Từ Phó Chủ tịch UBND quận I, ông Hải được điều động giữ chức Phó Tổng Giám đốc một công ty, “tương đương Phó Giám đốc sở”, như vậy ông được thăng chức chứ không đơn giản chỉ là vị trí chuyển công tác. Song, cái cương vị mới này, theo ông, ông không có chuyên môn về lĩnh vực của mình phụ trách, e ngại không đảm trách được công việc được giao.
Sự điều động, bổ nhiệm cán bộ từ vị trí này sang vị trí khác là chuyện bình thường, không bình thường là người được điều động hoặc bổ nhiệm từ chối vị trí mới mà mình được phân công. Cái khác thường hơn cả không bình thường ở trường hợp ông Hải là ông từ chức và không yêu cầu giữ nguyên vị trí của mình, ông xin nghỉ luôn, trước mắt là 2 tháng không lương. Điều này đã xóa tan các dị nghị là động cơ từ chức của ông “không trong sáng”.
Tuy nhiên, việc từ chức của ông cũng không hề dễ dàng. Người ca ngợi ông có bản lĩnh, “của hiếm” trong thời buổi người ta ra sức “chạy chức”, “chạy quyền” nhưng cũng có người dè bỉu là ông “làm màu”, số này thì ít thôi. Đồng nghiệp và cấp trên của ông thì tỏ ra khó hiểu và cho rằng ông không tôn trọng tổ chức.
Có thể người ta cũng chẳng quan tâm lắm đến một anh cán bộ lãnh đạo chẳng có gì nổi bật nếu anh ta từ chức. Trường hợp của ông Hải, một cán bộ lãnh đạo quận dám hứa, dám làm, không ai đụng chạm, kiên quyết xử lý sai phạm, dù đối tượng sai phạm là ai hoặc của ai. Với một số người, ông là cái gai trong mắt họ, nhưng với số đông, ông được sự ủng hộ và cổ vũ nhiệt thành. Ngay cả việc xin từ chức của ông cũng nhận được không ít sự đồng tình của dư luận.
Dẫu sao, lý do xin từ chức của ông Hải cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ mà nhìn lại cái cách điều động và luân chuyển cán bộ. Cần có những tính toán hợp lý chứ không chỉ điều động và luân chuyển khiến cán bộ không phát huy được năng lực và làm ảnh hưởng đến hiệu quả lĩnh vực được phân công đảm nhiệm, rồi lại đổ cho là “tổ chức phân công”… là hòa cả làng.