'Sáng kiến' gây băn khoăn của CSGT giữa dịch nCoV

(PLVN) - Giữa giai đoạn cả nước căng mình chống dịch, cuộc sống đảo lộn vì virus Corona, có một câu chuyện đáng chú ý tại Sóc Trăng. 
CSGT tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn tài xế thổi bong bóng, sau đó chuyển sang máy đo nồng độ cồn. Ảnh Thanh niên.
CSGT tỉnh Sóc Trăng hướng dẫn tài xế thổi bong bóng, sau đó chuyển sang máy đo nồng độ cồn. Ảnh Thanh niên.

Từ tối 4/2, khi tổ chức đo nồng độ cồn, Trạm Cảnh sát giao thông (CSGT) Mỹ Xuyên (Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng) không để tài xế thổi trực tiếp vào máy mà “kiểm tra gián tiếp”  bằng cách dùng bong bóng để tài xế thổi hơi vào, rồi chuyển sang máy đo.

Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng cho rằng phương pháp này không ảnh hưởng đến kết quả đo nồng độ cồn, vì cứ đủ hơi thì máy sẽ báo như khi thổi trực tiếp vào máy. Ống dùng để thổi vào bong bóng đã được sát khuẩn (ống thổi y tế) và chỉ dùng một lần, còn bong bóng thì sử dụng loại bong bóng thông thường.

“Đây chỉ là giải pháp được áp dụng thí điểm, xuất phát từ tình hình thực tiễn, đảm bảo yêu cầu của nghiệp vụ ngành, bước đầu nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Anh em nghĩ ra phương pháp này vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ vừa bảo đảm sức khỏe cho bà con”, Đại tá Khả nói.

“Cách mới” đo nồng độ cồn này của CSGT Sóc Trăng, theo ghi nhận, không bị người dân hay dư luận nào đánh giá là có động cơ nào khác, ngoài mục đích đảm bảo ngăn chặn “ma men” chạy xe, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ chiến sĩ CAND. Thế nhưng cũng không ít ý kiến băn khoăn trước “sáng kiến” ấy.

Ngay sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực, trước ý kiến hoài nghi ăn trái cây lên men có thể “dính” nồng độ cồn hay không, cán bộ có thẩm quyền của Cục CSGT (Bộ Công an) và Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã phải vào cuộc giải đáp ngọn ngành, khẳng định không có chuyện đó.

Vài ngày trước đây, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng, khuyến cáo của Bộ Y tế, Cục CSGT đã có công điện yêu cầu CSGT, công an các địa phương “bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế”. Không thấy nói đến giải pháp “thí điểm” hay “sáng kiến” nào khác.

Mức xử phạt cho tài xế uống rượu có thể lên tới 40 triệu đồng. Lấy ví dụ nếu có tài xế nào bị phạt chừng đó tiền theo cách đo “mới” này, liệu tài xế đó có tâm phục khẩu phục, có phát sinh khiếu nại rắc rối, với lý do “cách mới” này luật chưa quy định, cơ quan chức năng chưa hướng dẫn? Vì vậy, sự nhiệt tình trong công việc của Trạm CSGT Mỹ Xuyên rất đáng hoan nghênh, nhưng cũng cần xem xét lại cơ sở pháp lý của “cách làm mới” nêu trên. 

Đọc thêm