Cùng thời điểm này 5 năm trước, 3 học sinh và 1 giáo viên đã bị sát hại bên ngoài trường học của người Do Thái Otzar Hatorah tại Toulouse (Pháp).
Mối lo có thật
Vụ tấn công ở London diễn ra một ngày sau cái chết của Martin McGuinness, cựu Phó Thủ hiến Bắc Ireland. Ông là người đã lãnh đạo nhóm vũ trang khét tiếng theo chủ nghĩa dân tộc của Ireland mang tên Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA), và trở thành “kiến trúc sư” của thỏa thuận hòa bình Ngày thứ Sáu tốt lành năm 1998, mà theo đó IRA cam kết giải thể và tiếp tục đấu tranh chống lại sự cầm quyền của Anh ở Bắc Irealnad bằng các biện pháp phi bạo lực.
Vụ tấn công ngày 22/3 là lời nhắc nhở rằng Anh, cũng như phần còn lại của phương Tây, đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố rất khác biệt so với những gì họ đã chứng kiến trong những thập niên cuối thế kỷ XX. Danh tính kẻ tấn công vẫn chưa được xác định, nhưng chi tiết vụ việc một lần nữa cho thấy sự khó khăn của lực lượng an ninh phương Tây trong việc đối phó với các kẻ tấn công được truyền cảm hứng, và đôi lúc được chỉ đạo, bởi các tổ chức thánh chiến như IS và al-Qaeda.
Cho dù kẻ tấn công này được phát hiện danh tính đi chăng nữa, thì hắn cũng chỉ là một trong số hàng nghìn công dân Anh bị tình nghi liên quan đến các hoạt động khủng bố. Việc giám sát tất cả các kẻ tình nghi đòi hỏi việc sử dụng thêm nhiều nguồn thông tin cũng như thay đổi mô hình thu thập tin tức tình báo và thậm chí kéo theo sự thay đổi về luật pháp.
Làm sao ngăn chặn?
Hiện có nhiều điểm khác biệt, cũng như tương đồng, giữa các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở châu Âu. Vụ tấn công năm ngoái ở Brussels, cũng như vụ tấn công diễn ra vài tháng trước đó ở Paris, được tiến hành bởi chi nhánh của IS với một loạt các vũ khí và chất gây nổ.
Tại Anh, nơi có luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ và là nơi có lực lượng an ninh chuyên nghiệp nhất châu Âu, vụ tấn công kiểu như vậy sẽ rất khó để tiến hành. Kể từ sau các cuộc tấn công phương tiện giao thông công cộng ở London hồi tháng 7/2005, hàng chục âm mưu tấn công đã bị ngăn chặn ở Anh hàng năm. Vụ tấn công bằng dao bởi một “con sói đơn độc” thường có khả năng xảy ra hơn.
Nghịch lý ở đây là vụ tấn công ở London xảy ra chỉ một ngày sau khi Mỹ và Anh tuyên bố rằng các hành khách trong danh sách các nước Hồi giáo sẽ không được mang lên máy bay laptop hay máy tính bảng vì lo sợ rằng chúng được ngụy trang cho các thiết bị nổ. Một lần nữa, vụ việc này cho thấy không cần tới một quả bom được chế tạo tinh vi để tiến hành một vụ tấn công lớn ở trung tâm thủ đô một quốc gia châu Âu.
Vụ tấn công hôm 22/3 còn làm gia tăng mâu thuẫn giữa những người cho rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ giúp họ kiểm soát biên giới tốt hơn và những người lo sợ rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ ảnh hưởng đến hợp tác và chia sẻ tình báo giữa các cơ quan an ninh của châu Âu.
Cho dù thế nào đi chăng nữa, việc này sẽ không giúp nhiều cho Anh trong các hoạt động ngăn chặn các vụ khủng bố được tiến hành bởi các công dân bị cực đoan hóa. Vấn đề tiến thoái lưỡng nan ở đây là chính phủ Anh sẽ sẵn sàng tước đi những quyền tự do nào của các công dân Anh để cung cấp cho các cơ quan an ninh các công cụ để ngăn chặn các vụ tấn công hơn nữa?.