GS.TS Việt kiều Thái Kim Lan: “Tôi vẫn là một người Việt thuần túy”

(PLVN) - Học tập, làm việc và lập gia đình ở một đất nước phát triển như Cộng hòa Liên bang Đức nhưng trong sâu thẳm trái tim GS.TS Triết học Thái Kim Lan luôn hiện hữu hình ảnh quê hương, đất nước. Đó là động lực của bà trong suốt nhiều năm qua, với nhiều lần đóng vai trò “cầu nối” trong các hoạt động giao lưu văn hoá, khoa học Việt - Đức. 
Áo dài luôn là trang phục được GS.TS Thái Kim Lan ưu tiên lựa chọn trong các buổi làm việc, nói chuyện về Văn hóa dân tộc.

“Văn hóa rốt cuộc là cái hồn dân tộc, hay là lương tri, đạo lý của cả một dân tộc. Bởi vì văn hóa cao nhất của con người giữa loài người chính là vẻ đẹp đạo đức của mỗi cá nhân bộc phát từ sự chiêm nghiệm thành tâm về diện mục quốc gia trong quá trình hình thành trình tự dân tộc, hòa nhịp cùng và theo kịp với lân bang, với toàn hoàn vũ trong mục đích cao nhất là chung sống hòa bình, người người trong ngoài hòa hợp, hạnh phúc”, GS.TS Thái Kim Lan khẳng định. 

Dạy con tiếng mẹ đẻ từ trong bào thai

Ngược dòng thời gian, năm 1965, bà Thái Kim Lan khi đó đang là một cô nữ sinh ngành triết học tại Đại học Huế, bà đã theo học sinh ngữ và tham khảo sách về triết tại Trung tâm Văn hoá thuộc Viện Goethe Sài Gòn đặt tại Huế. Sau đó, với thành tích học tập xuất sắc bà được trợ cấp học bổng sang Đức học tiếp về tiếng Đức. Sau hai năm rưỡi học sinh ngữ, bà xin được một học bổng tiếp tục học khoa Triết và bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại Đại học Ludwig – Maximilian, Munich. Từ 30 năm nay, bà là giảng viên về triết học và Phật giáo tại Trường Đại học này.

Hơn 50 năm sống và làm việc tại Đức nhưng bà Thái Kim Lan vẫn giữ được cho mình một phong thái nhẹ nhàng, đằm thắm, giọng nói ngọt ngào của người phụ nữ Huế. Tình yêu quê hương, đất nước, yêu tiếng Việt đó được bà truyền cho con ngay từ khi con mang thai. Người mẹ Việt Nam này thường xuyên trò chuyện với đứa con trong bụng bằng tiếng Việt, bằng giọng Huế đặc trưng nơi bà sinh ra và lớn lên. Bà muốn con của bà khi sinh ra có thể nghe nói được những tiếng nói quê hương thân thương và gẫn gũi. 

Không chỉ nói chuyện với con bằng tiếng Việt, bà Thái Kim Lan còn giữ cho mình cách nuôi con của người Việt. Bà đã từng khiến những người đồng nghiệp ở Đức tò mò khi bà không sử dụng sữa bò nuôi con như họ mà cho con bú. Buổi tối, bà ấp con ngủ và ru con bằng những làn điệu dân ca ngọt ngào, du dương. Bà chắt chiu những điều tuyệt vời trong cách nuôi dạy con của người Việt bao đời nay, đặc biệt là của xứ Huế mộng mơ. 

Dù đã sống hơn nửa thế kỷ và giảng dạy triết học ở một quốc gia châu Âu nhưng GS.TS Thái Kim Lan luôn khẳng định có một điều không bao giờ thay đổi trong con người bà, đó là “Tôi vẫn là một người Việt Nam thuần túy”. Những sự thay đổi có thì cũng chỉ là thay đổi của tư duy, cách sống bề ngoài để dễ dàng hòa đồng với một môi trường hoàn toàn khác biệt với quê mẹ Việt Nam. 

Bà tâm sự: “Bằng chứng là tôi đã lấy một người chồng Việt Nam cũng đi du học bên Đức, cùng chồng dạy dỗ con gái trở thành một cô gái có nhiều nét truyền thống Huế, từ giọng nói, sự hiểu biết, đến tình thương dành cho Huế và Việt Nam. Cô con gái với một cái tên rất Việt Nam là Mai Lan, sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng nói giọng Huế hệt như tôi và biết nhiều về Huế lắm”. 

Bỏ tiền túi để lưu giữ hồn cốt dân tộc

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, GS.TS Thái Kim Lan luôn nhắc lại nhiều lần rằng, ở thế hệ của bà, ngay khi vừa bước chân sang nước bạn du học thì đều có chung ao ước, sẽ có ngày trở về Việt Nam để thực hiện lý tưởng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng quê hương. Bản thân bà ngay từ năm 1991, khi Việt Nam mới mở cửa kinh tế, bà đã là một trong những người Việt đầu tiên đứng ra thành lập Hội giao lưu văn hoá Đức - Việt, tự nguyện làm “thuyết khách để khuyến khích người Đức sang Việt Nam đầu tư”. 

