Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Hà Giang: Tăng niềm tin, tạo khí thế trong nhiệm kỳ mới

(PLVN) - Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận và nỗ lực phấn đấu của nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển khá toàn diện. Thành quả trên tiếp tục tăng niềm tin, tạo khí thế mới cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của tỉnh trong công cuộc xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ mới.
Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.
Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hà Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Chỉ đạo, điều hành với phương châm “gần dân, sát cơ sở”

Hà Giang là tỉnh vùng cao, biên giới địa đầu cực Bắc của Tổ quốc; có địa chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng, lợi thế như: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều danh lam thắng cảnh kỳ vĩ; khí hậu ôn hòa mát mẻ, môi trường trong lành. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp, sản phẩm đa dạng đặc thù, nguồn gen đa dạng quý hiếm. Nhân dân các dân tộc cần cù, chịu khó, có truyền thống cách mạng, đoàn kết, ý chí và khát vọng vươn lên, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Những thế mạnh đó là lợi thế để Hà Giang khai thác, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. 

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đoàn kết, thống nhất một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 06 Nghị quyết và Chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sức mạnh đoàn kết các dân tộc được phát huy. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được thực hiện nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền các cấp không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với phương châm “gần dân, sát cơ sở”.

Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020, có 36 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã hoàn thành, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt ở mức cao. Nổi bật là một số chỉ tiêu quan trọng có mức tăng trưởng cao, liên tục, bền vững, như: thu ngân sách nhà nước tăng 2,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 3,4 lần, huy động vốn đầu tư toàn xã hội tăng 4,8 lần, giá trị thu hoạch/ha đất canh tác tăng 2,4 lần so với năm 2010, đến nay đã có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 143% chỉ tiêu nghị quyết…

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân đạt 6,8%, đạt mức khá so với các tỉnh trong khu vực. Tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2020 đạt 30 triệu đồng, tăng 57,4% so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Kết cấu hạ tầng từng bước được cải thiện, diện mạo đô thị, nông thôn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng cao ngày càng đổi mới. 

Ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 4,5%, đạt mức tăng tưởng khá, chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp được chỉ đạo triển khai đồng bộ, bằng đề án cụ thể gắn với tổ chức  lại sản xuất và cơ cấu lại các nguồn vốn đầu tư, an ninh lương thực được bảo đảm, tổng sản lượng lương thực đạt 42 vạn tấn. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Hà Giang đã đạt được những kết quả khích lệ, đã huy động trên 7.852 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 2.252 tỷ đồng, làm mới đường đất đá được 985 km, cứng hóa được 2.933 km đường giao thông nông thôn các loại; cải tạo, nâng cấp 933 phòng học; xây mới 544 nhà văn hóa thôn…

Công nghiệp, thủ công nghiệp tăng trưởng và phát triển khá, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế tăng bình quân 12,7%/năm, đến năm 2020 đạt 7.000 tỷ đồng, tăng 102,7% so với năm 2015. Hoàn thành và đưa vào vận hành 17 nhà máy thủy điện, đến nay toàn tỉnh có 36 nhà máy đang hoạt động, sản lượng điện trên 2.659,5 triệu kwh/năm. 

Cùng với đó, ngành du lịch đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Đến nay, tổng số làng văn hóa du lịch tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh được tỉnh công nhận 13 làng thuộc 9 huyện, thành phố như: Thanh Sơn, huyện Vị Xuyên; Nặm Đăm, huyện Quản Bạ; Nà Ràng, huyện Xín Mần; thôn Chì, huyện Quang Bình. v.v... 

Hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Giang.
Hiệu quả phát triển du lịch cộng đồng ở Hà Giang.

Luôn chủ động trong mọi tình huống

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức cũng luôn được tỉnh chú trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Năng lực, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ được đổi mới. Tất cả các thôn, bản đều có chi bộ, không còn chi bộ ghép; hằng năm 99% tổ chức đảng và 98% đảng viên xếp loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước thực hiện theo đúng quy định.

Ngoài ra, công tác tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được triển khai quyết liệt. Năng lực điều hành và quản lý của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới về nội dung, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, luôn chủ động trong mọi tình huống. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; thường xuyên coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, thế trận lòng dân. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ các cấp ngày càng vững chắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế trên, Hà Giang vẫn còn là tỉnh nghèo, xuất phát điểm về kinh tế dưới mức trung trình so với các tỉnh miền núi phía Bắc, tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hạ tầng giao thông; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực thấp; biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, thiên tai, dịch bệnh xảy ra với tần suất cao. 

Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được từ nhiệm kỳ qua, kết hợp công tác dự báo tình hình thế giới, khu vực trong nước cũng như tại tỉnh Hà Giang, dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đặt ra những mục tiêu cùng với các giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trong đó tỉnh đặc biệt chú trọng việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đi đôi với thực hiện dân chủ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; bảo vệ môi trường, sinh thái. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế với định hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển du lịch, dịch vụ là mũi nhọn; văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tầm nhìn định hướng đến năm 2030 và 2045, xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước.

Cùng với mục tiêu tổng quát trên, tỉnh cũng phấn đấu độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 8%; GRDP bình quân đầu người 55 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 4.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 30%; thu hút 3 triệu lượt khách du lịch; tỷ lệ giảm hộ nghèo đa chiều bình quân hàng năm đạt 4%/năm. Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng ổn định trên 60%.

Nhìn lại giai đoạn 10 năm 2010-2020 và nhiệm kỳ 2015-2020 dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự đoàn kết thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận và nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội đã có bước phát triển khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu quan trọng có mức tăng trưởng cao, liên tục, bền vững. Từ đây tiếp tục tăng niềm tin, tạo khí thế mới cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc của tỉnh trong công cuộc xây dựng địa phương phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ mới.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục - đào tạo có chuyển biến tích cực, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo nhà ở do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập đã quyết liệt huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ triển khai xây dựng được trên 3.300 nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo các xã biên giới có khó khăn về nhà ở đảm bảo 03 tiêu chí: cứng, bền vững, lâu dài.

Đọc thêm