rất lớn và DN mong ước cũng rất nhiều nhưng nguồn lực từ ngân sách nhà nước rõ ràng còn hạn chế. Khi xây dựng cơ chế để hỗ trợ cho DN, chúng tôi rất cẩn trọng, rất phân vân trong việc lựa chọn hình thức hỗ trợ nào để tìm kiếm giải pháp TKNL đủ khả thi cho DN triển khai và cũng không quá sức với ngân sách nhà nước.

Tôi lấy ví dụ như mức hỗ trợ thường xuyên nhất là hỗ trợ kỹ thuật, nghĩa là DN muốn đầu tư một dự án TKNL, chúng tôi có thể hỗ trợ về kiểm toán năng lượng, qua đó xác định giải pháp TKNL khả thi, sau đó có thể thông qua dự án ODA để hỗ trợ kỹ thuật cho DN viết báo cáo đầu tư hoặc thông qua quỹ bảo vệ chia sẻ rủi ro để hướng dẫn cho DN tiếp cận ngân hàng.

Chúng tôi mong muốn xây dựng được nhiều công cụ hỗ trợ. Về mặt lâu dài chúng tôi muốn xây dựng được một quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tiền đề quỹ này đã được đưa vào trong Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Hiện nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc đều có quỹ ưu đãi như cho vay ưu đãi, hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, qua đó cung cấp đúng nhu cầu của các đối tượng sử dụng năng lượng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm