Góc khuất Nhật Bản trong “cơn bão” Covid-19

(PLVN) - Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% và mạng lưới an sinh xã hội vững chắc, Nhật Bản thể hiện khả năng chống chọi tốt với thảm họa kinh tế do đại dịch gây ra. Nhưng các nhà vận động cho hay những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nhật vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, còn số liệu thống kê không phản ánh chính xác tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như những công việc thời vụ thu nhập thấp.
Người dân đeo khẩu trang phòng Covid-19 trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.
Người dân đeo khẩu trang phòng Covid-19 trên đường phố Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Hiện tượng “kodokishi”

Giữa tháng 12/2020, cảnh sát tới kiểm tra căn hộ ở quận Minato, thành phố Osaka, Nhật Bản và phát hiện thi thể đang phân hủy của hai mẹ con. Tủ lạnh của họ không còn chút thực phẩm nào, nhà đã bị cắt nước, cắt gas và trong ví của người mẹ già chỉ còn vỏn vẹn 13 yen.

Cảnh sát cho hay hai nạn nhân đã tử vong nhiều tháng và họ chỉ tới căn hộ kiểm tra sau khi nhận tin báo từ em gái của người phụ nữ già về việc chị mình không liên lạc gì trong thời gian dài. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy họ chết do suy dinh dưỡng, người mẹ chỉ nặng khoảng 30kg khi qua đời.

Tờ Mainichi đưa tin hai người phụ nữ đã sống trong căn hộ này khoảng 10 năm và ban đầu rất tích cực tham gia cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, đầu năm nay, người con nghỉ việc. Họ thú nhận với bạn bè rằng không còn tiền và đang sống nhờ tiền hỗ trợ từ họ hàng.

Theo giới chức Osaka, cả hai mẹ con đều không nộp đơn xin hay nhận được trợ cấp xã hội, nghĩa là hoàn cảnh của họ không được văn phòng phúc lợi địa phương biết tới.

Hai mẹ con không thanh toán tiền mua báo đúng hạn, nên nhân viên bán báo địa phương nhiều lần tới nhà hỏi thăm, nhưng họ không mở cửa. Họ cuối cùng không trả hóa đơn nước, nên bị cắt nước từ giữa tháng 11. Cái chết của hai mẹ con khiến nhiều người Nhật bàng hoàng. 

Hiện tượng kodokishi, tức những người chết một mình và không được phát hiện, lần đầu tiên được xác định ở Nhật Bản vào những năm 1980, dù có một số bằng chứng cho thấy hiện tượng này đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi hầu hết các gia đình hạt nhân không còn tồn tại và nhiều người sống một mình.

Các trung tâm hỗ trợ khắp Nhật Bản gần đây nhận được nhiều yêu cầu hỗ trợ từ những người đối mặt với đói nghèo, dường như do đại dịch Covid-19. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết có hơn 390.000 trường hợp xin tư vấn đã được ghi nhận tại các trung tâm từ tháng 4 đến tháng 9, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái.

Những người đang gặp khó khăn có thể được hướng dẫn cách làm đơn xin trợ cấp chính phủ do mất thu nhập hoặc xin hỗ trợ về y tế. Một số trung tâm còn tư vấn về cơ hội việc, dù tương đối hiếm, trong khi các chính quyền địa phương còn phân phát các gói thực phẩm. Người vô gia cư, nhất là các gia đình, còn được chính quyền bố trí lưu trú tại các khách sạn.

Các trung tâm hỗ trợ ghi nhận lượng người xin tư vấn cao nhất là 95.000 trường hợp hồi tháng 4, dường như do mất việc làm và thu nhập giảm vì đại dịch, nhưng con số này đã giảm xuống còn khoảng 40.000 vào tháng 7. Tuy nhiên, các cơ quan phúc lợi cảnh báo rằng con số một lần nữa đang tăng lên khi số ca nhiễm Covid-19 ở nước này vượt ngưỡng 200.000.

