Không những vậy, các hạng mục, tài sản của người dân được đầu tư trước đó để phục vụ hoạt động đa canh nay đã xuống cấp hư hỏng. Thiệt hại của 3 hộ dân: ông Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Tuyến, sinh sống trên địa bàn phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý lên đến hàng tỷ đồng...
Theo ghi nhận, khu trang trại hoạt động đa canh của 3 hộ dân đã có nhiều hạng mục như: bờ kè ngăn sạt lở hồ nuôi cá xuống cấp chìm trong nước, những cây trồng lâu năm có giá trị bị sụt lún theo bờ kè và đổ xuống hồ. Ngoài ra các công trình phục vụ chăn nuôi, sinh hoạt không được nâng cấp như chuồng trại chăn nuôi, cống thoát nước, đường sá, sân sinh hoạt… cũng bị hư hỏng nặng.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thế Mỹ - đại diện Ban giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Phủ Lý cho biết: “Việc chậm bồi thường, hỗ trợ đối với 3 hộ dân là do giai đoạn đó tỉnh chưa rót ngân sách và bên phía Cụm công nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng đất nên mới kéo dài đến bây giờ. Các hộ dân kí hợp đồng với UBND phường thì phường phải thông báo”.
Khi yêu cầu tiếp cận một số văn bản liên quan đến việc thu hồi, kiểm đếm tài sản và đền bù thì ông Mỹ cho rằng, thời điểm đó mình không phụ trách dự án này.
Còn ông Nguyễn Hữu Thọ - Trưởng ban GPMB TP Phủ Lý cho biết: “Chúng tôi cũng muốn giải quyết nhanh cho các hộ dân, trong quá trình thực hiện kiểm đếm, lên phương án đền bù chưa thống nhất được với các hộ dân. Ngoài ra, các thủ tục phải thực hiện theo trình tự, các số liệu chỉ mới thông báo công khai cho các hộ dân nắm bắt. Nếu người dân có những hạng mục nào còn thiếu sót thì phải làm đơn lên Hội đồng bồi thường GPMB để bổ sung các hạng mục còn thiếu không có trong hợp đồng thuê đất”.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: Việc chính quyền địa phương chậm chi trả bồi thường đã gây ra hậu quả thiệt hại về kinh tế, tài sản của người dân. Điều này thể hiện UBND TP Phủ Lý đã vi phạm một số quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Căn cứ theo hồ sơ, các công trình như nhà ở tạm phục vụ sinh hoạt của các hộ dân, lán tạm, bán mái và chuồng trại chăn nuôi; đường giao thông các hộ đã làm phục vụ đi lại sản xuất canh tác; kè ao chắn do khối lượng đào đắp bị sạt lở; bể nước phục vụ sinh hoạt, hệ thống cống nước phục vụ tưới tiêu và thoát nước... được tạo dựng hợp pháp từ năm 2010 nhưng không được liệt kê vào danh sách các hạng mục bồi thường, hỗ trợ là trái với quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 88 Luật Đất đai 2013 quy định: Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường. Riêng đối với các công trình đã bị sụt lún hay hư hại do không được gia cố, sửa chữa kể từ khi có quyết định thu hồi đất từ năm 2010 thì Ban GPMB TP Phủ Lý bắt buộc phải tính giá trị bồi thường tại thời điểm kiểm đếm năm 2010 để đảm bảo quyền lợi cho người dân...
Khoản 1 Điều 93 Luật Đất đai 2013 quy định: “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có hiệu lực thi hành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất thu hồi”; khoản 2 Điều 93 quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường chậm chi trả thì khi thanh toán tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng mức chậm nộp theo quy định của Luật quản lý thuế tính trên số tiền chậm trả và thời gian chậm trả…”, Luật sư Hùng phân tích.
Đề nghị UBND tỉnh Hà Nam, UBND TP Phủ Lý sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho người dân.