Công tác biên phòng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị
Những ngày qua, Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) đã làm “nóng” hội trường Quốc hội. Các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; nhiệm vụ của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP); lực lượng phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng; bảo đảm về chế độ, chính sách biên phòng; kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện có dấu hiệu vi phạm tại biên giới, cửa khẩu...
Năm 2018, Quân ủy Trung ương đã trình Bộ Chính trị thông qua 3 chiến lược quan trọng gồm: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự và Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Việc xây dựng Luật BPVN nhằm thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, quan điểm của Đảng theo tinh thần của Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, thể hiện toàn diện, đầy đủ nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng, chính sách Nhà nước về nhiệm vụ biên phòng.
Luật BPVN là cơ sở để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành vào cuộc thực hiện nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thực tế, trong những năm qua, Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững độc lập dân tộc. Đặc biệt, Việt Nam đã thành công trong công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào và tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia đã hoàn thành gần 90%, đồng thời, cơ bản phân định rõ vùng biển vịnh Bắc Bộ. Đây là thành quả vô cùng lớn của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.
Cùng với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, sự ra đời của Luật BPVN tạo thêm thế trận biên phòng toàn dân, thành một hệ thống các thế trận để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Công tác biên phòng được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, chứ không phải nhiệm vụ của quân đội hay của BĐBP.
Luật Biên giới quốc gia 2003 là luật nền, quy định chung về biên giới quốc gia, đường biên giới, khu vực biên giới; công tác quản lý, bảo vệ, xây dựng biên giới. Dự thảo Luật BPVN quy định cụ thể các nhiệm vụ, lực lượng thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới. Trong nhiệm vụ xây dựng, quản lý biên giới, lực lượng nào nòng cốt, lực lượng nào chuyên trách, lực lượng nào tham gia đều đã được xác định rõ.
Phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới: nhiệm vụ quan trọng của Bộ đội Biên phòng
Việc có hay không có sự chồng lấn trong hoạt động của BĐBP và các lực lượng khác như Công an, Hải quan là nội dung được các đại biểu thảo luận và tranh luận sôi nổi. Khoản 3 Điều 15 Dự thảo Luật BPVN quy định quyền hạn của BĐBP được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới cửa khẩu theo quy định của pháp luật.
Theo Đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng), quy định như thế này còn khá chung chung và có khả năng sẽ có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh của lực lượng hải quan trong địa bàn hoạt động hải quan và các nghị định hướng dẫn tại cùng một khu vực biên giới cửa khẩu.
Đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của BĐBP để tránh chồng chéo. Tranh luận với Đại biểu Bùi Thanh Tùng, Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) khẳng định: “Qua kiểm tra lại Luật Hải quan, tôi thấy các hoạt động kiểm tra, kiểm soát trên cửa khẩu hải quan là trình tự thủ tục hành chính, thông qua hoạt động thông quan trên cửa khẩu.
Còn Luật BPVN thì quy định: “Áp dụng các biện pháp này khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên khu vực biên giới cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, hoạt động của 2 lực lượng này không chồng chéo nhau”. Thực tiễn, BĐBP đang trực tiếp kiểm soát xuất nhập cảnh tại 117 cửa khẩu biên giới đất liền và 37 cửa khẩu cảng do Bộ Quốc phòng quản lý. BĐBP luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại cửa khẩu như hải quan, kiểm dịch, cảng vụ trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
Tình hình an ninh, an toàn tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý luôn ổn định, tạo điều kiện tốt nhất trong xuất nhập cảnh cho cá nhân, tổ chức, tạo hình ảnh đẹp trong bạn bè quốc tế. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, việc quy định giao cho BĐBP nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đề nghị chỉ nên quy định theo hướng BĐBP có nhiệm vụ phối hợp với Công an nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới. Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc giao cho công an quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Ông nhấn mạnh, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới hoàn toàn khác với ở trong nội địa. Bởi vì nhiệm vụ này không thể tách rời và luôn luôn là một phần của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Theo Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, từ năm 1996 trở về trước, khi Bộ Công an quản lý BĐBP thì Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ này.
Từ năm 1996, khi giao lực lượng BĐBP thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 giao BĐBP thực hiện nhiệm vụ này và được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật. Khoản 2 Điều 31 Luật Biên giới quốc gia năm 2003 đã giao BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng thực thi nhiệm vụ duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biên giới; khoản 2 Điều 35 Luật Quốc phòng quy định giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hải đảo, vùng trời (Luật Quốc phòng được ban hành trước Luật Công an năm 2018).
Vì vậy, quy định như Dự thảo Luật BPVN vừa phù hợp với thực tiễn và các chủ trương của Đảng chính sách của Nhà nước, tránh được những bất cập trong công tác xây dựng, bảo vệ biên giới trong tình hình mới. Nói rõ thêm về nội dung này, Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Thừa Thiên - Huế) nêu rõ: Trong thực tế, qua 61 năm trưởng thành với 4 lần chuyển giao từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Công an và ngược lại, BĐBP đều giữ nguyên nhiệm vụ, là “lực lượng chuyên trách giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu biên giới”.
“Thực tế trên biên giới, BĐBP đã phối hợp rất chặt chẽ với lực lượng công an và các lực lượng khác giữ gìn an ninh biên giới, tạo cho biên giới bình yên, không có điểm nóng, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm biên giới, cùng phối hợp đấu tranh chuyên án, phối hợp phá chuyên án lớn, những đường dây vận chuyển ma túy từ nước ngoài về, thu hàng tấn ma túy trên thế giới...
Cho nên quy định như Dự thảo Luật là hoàn toàn phù hợp, không có gì trái với văn bản pháp luật hiện hành, không vướng mắc”, Đại biểu Bùi Đức Hạnh nhấn mạnh.