Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần có Tổ chức định giá đất độc lập

(PLVN) - Chuyên gia thuộc Viện Kiểm sát Tối cao cho rằng, Nhà nước cần bổ sung thêm quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy kiến người dân về việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư...

Sáng nay, 9/3, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam Tạ Thị Minh Lý chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, các luật sư, cán bộ hỗ trợ tư pháp, chuyên gia đến từ một số tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến đóng góp đến từ các chuyên gia tại Hội nghị là liên quan đến vấn đề thu hồi, đền bù giải phóng mặt bằng và xác định giá đất.

Quang cảnh Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị.

Nêu thực trạng thi hành Luật Đất đai 2013, có ý kiến cho rằng, khiếu kiện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã và đang diễn ra gay gắt, phức tạp, việc thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân là do có sự bất hợp lý giữa Luật Đất đai 2013 và các Nghị định.

Cụ thể, theo chuyên gia Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình, quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp sẽ được Nhà nước bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, khoản b, Điều 5, Nghị định số 47/2014 ngày 15/5/2014 lại quy định đối với đất nông nghiệp sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Như vậy đã có sự đối lập giữa Luật và Nghị định.

Do đó, ông Phòng kiến nghị dự thảo Luật cần tách bạch, làm rõ nội hàm của mục đích thu hồi đất, trên cơ sở đó Nhà nước xây dựng đơn giá đền bù phù hợp với mục đích thu hồi, người dân dễ dàng chấp nhận và khắc phục cơ bản lợi ích nhóm trong thu hồi đất. Đồng thời, cần sửa đổi quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp là của Tòa án, bỏ thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính (Điều 203) và bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của người dân hoặc Tòa án; xem xét bổ sung quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy ý kiến người dân về việc lập thẩm định phê duyệt phương án bồi thường tái định cư.

Ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Ông Bùi Văn Phòng, Trung tâm Bảo trợ tư pháp tỉnh Thái Bình phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Liên quan đến nội dung định giá đất, ông Phòng cho rằng, việc xác định giá đất rất quan trọng nhưng phương pháp xác định giá đất cụ thể như so sánh trực tiếp còn chưa rõ ràng, hợp lý, dẫn đến tình trạng địa phương tùy ý lựa chọn phương pháp đấu giá đất. Giải pháp tối ưu hiện nay để định giá đất sát với giá thị trường là giá đất sẽ do các tổ chức chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành, các tổ chức này sẽ thực hiện những hoạt động cụ thể ở từng địa phương như xây dựng bảng giá đất trên địa bàn các tỉnh, thành phố... Vì vậy, dự thảo Luật cần đưa vào quy định việc thành lập tổ chức tư vấn định giá đất chuyên nghiệp, độc lập hoàn toàn, không phụ thuộc vào chính quyền địa phương.

Đồng tình với ý kiến trên, bà Phạm Thị Tuyết, Trưởng phòng Kiểm sát viên cao cấp (Viện Kiểm sát Tối cao) cho rằng, Nhà nước cần bổ sung thêm quy định về việc giao cho tổ chức thẩm định độc lập, tiến hành thẩm định giá đất thị trường, bảo đảm tính khách quan và công bố khi lấy kiến người dân về việc thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường tái định cư. Ngoài ra, dự thảo Luật cần làm rõ mục đích thu hồi đất, từ đó, sẽ góp phần hạn chế tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam đề nghị, dự thảo Luật nên có quy định phù hợp đối với diện tích đất thổ cư tối đa được sở hữu cho một hộ gia đình. Quá trình thực hiện tách sổ, tách hộ đã gặp vướng mắc, nhiều hộ gia đình cha mẹ trao quyền thừa kế về đất đai cho các con, có trường hợp đất ở chia cho 3-4 người con thì diện tích đất ở quá nhỏ không đủ điều kiện làm sổ đỏ. Tiến sỹ Tạ Thị Minh Lý cũng đề nghị tăng hạn mức đất ở để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nhóm nội dung gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cơ chế, chính sách, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất…

Đọc thêm