Để Luật Tố cáo đi vào cuộc sống

(PLVN) - Thực sự là hy hữu, hiếm thấy trong đời sống pháp luật của nước ta khi những Cảnh sát giao thông (CSGT) đứng đơn tố giác các cán bộ cấp Đội, Phòng can thiệp trực tiếp vào cấp dưới đang thực hiện nhiệm vụ của mình.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Sự việc này xảy ra tại Đồng Nai và cũng không bất ngờ lắm khi trước đó đã có nhiều những ý kiến không hay hoặc hành động không đẹp, thậm chí vi phạm pháp luật từng xảy ra trong lực lượng CSGT tại địa phương này.

Hai sỹ quan CSGT tố giác cấp trên của họ can thiệp để “bỏ qua” cho những chiếc xe quá tải mà họ đang xử lý. Đơn tố giác kèm theo những bằng chứng rõ ràng từ những video clip quay tại hiện trường, ghi âm giọng nói cho thấy một sự can thiệp khá thô bạo nhưng cũng hết sức “tình cảm” như “gửi đội một tháng mấy triệu đó mà” hoặc “của sếp”, “gửi người nhà sếp”, “xe này chung rồi”,... và bao giờ cũng là lệnh: “Cho đi đi!”.

Rõ ràng, đây là hiện tượng “bảo kê” xe quá khổ, quá tải mà dư luận thường nhắc tới. Nhưng cái đáng chú ý hơn là mặc dù đơn tố giác đã gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật từ địa phương đến trung ương song những người có trách nhiệm hoặc liên quan ở chính đơn vị tố cáo thì lại “chưa thấy, chưa nhận được” và “báo chí phản ánh thì biết thế, sẽ xử lý đến nơi đến chốn”. Có vẻ chuyện này chẳng mấy nghiêm trọng, bị coi là sự thường, là chuyện thường ngày.

Không chỉ dừng lại ở việc tố giác hành vi “bảo kê” xe tải mà một Thiếu tá thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai còn đề nghị cơ quan điều tra làm rõ các khoản tiền trực lễ Tết, làm ca đêm, tiền ăn,... mà nhiều năm qua các cán bộ, chiến sỹ ở đây chỉ được ký mà không được nhận tiền. Số tiền bị ỉm đi đó ước tính trung bình hàng năm khoảng 5 tỷ đồng.

Trên thực tế, Luật Tố cáo chưa phát huy hết hiệu quả trong cuộc sống bởi những “rào cản” phi lý từ những người thực thi. Nhận rõ tình trạng này, các cơ quan lập pháp đã đề xuất những biện pháp tích cực nhằm khuyến khích những người tố cáo đúng, ví dụ như trao thưởng hoặc vinh danh họ.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này có những phi lý mà không bị chế tài, chẳng hạn như có trường hợp người bị tố cáo lại là người giải quyết đơn tố cáo, vì thế, việc người tố cáo bị vùi dập là chuyện khá phổ biến. Trông cái “gương” đó, người ta không dám tố cáo nữa và đó là một cách làm suy giảm hiệu lực của một Luật đã ban hành. Vụ tố giác của các sỹ quan CSGT Đồng Nai được giải quyết, xử lý triệt để sẽ là một tiền lệ tốt để pháp luật tố cáo đi vào cuộc sống.

Đọc thêm