Những hình ảnh mang tính ẩn dụ cao
Vài năm trở lại đây, một số bộ phim điện ảnh đã được chiếu ở “trời Tây” mang về cho ngành điện ảnh Việt Nam một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, việc phim được chiếu tại nước ngoài và ghi dấu ấn với quốc tế là hai câu chuyện khác nhau. Nếu như bộ phim “In the mood for love” (Tâm trạng khi yêu), do Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc thủ vai đã nhận được nhiều đề cử tại Liên hoan Cannes hay bộ phim “Parasite” (Ký sinh trùng) của Hàn Quốc khi vừa ra mắt đã tạo được sự chú ý trên toàn thế giới thì phim điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài chỉ ở tầm trung, được công chiếu tại khu vực nhiều người Việt sinh sống và chưa được giới phê bình đánh giá cao.
Từ bộ phim “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng nhận đề cử Oscar năm 1993 đến nay, phim điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có nhiều khởi sắc trong những lễ trao giải lớn mang tầm cỡ quốc tế. Mặc dù phần lớn phim điện ảnh Việt mang đi dự thi là cái tên được nhiều khán giả trong nước biết đến như “Mắt biếc”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô Ba Sài Gòn”, “Hai Phượng” nhưng vẫn bị đánh giá là kịch bản cũ, không có yếu tố mới lạ, ấn tượng.
Có thể thấy, không ít phim Việt Nam hiện nay chỉ chú ý tới nội dung “ngoại hiện”, dễ thấy, dễ nắm bắt, mà quên mất yếu tố “ẩn dụ” trong nghệ thuật. Nghệ thuật dùng hình ảnh để nói về chiều sâu, góc khuất, mâu thuẫn của xã hội, nội tâm con người. Như đạo diễn hàng đầu thế giới Steven Spielberg có câu nói: “Tôi cố gắng sáng tạo lại con mắt của chính mình mỗi khi tôi đối mặt với một chủ đề mới”.
Tại Việt Nam, dù phim trường được đầu tư kỹ lưỡng, nhưng lại thiếu đi những góc máy tinh tế, tạo nên các “mật mã” để người xem đi tìm, giải đố các hình ảnh. Ví dụ, như bộ phim “Mắt biếc” dù sử dụng khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt, Huế tạo nên những thước phim lãng mạn, đẹp mắt. Thậm chí từng bông hoa sim tím trên đồi đã được ekip sản xuất tỉ mỉ cắm lên, nhưng phim chưa thật sự có nhiều tầng ý nghĩa, ví dụ như nói thân phận người phụ nữ, mâu thuẫn giàu - nghèo trong xã hội hay nội tâm đầy biến chuyển, rung động mãnh liệt của con người. Vì vậy, chỉ cần xem một vài bài phân tích phim, có thể thấy yếu tố nghệ thuật ít đất để “khai thác”, chủ yếu phim chỉ được phân tích về cốt truyện và nét đẹp của thiên nhiên Việt Nam.
|
Không ít bộ phim châu Á thành công nhờ sử dụng yếu tố văn hóa truyền thống. (nguồn: Idesign.com) |
Ngược lại, với bộ phim “Mùi đu đủ xanh”, đạo diễn Trần Anh Hùng đã sử dụng những góc quay tinh tế, để khắc họa đời sống của một gia đình truyền thống Việt Nam, từ bộ bàn ghế mộc mạc, chum nước đến gia đình “tứ đại đồng đường”. Mặt khác, phim cũng cho thấy số phận của người phụ nữ Việt Nam “thờ chồng, chăm con”, qua hình tượng nhựa đu đủ, quả đu đủ xanh, ẩn dụ cho người phụ nữ với thiên chức kiến tạo và sinh sôi, nảy nở. Đạo diễn Trần Anh Hùng đã có một lý giải rất hay về bộ phim của mình, anh tạo ra một khung cảnh với sự hài hòa theo đúng chất phương Đông, nhưng ẩn ở bên trong là mâu thuẫn ngầm, ví dụ về đàn ông - phụ nữ, hay giữa những người phụ nữ với nhau. Từ đó, kết thúc phim là hình ảnh nhân vật chính Mùi hiện lên với chiếc áo dài màu vàng, vẻ đằm thắm, khi đang mang thai, nhưng nối liền với mạch của cả bộ phim lại khiến cho người xem không khỏi thương cảm về số phận người phụ nữ.