Từ những năm tháng đó đến thời điểm hiện tại, bà thường xuyên về nước, tham gia giảng dạy và tổ chức các hội thảo khoa học và các hoạt động làm cầu nối cho giao lưu văn hoá, khoa học Việt - Đức. Bà tích cực tham gia Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Văn hoá dân tộc, tài trợ cho Trung tâm mở hội thảo khoa học và nghiên cứu văn hoá dân tộc như: “Ảnh hưởng văn hóa Phật giáo trong nghệ thuật truyền thống Việt Nam”, “Nghệ thuật tuồng với người nước ngoài”…

Đặc biệt, vào năm 2001, GS.TS Thái Kim Lan sẵn sàng bỏ ra số tiền hơn 10.000 đô la để ủng hộ Nhà hát Tuồng Đào Tấn phục dựng vở tuồng Lô Địch, do nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị phóng tác từ kịch bản Le Cid của Cornelle (Pháp). Chưa dừng lại ở đó, 1 năm sau đó, bà tiếp tục mời cả đoàn tuồng 15 nghệ sĩ sang Đức biểu diễn vở Lô Địch cho người Đức xem. Bà còn mời một số giáo sư, nhà nghiên cứu Văn hóa dân tộc ở Hà Nội sang Munich để giao lưu với trí thức Đức về nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Nhiều nhà nghiên cứu khi đó đã bày tỏ sự khâm phục với việc làm táo bạo của GS.TS Thái Kim Lan, bởi trong suốt 2 tuần lễ diễn ra sự kiện bà phải vừa lo tổ chức biểu diễn, vừa lo chỗ ăn ở, đi lại cho gần 20 con người. Mọi sự hy sinh đó của bà đã được đền đáp xứng đáng khi đã có một chương trình hoạt động nghệ thuật có hiệu quả của Nhà hát Tuồng Đào Tấn trên nước Đức.

Sau sự kiện này bà không bao giờ quên chuyện mình “ngồi trên lưng hổ”. Nhưng khi về nước, bà lại tự nguyện gia nhập vào Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, không những viết bài thường xuyên cho tạp chí Văn hiến Việt Nam mà còn bỏ tiền tài trợ cho Trung tâm tổ chức nhiều hội thảo khoa học. 

Vào cuối năm 2014, bà về nước tổ chức triển lãm Bộ sưu tập áo dài xưa với nghệ thuật sắp đặt đa phương tiện tại Viện Goethe ở Hà Nội rất thành công. Nói về niềm đam mê với áo dài, GS.TS Thái Kim Lan cho biết, một số áo dài thời Nguyễn trong bộ sưu tập là của gia đình, đó là những tà áo dài của các bà và mẹ để lại. 

GS.TS Thái Kim Lan nói về bộ sưu tập gây tiếng ấn tượng và tiếng vang trong giới bảo tồn văn hóa dân tộc: “Khi tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên năm 1977, nhận thấy chiếc áo dài vắng bóng trên đường phố, trong lúc trước đó khi tôi xuất ngoại du học năm 1965, áo dài còn là quốc phục của phụ nữ miền Nam, ngay cả người buôn bán hàng rong tảo tần trên đường phố cũng mặc áo dài. Lo sợ những chiếc áo của gia đình sẽ bị số phận vứt bỏ hoặc bị mục nát nên tôi yêu cầu mẹ tôi giữ lại và sau đó chuyển sang Đức cho tôi. Một số áo dài là do tôi sưu tập trong thập niên 1980 và từ đó lưu giữ tại nước Đức”. 

35 năm là quãng thời gian mà bộ sưu tập áo dài đã được lưu giữ tại Đức một cách vô cùng cẩn trọng của gia đình bà Thái Kim Lan trong những chiếc tủ, chiếc rương. Khi đem bộ sưu tập áo dài đặc biệt này trở về Việt Nam, bà đã vô cùng bất ngờ khi thấy giới trẻ lại dành sự quan tâm tới áo dài. Từ điều đó, bà Thái Kim Lan đã ấp ủ mong muốn cùng những người thuộc thế hệ của bà nói chuyện về áo dài tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Bà cũng đã đề nghị với các bạn của mình viết về áo dài trải qua nhiều thời kỳ trên đất nước Việt Nam. 

Nhiều người bạn có dịp sang thăm gia đình của bà tại Đức đều vô cùng ấn tượng với ngôi nhà riêng có kiến trúc đậm chất làng quê Việt Nam. Ngôi nhà chỉ có một tầng, bên trong nội thất sử dụng trang trí hầu hết vật dụng là Việt Nam. Tất cả đều bằng tre, đến cái cửa ra vườn cũng bằng tre và hàng rào cũng bằng tre, tạo nên cảm giác làng quê Việt Nam rất rõ nét. Hơn hết, trong ngôi nhà của bà có một bàn thờ Phật được trang hoàng giống hệt như nhà chùa có chuông, có mõ, có kinh... Mỗi buổi tối, tại nơi này GS.TS Thái Kim Lan ngồi nhiều giờ tụng kinh niệm Phật. Bà thường mặc áo dài màu lục, đeo kiềng vàng giống hệt như một phụ nữ Huế xưa. 

Đọc thêm