Khởi động lại kinh tế

(PLVN) - Cuối tuần qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có Chỉ thị 19/CT-TTg về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chỉ thị nới lỏng các biện pháp hạn chế để phục vụ phòng, chống dịch đã thực hiện nhằm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh, nhất là tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn.

Đúng là phải khôi phục, bởi kinh tế bảo đảm sức sống của một đất nước, kinh tế là vì cuộc sống. Đây là giai đoạn mới, các ngành kinh tế phải tập trung, khẩn trương thúc đẩy việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu; chuẩn bị hàng hóa có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại; rà soát, bảo đảm nguồn cung và vận chuyển, cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.

Đây là giai đoạn phải kích hoạt thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có các biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng, nhất là thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ, đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống; dần từng bước mở lại du lịch nội địa. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng phương án khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch.

Đây cũng là giai đoạn phải triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội theo đúng Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Chính sách hỗ trợ chỉ nằm trên văn bản, rích rắc mãi không đến được người dân khó khăn thì không chỉ không giúp được dân mà còn ảnh hưởng lòng tin của dân với chính sách đúng.

Đây cũng là giai đoạn, các tổ chức chính trị- xã hội, đoàn thể khác phải phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường vận động nhân dân nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia phòng, chống dịch.

Covid-19 được kiểm soát và đẩy lùi nhưng chưa biết tới đây sẽ như thế nào. Cũng cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nhiều trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng không có triệu chứng lâm sàng hoặc những triệu chứng lâm sàng rất mờ nhạt, chỉ đau mỏi người, triệu chứng giống cảm cúm, dấu hiệu rất mơ hồ nên rất dễ bỏ qua.

Chính ông nêu quan điểm lo ngại “làn sóng thứ 2” đối với dịch. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đối mặt “làn sóng thứ 2” xâm nhập vào và tồn tại phát triển trong một cộng đồng mà chúng ta không biết được. Đến khi dịch xảy ra trên một diện rất lớn thì lúc đó mới phát hiện ra.

Tóm lại, phải kích hoạt kinh tế trên tinh thần cảnh giác cao độ. 

Đọc thêm