Trong một bộ phim điện ảnh, với sức nén từ 1 - 3 tiếng đồng hồ, việc lựa chọn hình ảnh, tạo ra góc quay nghệ thuật mới lạ đầy ẩn ý, giàu sức liên tưởng là rất quan trọng. Từng khung hình cần phải ẩn chứa được các nội dung, tư tưởng, cái nhìn của đạo diễn, biên kịch về xã hội, cuộc sống và con người. Điều này đang thiếu ở những bộ phim Việt Nam, khi phần lớn nội dung vẫn chỉ dừng lại ở mâu thuẫn bề nổi, ví dụ như tình cảm gia đình, người xấu - người tốt. Một số bộ phim có những pha hành động đẹp mắt trong khung cảnh thiên nhiên Việt Nam, hoặc dùng trang phục, nhan sắc của dàn diễn viên để thu hút. Tuy nhiên, tất cả chi tiết đó chỉ mang yếu tố giải trí, vốn dễ đoán, chưa đi sâu vào thân phận con người, văn hóa, truyền thống để tạo nên các lớp ý nghĩa cho tác phẩm.
Khai thác chiều sâu trong văn hóa Việt
Đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện 1 Việt Nam từng chia sẻ: “Nền điện ảnh của đất nước nào cũng sẽ phải cố gắng tìm kiếm ra những cái mới lạ để có thể phát triển nền điện ảnh nước nhà và thu hút khán giả. Tôi nghĩ Việt Nam là đất nước có nhiều cái lạ, không chỉ về phong cảnh, về bối cảnh, mà còn lạ ở suy nghĩ”.
Qua một số tác phẩm châu Á đạt giải Oscar, có thể thấy mỗi bộ phim đều thể hiện được những nét văn hóa rất riêng biệt của từng quốc gia, dân tộc, gắn liền với những vấn đề đang “nóng” trong thời đại. Gần đây nhất là bộ phim “Everything everywhere all at once” (Cuộc chiến đa vũ trụ) đã khai thác mâu thuẫn giá trị truyền thống và hiện đại, cha mẹ - con cái trong các gia đình châu Á sinh sống tại Mỹ. Những nét văn hóa tâm linh về linh hồn, thiền, thế giới vô ngôn được thể hiện rất rõ ràng. Nhưng trong đó, vẫn có yếu tố của thời đại, là cuộc khủng hoảng Internet, nơi con người có quá nhiều thông tin phải tiếp nhận mỗi ngày, điều này thể hiện qua các phân cảnh chuyển dịch nhanh, tức thời trong một thế giới đa vũ trụ.
Vào đầu năm 2023, bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm, theo chân cô bé Di suốt sáu năm trời để quay lại những thước phim chân thực nhất. Bộ phim lọt Top 15 đề cử tại Oscar 2023, nhận được nhiều phản hồi tích cực của bạn bè quốc tế. Bộ phim khai thác rất tốt văn hóa của người Mông, với hàng loạt những vấn đề vẫn còn nhức nhối như tục cướp vợ, tảo hôn ở vùng cao. Từng góc quay của Hà Lệ Diễm đều cho thấy vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Việt Nam, cuộc sống độc đáo, đặc sắc của người dân tộc, đối chọi với vẻ đẹp đó là thân phận người phụ nữ. Đạo diễn đi sâu vào cuộc sống của người dân tộc, thể hiện tinh thần nhân đạo, khi “hướng máy quay” về người phụ nữ, sâu hơn là vấn đề về “giới”.