Những người dễ bị “tổn thương”

Với tỷ lệ thất nghiệp dưới 3% và mạng lưới an sinh xã hội vững chắc, Nhật Bản thể hiện khả năng chống chọi tốt với thảm họa kinh tế do đại dịch gây ra. Nhưng các nhà vận động cho hay những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Nhật vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, còn số liệu thống kê không phản ánh chính xác tỷ lệ thất nghiệp cao cũng như những công việc thời vụ thu nhập thấp.

"Đại dịch cùng tình trạng thất nghiệp gia tăng và tiền lương sụt giảm đã ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động nghèo, những người vốn đã phải “giật gấu vá vai” từ trước", Ren Ohnishi, người đứng đầu Trung tâm Hỗ trợ Sinh kế Độc lập Moyai, một nhóm chống đói nghèo nói.

Khoảng 40% người lao động đang làm những công việc "không thường xuyên" với đồng lương thấp và dễ bị cắt hợp đồng. Nhiều người cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với phúc lợi xã hội.

Yuichiro cho hay phải đi hết văn phòng này tới văn phòng khác của chính phủ để xin trợ cấp, nhưng cuối cùng lại được thông báo rằng hỗ trợ chỉ dành cho trẻ em.

"Nhưng có rất nhiều người lớn không có gì để ăn", ông nói.

Hơn 10 triệu người Nhật Bản sống với mức thu nhập dưới 19.000 USD một năm, trong khi cứ 6 người thì một người sống trong tình trạng "tương đối nghèo" với mức thu nhập thấp hơn một nửa so với mức trung bình cả nước.

Các nhà kinh tế cho hay nửa triệu người Nhật Bản đã mất việc làm trong 6 tháng qua, còn các nhà vận động cho rằng làn sóng ảnh hưởng đang lan rộng.

Khoảng 250 người xếp hàng dài tại quận Ikeburo để nhận thức ăn, quần áo, túi ngủ và trợ giúp y tế từ đội tình nguyện của Tenohasi. Nhóm cũng đưa ra tư vấn miễn phí về tìm việc làm và các chương trình hỗ trợ của chính phủ.

"Nhiều người đang phải vật lộn mưu sinh trước khi Covid-19 bùng phát. Họ vốn đã căng như dây đàn và giờ sợi dây đã đứt", anh nói.

Các chuyên gia cảnh báo vết thương kinh tế có thể góp phần làm tăng tỷ lệ tự tử đang gia tăng từ cuối năm ngoái ở Nhật. Theo Taro Saito, chuyên gia Viện Nghiên cứu NLI, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản tăng 1%,nghĩa là có thêm khoảng 3.000 vụ tự tử mỗi năm. 

Đặc biệt là phụ nữ, nhưng người đang đối mặt khó khăn kinh tế do đa số làm việc theo hợp đồng ngắn hạn trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng và khách sạn, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Các chuyên gia cho hay, phụ nữ thường ngại ngần tìm kiếm sự giúp đỡ hoặc ngại gia nhập cùng đàn ông đứng xếp hàng chờ thực phẩm cứu trợ. Tuy nhiên, họ nhận thấy số lượng phụ nữ và mẹ mang theo con nhỏ tại các sự kiện hỗ trợ cộng đồng đang ngày càng nhiều.

Seino cho biết chưa tới 20% những người được ông giúp đỡ là phụ nữ, nhưng ông tin rằng "vẫn còn rất nhiều người" chưa xuất hiện. "Một số phụ nữ cảm thấy con cái không thể ngẩng cao đầu bước đi nếu họ xin trợ cấp", ông nói.

Trong khi số liệu thống kê cho thấy lượng đơn xin nhà nước trợ cấp ngày càng tăng, Ohnishi cho hay sự xấu hổ và kỳ thị khi phải xin trợ cấp khiến nhiều người miễn cưỡng tìm giúp đỡ.

