“Grab nhái” và mối họa tiềm ẩn phía sau

(PLO) - Mặc logo Grab nhưng không ít xe ôm thay vì tìm kiếm khách hàng qua điện thoại lại chọn phương thức “vây” quanh các bến xe để chèo kéo, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Đáng nói, không ít trong số xe ôm công nghệ này lại là “hàng nhái”, mượn danh thương hiệu. Hiện tượng xe ôm giả danh này đã và đang gây ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Quần áo của thương hiệu Grab được rao bán nhan nhản trên các trang mạng xã hội

Dễ dàng trà trộn

Ghi nhận của PV tại các bến xe khách liên tỉnh lớn như: Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), Giáp Bát, Nước Ngầm (quận Hoàng Mai)… mỗi ngày luôn thường trực một lượng lớn xe ôm mặc áo, đội mũ có logo Grab vây quanh. Đáng nói, đội ngũ xe ôm này ngoài việc tụ tập “chiếm” lòng đường, vỉa hè, không ít trong số đó còn chèo kéo, vẫy khách gây mất trật tự trị an. 

Trao đổi với PV, anh Phạm Trung H. (Cầu Giấy) một tài xế Grabbike cho biết, không phải ai mặc áo, mũ màu xanh grab cũng là “Grab xịn”. Nói cách khác, tài xế xe ôm trong trang phục áo, mũ Grab gây mất an ninh trật tự phần lớn là “hàng nhái”. Họ có trang phục và dáng vẻ bề ngoài như một xe ôm công nghệ nhưng lại không hề bật ứng dụng mà đứng yên một nơi bắt khách không khác gì xe ôm truyền thống.

Theo tìm hiểu, thay vì cầm theo chứng minh nhân dân, bằng lái xe, sổ hộ khẩu… lên trụ sở của Grab để đăng ký thì cách dễ dàng nhất để “nhái” và bắt khách là mua quần áo Grab. “Hiện giờ mua quần áo để chạy Grab khá dễ dàng, anh muốn mua chỉ cần “leo” lên các nhóm và đặt hàng là có ngay” – H chia sẻ. 

Quả thực, dạo qua các nhóm, hội liên quan đến Grab như: Hội Áo Đồng Phục Grab; Grabbike Hà Nội; Cộng đồng grab bike Hà Nội… người viết dễ dàng thấy nhiều lời chào mời, mua bán. Hoạt động mua bán, trao đổi khá phong phú, từ quần áo, mũ bảo hiểm và thậm chí ngay cả tài khoản Grap. Theo đó, giá mỗi bộ quần áo Grab thường được chào mời với giá từ 150.000 – 250.000 đồng/bộ.

Theo giải thích từ chủ tài khoản facebook tên Thái Long trong một hội kín của Grab thì giá cả như vậy đã tương đối “mềm”. “Nếu mua đồng phục ở trung tâm thường sẽ có giá cao hơn, khoảng 500.000 đồng/bộ, bởi tính riêng mũ bảo hiểm đã giá của hãng cung cấp ra đã là 90.000 đồng/mũ, đó là chưa kể mỗi bộ cần 2 mũ bảo hiểm và 3 áo đồng phục” – chủ tài khoản mời chào. 

Đó là trên mạng, thực tế việc mua bán, trao đổi mũ áo Grab thì cũng phong phú và nhộn nhịp không kém. Dễ thấy nhất là các điểm bán mũ bảo hiểm hoặc các “cửa hàng” vỉa hè gần bến xe, áo và mũ Grab được bày bán công khai. Tại khu vực đường Nguyễn Hoàng, gần cổng vào bến xe khách Mỹ Đình, khi nói nhu cầu muốn mua áo, mũ của hãng Grab, chủ cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm này cho biết giá một áo thun Grab mới là 120.000 đồng, trọn bộ từ áo đến mũ có giá từ 400.000 – 600.000 đồng. 

Người tiêu dùng chịu rủi ro nhiều nhất

Theo anh Nguyễn Tú - một tài xế Grab, “Grab chuẩn” là bản thân luôn mặc đồng phục, sử dụng ứng dụng để bắt khách và có hợp đồng hợp tác với hãng công nghệ. Tuy nhiên, cá nhân anh Tú cũng khó phân biệt đâu là đồng nghiệp trong cùng hãng và đâu là giả danh.

“Theo tôi, tài xế xe ôm trong trang phục áo, mũ Grab nhưng không hề bật ứng dụng, đứng yên một nơi bắt khách không khác gì xe ôm truyền thống thường là giả. Hầu hết các tài xế Grab “xịn” chỉ đến nhận đến nhận khách theo cuốc rồi đi. Trước đây cũng từng có hiện tượng tài xế Grab “xịn” muốn kiếm thêm thu nhập nên tự bắt khách rồi tự thỏa thuận giá cả để làm thêm. Tuy nhiên, hiện tượng này đã được chấn chỉnh bởi nếu bị hãng phát hiện sẽ bị khóa tài khoản” - anh Tú chia sẻ. 

Từng “ngậm quả đắng” vì những tài xế giả danh Grab, chị Nguyễn Thị Thảo (phường Ô Chợ Dừa) cho biết: Trong một lần di chuyển từ khu vực Giáp Bát đến đầu phố Lê Thanh Nghị chị được một tài xế mặc đồng phục Grab mời chào. Hỏi giá tiền, người tài xế này khẳng định, quãng đường tính rẻ nhất cũng phải 25.000 đồng.

Không thông thạo việc sử dụng ứng dụng của Grab nên chỉ khi về đến Lê Thanh Nghị, được chồng đón và tra số tiền phải trả nếu đặt trên hệ thống App của Grab thì chị mới biết bản thân bị “chặt chém”. “Tính ra quãng đường ấy tôi phải trả phí gần như gấp đôi bởi giá thực nếu đi Grab chuẩn thì chỉ từ 11.000 – 15.000 đồng” – chị Thảo bức xúc. 

Nhìn nhận trên khía cạnh pháp lý, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh, chuyên viên tư vấn luật, Công ty Cổ phần Tư vấn Đoàn Luật sư Việt Nam bản thân người tiêu dùng thường là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất nếu sử dụng phải một sản phẩm “không chính hãng”. Nói cách khác, ngoài việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ và rủi ro như: lừa đảo, mất an toàn, đơn vị quản lý không chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố… thì hệ lụy dễ thấy nhất là người tiêu dùng thường bị “chặt chém” với cước phí cao từ 1,5 đến 2 lần. “Những nhân viên giả mạo xe ôm công nghệ, không nằm trong sự quản lý của các hãng thì tất nhiên nếu có sự cố các hãng sẽ không chịu trách nhiệm” – ông Sinh chia sẻ. 

Là hành vi vi phạm pháp luật và có thể xử lý

Tại Chương II Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định từng mức phạt cụ thể đối với từng hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Trong đó, các hình thức xử phạt bổ sung tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Đọc thêm