|
Quan trọng nhất trong mỗi bộ phim đó là tư tưởng có tính bao quát, đem đến giá trị cho cuộc sống. (phim “Những đứa trẻ trong sương” - nguồn: Wikipedia.com) |
Thực tế, dù là phim tài liệu, tình cảm, kinh dị hay hoạt hình cũng đều có thể khai thác được vẻ đẹp đất nước, dân tộc, số phận con người, cùng những vấn đề còn tồn đọng trong xã hội, tinh thần. Điều này chỉ thực hiện được, nếu người làm phim đi sâu hơn, không chỉ dừng lại ở các thước phim đẹp mắt, hay cốt truyện với nhiều cú “twist” (điểm ngoặt, bước ngoặt) bất ngờ.
Như bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh, hay “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng không có nhiều “điểm ngoặt” gây sốc thu hút khán giả, nhưng các tư tưởng về giới, về nam quyền, ẩn ức, tiếng nói câm lặng của người phụ nữ vẫn được khai thác tinh tế, để lại người xem nhiều suy nghĩ, đồng cảm. Và hơn nữa, nhà làm phim đã lý giải mâu thuẫn trên bằng chiều sâu văn hóa - những điều đã “cắm rễ” trong mỗi người Việt Nam.
Để làm được điều đó, đạo diễn, biên kịch cần tìm cho bản thân một tư tưởng, cái nhìn bao quát, rộng lớn và ý nghĩa đem đến giá trị cho cuộc sống này. Giống như bộ phim “All quiet of western front” (Phía tây không có gì lạ) đã sử dụng khuynh hướng “Giải huyền thoại” đặc trưng của “Chủ nghĩa hậu hiện đại” để xây dựng lại bộ phim chiến tranh dựa theo tiểu thuyết cùng tên. Hay với bộ phim “CODA” (Giai điệu con tim) đạt giải Oscar 2022, là “sự chiến thắng” của chủ nghĩa tự nhiên, thể hiện sức sống, khát khao, hướng đến giá trị tốt đẹp, tự do, tự nhiên nhất của con người. Ra đời vào thời điểm khi dịch bệnh COVID-19 vừa qua đi, phim “CODA” là một liều thuốc chữa lành, truyền động lực để con người thấy cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp.
Đặc biệt hơn, qua ba lễ trao giải Oscar gần đây, có thể thấy bộ phim “Nomadland” (Kẻ du mục, Oscar 2021), “CODAN” (Oscar 2022), “Everytime everywhere all at once” (Oscar 2023) đều đặt ý nghĩa, giá trị tốt đẹp và cá tính sáng tạo của đội ngũ làm phim lên trên yếu tố về kỹ thuật, hay những nội dung gây sốc, châm biếm. Cho nên, các nhà làm phim rất chú trọng tìm chủ đề giúp họ có cảm hứng, đam mê theo đuổi. Thường đó là điều gần gũi, gắn liền cuộc sống cho họ sự rung động mãnh liệt. Như nhà biên kịch của Sian Heder của phim “CODA” đã từng chia sẻ: “Chúng tôi làm tốt trong việc khắc hoạ và kể chuyện về những người khiếm thính trong CODA bởi vì chúng tôi đã “sống” như vậy. Chúng tôi thật sự biết về trải nghiệm đó”. Tại Việt Nam, những bộ phim như “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng, “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm đều lấy bối cảnh sống gần gũi, tác động mãnh liệt đến cuộc sống của họ.
Qua đó, có thể thấy, để phim Việt Nam vươn tầm quốc tế là một chặng đường dài, với nhiều điều cần thay đổi về nội dung, hình thức để có thể tạo ra những thước phim sinh động, đẹp mắt, thấm đẫm hơi thở Việt Nam, đồng thời vẫn có chiều sâu về nội dung, ý nghĩa.