Góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam: Tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ

(PLVN) - Góp ý dự thảo mới nhất của Luật Biên phòng Việt Nam, Tổng cục Hải quan cho rằng có một số quy định chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan 2014.
Hải quan Chi cục Cửa khẩu Bắc Phong Sinh phối hợp Bộ đội Biên phòng đồn Quảng Đức, Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hải quan Chi cục Cửa khẩu Bắc Phong Sinh phối hợp Bộ đội Biên phòng đồn Quảng Đức, Quảng Ninh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Có thể chồng chéo chức năng ở cửa khẩu

Cụ thể, Tổng cục Hải quan (TCHQ) chỉ rõ tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật. Quy định này không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát xuất nhập cảnh, được hiểu là kiểm soát cả người và phương tiện xuất nhập cảnh dẫn đến quy định về quyền hạn của BĐBP được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm ở khu vực cửa khẩu (thuộc địa bàn hoạt động hải quan). 

TCHQ cho rằng, điều này chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan 2014. Theo đó, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan Hải quan chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát toàn bộ phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất độc, chất nổ, tài liệu phản động..., đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng theo nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao tại Luật Hải quan.

Theo TCHQ, trường hợp dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với những quy định trên được thông qua sẽ dẫn đến 2 cơ quan (Hải quan và Biên phòng) cùng thực hiện 1 nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 1 phương tiện xuất nhập cảnh, không phù hợp với chủ trương của Đảng, các cam kết quốc tế và các quy định pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải. 

Chẳng hạn, về các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia như Chuẩn mực 6.1 Chương 6 Công ước Quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1999 (Việt Nam là thành viên của Công ước) quy định: “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ Hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan”. Dẫn quy định trong cam kết quốc tế, TCHQ cũng chỉ ra, thực tiễn tất cả các nước trên thế giới thì cơ quan Hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, quy định như trên của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam không tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí (vì Hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế thì Biên phòng lại làm thủ tục, kiểm tra lại). Có thể sẽ phát sinh trường hợp cơ quan Hải quan đã cho phép thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh nhưng Biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Kiến nghị sửa đổi

Để đảm bảo phù hợp với Điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế, pháp luật hải quan; đảm bảo tính thống nhất, tính minh bạch trong quy định pháp luật (không đa nghĩa); đảm bảo sự phân công, phân nhiệm, không trùng chéo trong tổ chức và hoạt động; phù hợp định hướng cải cách bộ máy, thủ tục hành chính mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra, TCHQ kiến nghị sửa đổi quy định sửa khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật thành “Kiểm soát người xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật”.

Lý do đề xuất sửa đổi như trên là theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 “Kiểm soát xuất nhập cảnh là việc kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này”, khoản 6 Điều 3 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 “Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh là đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu”. Theo đó hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh chỉ áp dụng với “người”.

Đồng thời, đề nghị sửa khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật thành “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Bỏ chữ “cửa khẩu” để tránh trùng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Hải quan (vì theo Luật Hải quan 2014, khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan) mà vẫn đảm bảo được nhiệm vụ, quyền hạn của Biên phòng ở khu vực biên giới. 

Đọc thêm