"Bản thân hệ thống có quy tắc là ưu tiên trợ giúp người có gia đình trước. Vì vậy, gia đình sẽ nhận được thông báo như “con trai bà đang nộp đơn xin phúc lợi xã hội”, Ohnishi nói. "Đây là hệ thống đặc thù văn hóa Nhật Bản. Mọi người đều có quyền hợp pháp sử dụng nó. Nhưng xã hội lại không nhất thiết chấp nhận điều này".

Các nhà vận động thừa nhận quy mô nghèo đói ở Nhật Bản thấp hơn nhiều nước khác, nhưng điều này nghĩa là những người đang chật vật tìm cách no bụng và tìm một chỗ ngủ ấm áp có rất ít trợ giúp.

Tỷ lệ tự tử trong nhóm phụ nữ trẻ tuổi ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng đáng kể, nhiều người cho rằng tình trạng này liên quan tới Covid-19.

Tổng số vụ tự tử tại Nhật hồi tháng 10 là 2.153, con số hàng tháng cao nhất trong hơn 5 năm qua. Tỷ lệ này gia tăng nhiều hơn ở phụ nữ.

Từ tháng 7 đến tháng 10, ít nhất 2.810 phụ nữ Nhật đã tự tử, cao hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu sơ bộ theo nhóm tuổi cho thấy mức tăng số ca tự tử mạnh nhất ở những người dưới 29 tuổi.

Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử còn cao hơn Nhật Bản, với số trường hợp tử vong do tự tử đạt đỉnh điểm gần 16.000 vụ vào năm 2011. Số vụ tự tử trong năm nay nhìn chung giảm, song số phụ nữ ngoài 20 tuổi tự tìm đến cái chết trong nửa đầu năm lại tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai trong số ít quốc gia công bố dữ liệu cập nhật về số người tự tử. Chuyên gia lo ngại xu hướng số vụ tự tử gia tăng đáng chú ý ở hai nước này có thể là tín hiệu cảnh báo sớm cho phần còn lại của thế giới, khi đại dịch Covid-19 và các lệnh phong tỏa đang tác động không nhỏ đến sức khỏe tâm thần con người.

Hiện chưa có nghiên cứu toàn cầu nào giúp trả lời câu hỏi liệu đại dịch có khiến số ca tự tử tăng cao hơn hay không hoặc nó có thể ảnh hưởng tới các nhóm tuổi và giới tính khác nhau như thế nào.

Nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thực hiện cho thấy 1/10 số người được hỏi từng nghĩ đến việc tự tử trong tháng 10/2020, cao gấp đôi tỷ lệ ghi nhận được hồi năm 2018. 1/4 trong nhóm này là những người trong độ tuổi từ 18 đến 24. Cũng có một số bằng chứng cho thấy tỷ lệ tự tử của quân nhân Mỹ đang tăng.

Tại Anh, một nghiên cứu được công bố hồi tháng 10 bởi Tạp chí Tâm thần Anh cho thấy suy nghĩ tự tử đã gia tăng trong 6 tuần áp dụng lệnh phong tỏa chống Covid-19. Phụ nữ và thanh niên là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Tại Nhật, thanh niên và phụ nữ trẻ gần đây liên tục liên lạc tới các đường dây nóng trợ giúp ngăn chặn tự tử và kêu gọi giúp đỡ trên Twitter cùng hàng loạt diễn đàn trực tuyến khác.

Tại Hàn Quốc, tỷ lệ tử vong ở thủ đô Seoul đã tăng 4,8% trong nửa đầu năm 2020. Theo Joo Ji-young, Phó Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa Tự tử Seoul, "một tác dụng phụ không thể tránh khỏi của cách biệt cộng đồng là nó nới rộng “khoảng cách tâm lý” giữa mọi người với nhau". Giám đốc Trung tâm Paik Jong-woo nhấn mạnh sự thiếu kết nối giữa con người với nhau là mối đe dọa đối với sức khỏe tâm thần nói chung nhưng phụ nữ "thường chịu gánh nặng lớn hơn bởi họ phải đối mặt tình trạng công việc bấp bênh hơn so với đàn ông và áp lực chăm sóc con cái".

Đọc thêm