Góp ý đề xuất về dạy văn hóa trong trường nghề: Cần xây dựng chương trình học tích hợp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trình dự thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông  tại các trường nghề để lấy ý kiến nhân dân. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo nhiều chuyên gia, dự thảo dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người đối với vấn đề học văn hóa song song với học nghề của học sinh nhưng trong tình cảnh hiện nay, đây vẫn là dự thảo hợp lý để lựa chọn.

Học sinh học nghề sẽ học 4 môn văn hóa

Theo dự thảo, Thông tư sẽ quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông (THPT) cho học sinh có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Các quy định của Thông tư sẽ áp dụng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác thực hiện Chương trình giáo dục THPT và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Thông tư nêu mục đích giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT là nhằm giúp học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT. 

Đối với mỗi ngành, nghề của giáo dục nghề nghiệp, học sinh phải học ít nhất 4 môn học gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn mỗi môn 270 tiết) và ít nhất 2 môn lựa chọn (trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý mỗi môn 180 tiết).

Học sinh được phép bảo lưu khối lượng kiến thức văn hoá này. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành 4 môn này, học sinh vẫn không thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nếu muốn dự thi tốt nghiệp THPT thì vẫn phải học thêm chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT, bao gồm 7 môn học.

Bên cạnh đó, việc giảng dạy các môn học được tổ chức theo lớp học đối với từng môđun, mỗi lớp học có không quá 45 học sinh.

Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy các môn học bảo đảm nội dung kiến thức, yêu cầu cần đạt và thời lượng học tập; tổ chức giảng dạy và kiểm tra đánh giá; tổ chức thi kết thúc môn học; xác nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh.

Hoạt động giảng dạy thông qua một số hình thức chủ yếu: học lí thuyết, làm bài tập, thực hành, thí nghiệm, dự án học tập, trải nghiệm, sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ, hoạt động phục vụ cộng đồng.

Liệu người học có quá sức?

Đánh giá, dự thảo Thông tư này, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, mặc dù Bộ GD&ĐT trình dự thảo Thông tư khá chậm so với yêu cầu của thực tế nhưng dự thảo trình lần này đã có một số điểm tiến bộ và hợp lý. 

Cụ thể, dự thảo đã có thêm phần tự chọn cho người học, khối lượng kiến thức cũng đã giảm cho phù hợp với học sinh học nghề và thêm một số quy định về tiêu chuẩn giáo viên. Tuy nhiên, theo TS. Vinh, dự thảo vẫn có nhiều “hạt sạn”, nhiều điểm không hợp lý bởi những người học nghề phải học song song cả văn hóa lẫn nghề  thì thường năng lực học của những học sinh này là yếu. Nếu các môn học văn hóa không được tích hợp cùng với các môn học nghề thì vẫn theo “vết xe đổ” của văn bản quy định hiện hành.

Đối với một số quan điểm cho rằng Bộ GD&ĐT cần mạnh dạn để 7 môn học văn hóa thay vì 4 môn như dự thảo Thông tư đang lấy ý kiến, TS. Vinh cho rằng, nếu đề xuất cho học sinh nghề học 7 môn văn hóa như các trường giáo dục thường xuyên và nếu học thật, thi thật, đánh giá thật thì tỉ lệ học sinh trượt sẽ rất nhiều. Bởi những học sinh không thể học một lúc hai văn bằng. 

Theo TS. Vinh, trong tương lai, chúng ta phải thiết kế chương trình dạy tích hợp cho học sinh học nghề. Tức là, nếu học hết trung cấp nghề thì học sinh có quyền thi vào liên thông cao đẳng, đại học như các nước trên thế giới.

“Tôi tin rằng, tương lai cơ quan quản lý giáo dục phải thiết kế chương trình học tích hợp tại các trường trung cấp nghề ở nước ta như các nước châu Âu và Mỹ. Còn hiện tại, trong bối cảnh chúng ta chưa chuẩn bị được đội ngũ thầy, cô giáo có thể dạy tích hợp và các chuyên gia thiết kế chương trình học tích hợp thì chúng ta buộc phải lựa chọn phương án này”, TS. Vinh nói.

Ở góc độ quản lý các trường nghề, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, hiện tại có quá nhiều mâu thuẫn trong quản lý các trường trung cấp nghề hiện nay. Bởi Bộ GD&ĐT được giao quyền quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, chương trình giảng dạy, văn bằng… của THPT. Trong khi, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc quyền quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), mà Bộ này lại chỉ có trách nhiệm quản lý giáo dục nghề.

Chính vì thế, theo TS. Khuyến, không thể “yêu cầu” Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm và cấp bằng tốt nghiệp cho việc đào tạo giáo dục phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong khi những cơ sở này lại không chịu quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. 

TS. Khuyến nêu quan điểm, để giải quyết tận gốc vấn đề thì hoặc là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng phải chịu sự quản lý nhà nước của cả Bộ GD&ĐT, cả của Bộ LĐ-TB&XH hoặc là thống nhất, chuyển việc quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp về cùng một cơ quan quản lý nhà nước, như tinh thần của Nghị quyết 19. 

Đọc thêm