Cuộc chiến với cái giả

(PLVN) - Vụ bắt đại gia xăng dầu đang gây chấn động dư luận, người ta quan tâm đến việc sau khi phanh phui đường dây sản xuất chế biến xăng giả quy mô rất lớn này thì ai là người tiếp tay tiêu thụ nó và các cơ quan chức năng kiểm định hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng ở đâu.
Hình minh họa
Hình minh họa

Tác hại mà xăng giả gây ra đã rõ, nhiều xe bất ngờ bị bốc cháy, chết máy, khó khởi động,... và các tác hại âm thầm phá hỏng dần dần động cơ xe. Đại gia thu lãi hàng trăm tỷ nhưng thiệt hại gây ra cho xã hội lớn hơn con số đó rất nhiều.

Phá vỡ đường dây làm ăn bất chính này, buộc những kẻ vi phạm pháp luật, ăn trên lưng tài sản và tính mạng người tiêu dùng phải trả giá, tất được người dân ủng hộ và đó chính là niềm tin vào chính quyền biết bảo vệ họ.

Rất nhiều thứ hàng hóa giả đủ mọi chủng loại đang chiếm một thị phần rất lớn tại nước ta. Ngoài ra, có những thứ không ai nghi ngờ bị làm giả nhưng nó vẫn hiện diện, ví dụ, tại TP HCM vừa bắt quả tang một nhà sản xuất cùng các cộng sự với lô hàng trị giá 6 tỷ bao cao su và gel bôi trơn giả. Một số lượng lớn như vậy hẳn có một mạng lưới tiêu thụ rộng khắp với những kẻ tiếp tay, biết rõ là giả nhưng vẫn bán cho những người tiêu dùng ngây thơ và theo thói quen ngượng ngập không bao giờ kiểm tra kỹ thứ hàng hóa này.

Nhân các vụ hàng giả bị phanh phui, người ta chợt nhớ vụ Khaisilk với mớ lụa Tàu giả hàng Việt Nam giờ không biết đã xử lý đến đâu rồi? Chúng ta lại vừa kỷ niệm 10 năm Cuộc vận động "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" mà vụ này bị "chìm xuồng" thì rõ ràng làm giảm đi ít nhiều ý nghĩa của cuộc vận động này.

Không chỉ hàng giả, còn một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, tỏ rõ thái độ của cả xã hội với thói đạo đức giả, học vấn giả, chức vị giả, thuốc chữa bệnh giả..., và thậm chí cả chùa giả. Một trong những cuộc chiến đó thể hiện bằng vụ việc cụ thể là quá trình đấu tranh, phát hiện và đưa ra ánh sáng vụ gian lận thi cử, nâng điểm tại kỳ thi THPT năm 2018.

Từ đó, dư luận nhận ra rằng không chỉ là gian lận thi cử để lấy điểm giả cao chót vót mà trong đó thể hiện thói đạo đức giả của các ông thầy, quan chức ngành Giáo dục, không chỉ xuất hiện những thủ khoa giả mà còn hứa hẹn chức vị giả trong tương lai. Khởi hành bằng con đường vô đạo đức thì đích đến dễ là sự đối xử vô lương với đồng bào và đồng loại của mình và cái giả này sẽ là tiền đề cho cái giả khác quy mô hơn. Nguy hại chính là ở chỗ đó, nó biến lý tưởng cao đẹp, tinh thần phụng sự đất nước thành ngôn từ rỗng tuyếch mà thôi!

Chống lại cái giả một cách hữu hiệu nhất xuất phát từ cái thật trong nhân cách mỗi con người! 

Đọc thêm