Bạo lực học đường và giọt nước tràn ly

(PLVN) - Thưa các bạn, vụ “bạo lực học đường” đã và đang làm “nổi sóng” dư luận sẽ có “hồi kết” có hậu. Tin mới nhất, hôm 30/3, UBND tỉnh Hưng Yên đã có công văn hỏa tốc gửi các đơn vị chức năng liên quan, yêu cầu tích cực vào cuộc để giải quyết vụ việc.
Hình minh họa
Hình minh họa

UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các sở: Giáo dục, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và Công an tỉnh cùng UBND huyện Ân Thi tích cực vào cuộc để giải quyết vụ việc. Cụ thể, chính quyền tỉnh này yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND huyện Ân Thi tập trung triển khai ngay các giải pháp để ổn định tình hình, sớm làm rõ trách nhiệm của tập thể và các cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc tại Phù Ủng.

“Xử lý nghiêm túc, sai đến đâu xử đến đó theo quy định nhằm bảo vệ kỷ cương, nền nếp trong các trường học và ổn định về mặt tâm lý để giáo viên và học sinh yên tâm học tập” – thái độ của chính quyền Hưng Yên. 

Thưa các bạn, vụ “bạo lực học đường” ở Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) chỉ là “giọt nước tràn ly”. Nếu vào Google gõ cụm từ đó, trong 0,30 giây sẽ cho 104.000.000 kết quả. Bạo lực trong trường học đã trở thành nỗi “ám ảnh” của không chỉ học sinh mà cả phụ huynh. Ai dám chắc con cháu mình đi học không “bị đánh”, thậm chí đánh “hội đồng”. 

Theo số liệu thống kê tại Hội thảo “Bạo lực học đường - thực trạng và giải pháp” do Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức cách đây 2 năm (vào năm 2017), mỗi năm toàn quốc xảy ra khoảng gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trung bình mỗi ngày có 5 vụ học sinh đánh nhau. Cũng theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH) so với 10 năm trước số vụ bạo hành tại trường học hiện đã tăng gấp 13 lần.

Những số liệu này cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối tại mọi cấp học, lớp học với mức độ gia tăng ngày càng cao và hậu quả ngày càng lớn.

Người viết bài này đã từng xem nhiều bài, nhiều clip trên báo chí cũng như mạng xã hội nhưng vụ đánh bạn theo “hội chứng” ở Trường THCS Phù Ủng thì đã đến giới hạn cuối cùng của sự dã man. Đấm, đá, giật tóc, “song phi” theo kiểu “hủy diệt” trong thời gian dài.

Chúng ta – người lớn hay “quen mồm” đổ lỗi cho những “thảm họa” này là “cơ chế thị trường” một cách vô cảm. Thưa, lỗi ở ở chính người lớn, đang tạo ra “vòng quay” ấy với tất cả tích cực và tiêu cực phát sinh. Rõ ràng, để kiểm soát được, tiếng tới ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Không có “xã hội chung chung” mà trước hết phải là những ông/bà trong Ban giám hiệu, cô/thầy chủ nhiệm lớp và phụ huynh các em.

Chúng ta hay “lý thuyết” rằng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 “môi trường”: Nhà trường, gia đình và xã hội; tuy nhiên, nói mãi thành “nhàm”. Trong thực tế, hãy cách chức, giáng chức, cho thôi việc thành viên Ban Giám hiệu và chủ nhiệm lớp nào để xảy ra bạo lực trường học. Bố trí camera trong các lớp học để theo dõi và xử lý kịp thời “bạo lực học đường”. 

Đọc thêm