Gỡ vướng chính sách cho kinh doanh và tiêu dùng xanh

(PLVN) - Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và tiêu dùng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của sự phát triển bền vững.
Xu hướng kinh doanh và tiêu dùng xanh ngày càng được doanh nghiệp và người dân quan tâm. (Ảnh minh họa - Nguồn: VGP)

Khi tiêu chí bền vững trở thành thước đo

Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam đã đặt ra cam kết từng bước giảm lượng khí thải nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net-zero) vào năm 2050. Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam đã và đang áp dụng mô hình phát triển kinh tế bền vững, chú trọng đổi mới mô hình kinh doanh và tiêu dùng theo hướng xanh. Điều này không chỉ phù hợp với bối cảnh mới mà còn giúp Việt Nam sẵn sàng đón nhận cơ hội tài chính xanh.

Đây cũng là nhận định được đưa ra tại “Hội thảo doanh nghiệp về Chuyển đổi xanh, Tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD - VCCI), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức mới đây. Diễn đàn doanh nghiệp lần này đã chia sẻ đến các đại biểu những thông tin cập nhật mới nhất về các chính sách giảm phát thải khí nhà kính hiện hành và kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu “Net-zero” cũng như thảo luận về các cơ hội cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Tiến Huy, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, VCCI, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã trở thành điều kiện cần và đủ để chính mỗi doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.

Trong thời gian qua, các nhà quản lý doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã cho thấy rõ vai trò và minh chứng cụ thể về những nỗ lực liên tục của cả cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm việc quản lý khử carbon, các thực hành và công nghệ mới được áp dụng cũng như những kết quả tiến bộ đã đạt được cho đến nay. Một số doanh nghiệp lớn như: Vinamilk, Vinfast, Nestle, HSBC, Unilever, Intel, Nike, Adidas, Epson, Coca-Cola..., đã tham gia thực hiện mục tiêu phát thải bằng “0”. Nhờ đó các doanh nghiệp này đã bắt kịp với các yêu cầu quốc tế về giảm phát thải, cũng như sẵn sàng thực hiện chính sách của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, bên cạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà sản xuất thì còn trách nhiệm của người tiêu dùng trong việc tiêu dùng xanh. Tại Việt Nam, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tiêu dùng thông minh, bền vững, cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm. Đây chính là động lực để quá trình sản xuất chuyển hướng xanh nhanh hơn; hướng đến một nền kinh tế xanh, bền vững, đặc biệt là giảm dấu chân carbon.

Cấp bách hoàn thiện hành lang pháp lý “Net-zero”

Thời gian qua, có thể thấy nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm tạo lập môi trường chính sách thuận lợi hơn, với các quy định hướng dẫn giảm phát thải khí nhà kính đang tiếp tục được cập nhật, cũng như tình hình quốc tế đang diễn ra hết sức năng động, các triển vọng trong tương lai, đồng thời cho thấy nỗ lực của khối doanh nghiệp trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua các ví dụ điển hình cụ thể. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội còn có thách thức, một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp trong quá trình triển khai, mở rộng những sáng kiến thực hiện mục tiêu “Net-zero” là chưa có nhiều cơ chế và quy định phù hợp với đặc thù ngành. Nhiều doanh nghiệp nhận thấy bản thân chưa có định hướng, chưa có khả năng mở rộng quy mô chuyển đổi xanh do gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề pháp lý, dù đã nhận thấy cơ hội tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới phù hợp với xu thế.

Trước thách thức trên, các chuyên gia cho rằng việc hoàn thiện hành lang pháp lý là cần thiết nhưng cần phải có thời gian. Khi đưa ra một chính sách đến các doanh nghiệp cần thông qua rất nhiều các quy trình xử lý ý kiến, đánh giá tác động chính sách, đánh giá thủ tục hành chính. Bởi nếu không đánh giá kỹ càng, người thiệt cuối cùng là doanh nghiệp và người chịu trách nhiệm là các Bộ, ngành.

Hiện nay, cam kết “Net-zero”, các Luật Bảo vệ môi trường thông qua những quy định liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính hay các định hướng như Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu chính là những văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên được đưa ra. Song song với đó đã và đang tồn tại một số chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cho kinh doanh và tiêu dùng xanh.

Nhưng liệu các chính sách đó có phù hợp, hiệu quả hay chưa và cần phải mở rộng như nào thì Chính phủ cần nhìn vào nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cần trao đổi, chia sẻ tâm tư, ý kiến cũng như đóng góp kiến nghị của mình trong việc xây dựng và hoàn thiện chính chính sách, pháp luật, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ cho phát triển bền vững doanh nghiệp.

Số liệu khảo sát của VCCI thực hiện với trên 10 nghìn doanh nghiệp trong cả nước cho thấy, 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.

Đọc thêm